Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 1 năm 2016 | 1:29

8 giải pháp ứng phó với hạn hán vụ xuân 2016 của Nghệ An

Ở Nghệ An, vụ xuân là vụ sản xuất chính trong năm với khoảng trên 88.000ha lúa, 23.000ha lạc, 17.000ha ngô, 24.000ha mía và một số loại cây trồng khác. Tuy nhiên, vụ xuân năm nay, dự báo hạn hán diễn ra gay gắt, có nguy cơ đe dọa đến sản xuất.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An kiểm tra hạn hán ở Hưng Nguyên. Ảnh: Hoàng Vĩnh

 Nguyên nhân dẫn đến hạn hán gay gắt là do biến đổi khí hậu. Riêng ở Nghệ An, từ tháng 1 đến tháng 10/2015, nhiệt độ đạt bình quân 24,45 độ C, cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN)  là 1,2 độ C và cao hơn 10 tháng đầu năm của năm 2014 là 0,63 độ C. Các tháng 11 - 12/2015 và các tháng của cả vụ xuân 2016, nhiệt độ không khí sẽ cao hơn TBNN từ 0,5 - 1,5 độ C.

Theo Chi cục Quản lý nước và Công trình thủy lợi Nghệ An, hiện trên địa bàn tỉnh có 14 hồ đập có lượng nước dự trữ đạt trên 70%, 5 hồ đập đạt từ 50 - 70%, 28 hồ đập đạt dưới 50% dung tích thiết kế và số hồ đập còn lại đều có lượng nước dự trữ không đáng kể.

Trước tình hình này, ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã đưa ra 8 giải pháp để ứng phó với hạn hán:

Thứ nhất, ngay từ bây giờ, các địa phương và từng cơ sở sản xuất cần tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ diện tích gieo cấy lúa. Nơi nào diện tích đảm bảo có đủ nước thì cấy lúa. Nơi nào không hoàn toàn chủ động nguồn nước tưới cần chuyển sang gieo trồng ngô, lạc, đậu đỗ và phải gieo trồng càng sớm càng tốt để hạn chế ảnh hưởng của hạn hán nặng cuối vụ.

Thứ hai, quản lý nước, sử dụng nước hết sức tiết kiệm, bằng cách: Khơi thông hệ thống kênh mương dẫn nước từ đầu nguồn về đến từng cánh đồng, hoàn thành xong trước khi vào mùa vụ gieo cấy.

Các địa phương sử dụng nguồn nước tưới từ các hồ đập, khi chưa cần thiết tưới thì đóng cửa cống lại để giữ nước và tích nước, chống lãng phí nước không cần thiết.

Những địa phương tưới nước bằng hệ thống bơm điện cần tiến hành nạo vét sâu và sạch kênh mương, bảo dưỡng máy móc các trạm bơm, rà soát và nâng cấp hệ thống dây tải điện để khi máy bơm nước hoạt động không xảy ra sự cố.

Các cơ sở sản xuất cần chỉ đạo nông dân áp dụng phương pháp tưới nước nông - lộ - phơi hoặc giữ mức nước nông thường xuyên trong ruộng từ 3 - 5cm là đủ.

Thứ ba, từ nay đến thời vụ gieo cấy, các địa phương nên chỉ đạo nông dân tiến hành cày ải  phơi đất (kinh nghiệm thâm canh lúa của Thái Bình từ nhiều năm nay) để vừa làm tốt đất vừa tiêu diệt các loại nấm, vi khuẩn gây bệnh đối với cây lúa về sau.

Thứ tư, chỉ nên gieo cấy các giống lúa ngắn ngày, với thời gian sinh trưởng không  kéo dài trên 135 ngày. Gieo cấy các giống lúa ngắn ngày sẽ tiết kiệm được số lần tưới nước, giảm bớt chi phí sản xuất và đề phòng hạn hán nặng cuối vụ làm giảm năng suất lúa.

Thứ năm, tuyệt đối không gieo sạ  (gieo thẳng) sẽ gây lãng phí nước rất lớn (do phải cho nước vào cày bừa làm đất, rồi lại tháo nước ra để gieo và sau đó 5 - 7 ngày lại cho nước vào). Các vùng tưới nước bằng hệ thống bơm điện, tưới nước từ các hồ đập thì nên triệt để nghiêm cấm gieo sạ lúa trong vụ xuân này.

Thứ sáu, không vội vàng gieo mạ, cấy lúa trước lịch thời vụ quy định. Vụ xuân năm nay ấm, cây lúa sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng. Vì vậy, gieo cấy sớm trước lịch thời vụ quy định, cây lúa sẽ trổ sớm trước 25/04, dễ gặp lạnh tiết thanh minh làm giảm năng suất, thậm chí là mất trắng.

Thứ bảy, theo kinh nghiệm, năm vụ xuân ấm là  năm năng suất lúa không cao. Vì vậy phải áp dụng biện pháp cấy mạ non, bón phân lót đậm, bón nhiều, bón trước khi cấy để cây lúa đẻ sớm, đẻ tập trung. Phân bón lót nên bón loại NPK chất lượng cao như NPK 16-16-8, bón bình quân 13-15 kg/sào. Sau cấy 12 - 13 ngày bón thúc bằng loại NPK 15-5-20, bón bình quân 8-10 kg/sào và cuối cùng là bón thúc đòng từ 5-7 kg/sào cũng bằng loại phân NPK 15-5-20 nói trên.

Thứ tám, vụ xuân 2016 được dự báo là ấm, ẩm, sương mù nhiều vào buổi sáng, nắng nóng nhiều vào buổi trưa, chiều. Thời tiết này là cơ hội cho nhiều loại sâu bệnh hại cây trồng như: bệnh đạo ôn, khô vằn, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân… Vì vậy, các cơ sở sản xuất và  nông dân cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm các loại sâu bệnh khi mới xuất hiện để phòng trừ ngay theo chỉ dẫn của các trạm bảo vệ thực vật ở các huyện, thành, thị. Kinh nghiệm phòng chống sâu bệnh hại cây trồng trong mấy năm qua là phải tuân thủ phương châm 4 đúng (đúng thuốc, đúng sâu bệnh, đúng liều lượng và phải phun trừ đúng lúc) thì mới tiêu diệt được kịp thời và triệt để.

Doãn Trí Tuệ

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top