Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 7 năm 2015 | 7:30

22 hộ dân ở Thanh Hóa sống trong sợ hãi

Nằm dưới hành lang đường điện 220 kV Ninh Bình - Thanh Hóa, nhiều năm nay, 22 hộ dân ở thôn Nguyên Tiến, xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa - Thanh Hóa) luôn nơm nớp lo từ trường ảnh hưởng tới sức khỏe, bị hạn chế xây cao nhà cửa và tai họa có thể ập xuống bất kỳ lúc nào nếu như cháy nhà, cháy cây rơm, đổ cây…

Nỗi lo... đi tù

Ông Lê Như Thanh, PCT UBND huyện Thiệu Hóa: Trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho người dân là của ngành điện.

Năm 2000 - 2001, UBND xã Thiệu Nguyên bán đất làm nhà ở cho các hộ dân thôn Nguyên Tiến (cũng trong năm 2001, đường điện 220KV được tiến hành xây lắp). Qua 2 lần mở bán đất, đã có 22 hộ nằm dưới hành lang đường điện. Khi làm đường điện, các hộ dân không được hỗ trợ, đền bù cây cối, đất, tài sản trên đất ngoài 2 hộ có đất bị thu hồi để dựng cột điện.

Theo phản ánh của các hộ dân, từ khi có đường điện, không ít người thường xuyên bị mất ngủ, mệt mỏi… Chị Nguyễn Thị Thuận, một trong 22 hộ dân nơi đây, cho biết: “Nhiều năm nay, lúc nào tôi cũng thấy mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt, đặc biệt tôi thường xuyên bị mất ngủ. Chúng tôi mong công ty quản lý điện có chính sách di dời người dân ra khỏi khu vực này càng sớm càng tốt”.

Anh Nguyễn Dũng Hoa băn khoăn: “Nhà tôi cách trụ cột điện có vài mét, đường dây đi ngay trên nóc nhà. Những ngày mưa, nhiều sương mù, xung quanh phát ra tiếng ù ù nghe rất rõ. Vừa rồi gia đình tôi có nhu cầu xây lại nhà để ổn định cuộc sống nhưng mới xây đến tầng 2 đã vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Để đảm bảo sức khỏe, tạo điều kiện cho người dân xây dựng nhà cửa, tôi rất mong các cấp có thẩm quyền sớm có phương án di dời  tới nơi khác an toàn hơn”.

Không giấu được bức xúc, ông Nguyễn Xuân Hảo cho biết: “Mới đây nhà ông Duẫn bị cháy cây rơm, nếu không giập tắt kịp thời chắc chắn đã ảnh hưởng tới đường điện. Nhà tôi nằm ngay cạnh cây cột điện, ở nông thôn cần rơm để chăn nuôi. Chúng tôi không thể đứng cả ngày để trông cây rơm được, không may trẻ con nó đốt, hay cháy nhà, đổ cây thì lúc đó chắc chắn chúng phải đi tù. Chúng tôi rất sợ đi tù oan kiểu này”.

Cần đảm bảo quyền lợi của người dân

Theo Quyết định 2682/QĐ-UBND ngày 23/11/2009 của UBND huyện Thiệu Hóa về giải quyết khiếu nại đối với ông Lê Văn Duẫn cùng nhiều hộ dân khác thì 2 lần xã Thiệu Nguyên bán đất đều là chủ trương của tỉnh Thanh Hóa. Khi tiến hành giao đất lần 2 thì có dự án xây dựng đường điện 220kV Ninh Bình - Thanh Hóa. Sau khi có Công văn của Công ty Xây lắp điện 3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) thông báo các hộ dân có nhà cửa, công trình kiến trúc nằm dưới hành lang đường điện vẫn đủ điều kiện tồn tại nên xã Thiệu Nguyên mới tiếp tục giao đất cho các hộ dân.

Anh Nguyễn Dũng Hoa cho biết, do đường điện đi qua nhà nên gia đình anh không dám ở trên tầng 2.

Trước những phản ánh của người dân, UBND huyện Thiệu Hóa đề nghị ngành điện cần có chính sách bồi thường, hỗ trợ người dân đang sinh sống và sử dụng hợp pháp đất và các công trình xây dựng khác. Tuy nhiên, kiến nghị của huyện Thiệu Hóa vẫn chưa được ngành điện thực hiện.

Theo ông Phan Lê Nhân, Trưởng phòng Thanh tra, bảo vệ và pháp chế (Công ty Truyền tải điện 1), công văn của huyện Thiệu Hóa không ghi nơi nhận là Công ty Truyền tải điện 1 nên đơn vị không nắm được.

“Hàng năm công ty vẫn đi kiểm tra định kỳ và từ trường tại đây vẫn nằm trong phạm vi cho phép”, ông Nhân khẳng định.

Ông Lê Như Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết, huyện sẽ kiến nghị tới các cơ quan, ngành chức năng có trách nhiệm giải quyết, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân.

Hoàng Văn

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top