Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 5 năm 2018 | 15:16

Agribank đồng hành phát triển kinh tế vùng ĐBSCL bền vững

Kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những năm gần đây có bước phát triển nhanh từ kinh tế thuần nông sang kinh tế hàng hóa, nông nghiệp chất lượng cao và hướng tới nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ.

2.jpg
30 năm gắn bó đồng hành cùng “Tam nông”, Agribank mong muốn góp sức xây dựng ĐBSCL trở thành vùng kinh tế trọng điểm, phát triển năng động (nguồn: internet).

Nhận thức vị trí quan trọng, tiềm năng to lớn của vùng ĐBSCL, Agribank tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cùng vùng kinh tế trọng điểm này phát triển theo hướng bền vững.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh

ĐBSCL có diện tích khoảng 4 triệu hecta, sản xuất 50% sản lượng lương thực, 65% sản lượng trái cây, 75% sản lượng thủy sản, đóng góp 20% GDP cả nước. Nông nghiệp và thủy sản là hai “trụ cột” kinh tế chính của vùng. Đây là  thị trường sôi động và tiềm năng thu hút phần lớn các ngân hàng thương mại (NHTM) đến hoạt động, trong đó có Agribank.

Tính đến 31/12/2017, dư nợ tín dụng của Agribank tại khu vực này đạt trên 128.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay phát triển “tam nông” chiếm trên 90%. Nguồn vốn được đầu tư phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; cho vay nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu thủy sản; chăn nuôi và ngành lương thực, cây ăn quả...

Tại Vĩnh Long, khoai lang Bình Tân có chất lượng thơm ngon nổi tiếng, được trồng nhiều nhất ở huyện Bình Tân với trên 95% diện tích, sản lượng hàng năm ước đạt 300 - 400 ngàn tấn. Từ nguồn vốn Agribank đầu tư trồng khoai lang xuất khẩu, nhiều nông dân ở đây đã trở thành triệu phú, tỷ phú.

Gia đình ông Đỗ Văn Thum tổ 4 ấp Thành Lộc, xã Thành Trung (Bình Tân), khách hàng của Agribank là một ví dụ. Trồng khoai lang từ trước năm 1975, hiện ông đang trồng 1 vụ khoai lang Nhật, 1 vụ lúa trên diện tích 24.000m2.

Ông Thum tâm sự: Trước đây, mỗi khi đi vay vốn, tôi phải chèo ghe xuống huyện, thời gian đi lại mất 3 ngày. Nay, cán bộ Agribank (chi nhánh Bình Tân) đến tận xã khảo sát và giúp hoàn thiện thủ tục cho vay. Có vốn, tôi thuê thêm 2ha nữa để trồng khoai lang, mua phân bón, trả công trồng, tiền thuê đất... Từ trồng khoai lang, giờ đây gia đình có cuộc sống ổn định, khấm khá hơn.

Theo ông Bùi Thanh Việt, Phó chủ tịch UBND xã Thành Trung, từ vốn vay của Agribank, hàng nghìn nông dân trong xã đã chuyển đổi cây trồng, hình thành vùng chuyên canh khoai lang xuất khẩu. Do am hiểu địa phương, Agribank đã hỗ trợ các hộ dân vay vốn kịp thời, thời gian giải quyết nhanh chóng, chỉ từ 1-2 ngày, chậm chất là 5 ngày.

Cùng với đó, Agribank còn chú trọng phát triển cung ứng sản phẩm dịch vụ (SPDV) phù hợp với địa bàn khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là chuyển tải vốn nhanh chóng, trực tiếp đến khách hàng; tiếp tục mở rộng phát triển các kênh phân phối SPDV đa dạng, tiện ích (kênh ATM, EDC/POS; Internet Banking, Mobile Banking; ngân hàng lưu động; qua đại lý là các tổ liên kết; chi nhánh, phòng giao dịch…).

Từ thực tiễn hoạt động gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank đã khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “tam nông”, góp phần đưa ĐBSCL trở thành vựa lúa, vựa trái cây, thủy sản lớn của cả nước và giữ vị trí chiến lược trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Với lượng vốn lớn hàng năm cung ứng cho khu vực, Agribank đã đáp ứng nhu cầu đầu tư của mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển, tạo ra thị trường hàng hóa trong nông nghiệp với nhiều sản phẩm mũi nhọn,  kim ngạch xuất khẩu cao, có thương hiệu như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn…

Vẫn còn nhiều bất cập

Bên cạnh kết quả đạt được, từ thực tiễn hoạt động tín dụng và cung ứng SPDV tại ĐBSCL, Agribank nhận thấy tại khu vực này đang còn một số tồn tại, bất cập như: Thiếu mô hình liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, thu mua, chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Công tác quy hoạch tổng thể toàn vùng, từng khu vực chưa phù hợp, tính liên kết vùng chưa cao.

Chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân khu vực. Chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp được đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn diễn ra… đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mặc dù rất nỗ lực và mong muốn triển khai hiệu quả Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhưng trong quá trình thực hiện, còn gặp nhiều bất cập trong việc xác định tài sản thế chấp, cho vay không có tài sản đảm bảo trong nông nghiệp, nông thôn. Bởi thực tế tài sản trên đất nông nghiệp theo Luật Đất đai không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; Tài sản có giá trị như vườn cao su, hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả lâu năm, công trình, nhà ở nông thôn… phần lớn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Xử lý tài sản thế chấp khó khăn, không có giá trị nhiều trong việc thu hồi vốn trong trường hợp khoản vay gặp rủi ro… 

Agribank xác định, luôn đồng hành cùng với mục tiêu “xây dựng ĐBSCL trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, có đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế đất nước, góp phần quan trọng vào việc xây dựng  vùng ĐBSCL giàu mạnh, các mặt văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và an ninh quốc phòng vững chắc, có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011 - 2020 bằng 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.000 USD. Tỷ lệ đóng góp của vùng trong GDP của cả nước khoảng 13,3% vào năm 2020”.

Tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu

Để tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại hàng đầu, đóng vai trò chủ lực tại khu vực ĐBSCL, chiếm thị phần chi phối đầu tư tín dụng của toàn khu vực, Agribank xác định: Tập trung nguồn vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay xuất khẩu, tiêu dùng và cho vay các chương trình phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ,  tiếp tục nâng tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn; mở rộng thị phần và đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ, thanh toán trong nước và quốc tế, kinh doanh ngoại tệ, thẻ và các dịch vụ khác; đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của hộ gia đình, cá nhân và các doanh nghiệp trong khu vực.

Agribank mong muốn sớm được tháo gỡ được những bất cập trên để chính sách ngày càng phù hợp với thực tiễn. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận trang trại cho các hộ gia đình và chủ trang trại được đẩy nhanh tiến độ, tạo cơ sở pháp lý cho đối tượng này vay vốn được thuận lợi. Tăng cường triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân, các doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản đạt chuẩn quốc tế.

Mở rộng thị trường trong và ngoài nước; xây dựng cơ chế liên kết vùng, liên kết với các doanh nghiệp lớn đầu mối để hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ban hành cơ chế, chính sách về quản lý đất đai theo hướng hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. Tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Ban hành chính sách hỗ trợ về phát triển khoa học, công nghệ, tư vấn lựa chọn công nghệ… nhằm khuyến khích đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp (miễn giảm thuế nhập khẩu, cân đối hỗ trợ một phần nguồn vốn đầu tư nhà nước với lãi suất thấp, và vốn vay các ngân hàng thương mại). Ban hành cơ chế hướng dẫn việc thực hiện chủ trương liên kết các nhà theo hướng gắn trách nhiệm, quyền lợi giữa nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, tăng cường vai trò trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc đầu tư vốn cho phát triển kinh tế khu vực.

Đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm nông nghiệp, đồng thời ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích để các công ty bảo hiểm triển khai các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp; tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vốn nhiều hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Có chính sách kêu gọi vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, nguồn vốn FDI đầu tư vào kết cấu hạ tầng và sản xuất như: giao thông, thủy lợi, năng lượng; chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản.

Đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần phải có đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, đổi mới hệ thống quản trị nội bộ, quản lý tài chính, công tác phân tích, lập kế hoạch, chiến lược kinh doanh,… nhằm nâng cao năng lực tài chính, khả năng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, đảm bảo các điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay và các dịch vụ ngân hàng khác từ các tổ chức tín dụng.

 

 

 

Viết Chung
Ý kiến bạn đọc
Top