Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 12 năm 2018 | 21:24

Agribank và những giải pháp đẩy lùi nạn tín dụng đen

Tín dụng đen đã và đang hoành hành khắp nơi, gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với an ninh trật tự và sự phát triển kinh tế xã hội.

 
 
Xe lưu động của Agribank sẵn sàng mang đồng vốn đến đồng bào vùng sâu, vùng xa
 
Agribank đã cùng ngành ngân hàng tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi nạn tín dụng đen, cụ thể như: phát triển dịch vụ ngân hàng lưu động mang đồng vốn đến với đông đảo bà con vùng sâu vùng xa, triển khai mạnh mẽ hình thức cho vay qua tổ nhóm để tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng… 
 
Có thể nói, tín dụng đen đã thực sự trở thành một nỗi lo ngại đối với toàn xã hội và mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ đầu tháng 12 đã có những chỉ đạo quyết liệt để trấn áp nạn tín dụng đen. Người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có biện pháp quyết liệt để loại trừ tình trạng này. Bộ Công an cũng quyết định sẽ mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm tín dụng đen bắt đầu từ giữa tháng 12.
 
Sở dĩ nạn tín dụng đen “gây bão” khắp nơi là bởi người dân có thể dễ dàng tiếp vốn từ nguồn này, thủ tục đơn giản và được cấp vốn nhanh chóng chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ. Trong khi đó, để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, khách hàng phải thực hiện những thủ tục nhất định, có giải pháp sử dụng vốn vay, đảm bảo nguồn vốn để trả nợ… Ngân hàng áp dụng những quy trình như vậy để hạn chế tối đa nguồn vốn cho vay bị sử dụng sai mục đích và có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, đảm bảo sự hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng – mạch máu của nền kinh tế đất nước.
 
Ngân hàng lưu động Agribank mang đồng vốn đến từng hộ dân vùng sâu, vùng xa 
 
Một trong những giải pháp quan trọng để đẩy lùi nạn tín dụng đen đó là phải giải quyết tận gốc vấn đề khát vốn của người dân. Do đó tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân là một cách hữu hiệu để giảm tín dụng đen.
 
Agribank đã tích cực cải cách các thủ tục hành chính để khách hàng có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một cách nhanh gọn, và tất nhiên vẫn đảm bảo những quy định pháp lý. Và nếu như trước đây khách hàng phải tìm đến ngân hàng để được vay vốn thì giờ đây, ngân hàng đã chủ động tìm đến khách hàng để giúp khách hàng thực hiện các thủ tục vay vốn, phát triển kinh tế.
 
Đồng thời, Agribank triển khai mạnh mẽ dịch vụ ngân hàng lưu động trên toàn quốc, để những khách hàng vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cũng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
 
Ông Nguyễn Dự - Giám đốc Agriban Gia Lai nhấn mạnh: “Với riêng ngân hàng Agribank, chúng tôi chúng đang nỗ lực đưa vốn đến những buôn làng xa xôi nhất, bằng việc mở các phòng giao dịch hoặc xe cho vay lưu động. Nếu như trước đây, người dân cần vay vốn phải tìm đến ngân hàng, thì ngày nay, chính ngân hàng đang tìm đến từng người dân để mang vốn đến cho họ, giúp họ sản xuất kinh doanh để sớm thoát nghèo”.
 
Những giải pháp trên của Agribank đã đem lại những hiệu quả rõ rệt, khách hàng những vùng xa xôi nhất cũng có thể đến với Agribank, những khách hàng khát vốn để kinh doanh cũng đã được đáp ứng. Khách hàng vùng sâu vùng xa, trước đây, có khi phải vượt cả hơn 60km mới đến được trụ sở ngân hàng thì giờ đây họ chỉ cần đi vài km là có thể đến được điểm giao dịch lưu động của Agribank.
 
Những điểm giao dịch lưu động ở những vùng xa xôi như: Mộc Châu (Sơn La), Ngọc Lặc (Thanh Hóa), Quảng Trạch (Quảng Bình), Quảng Sơn (huyện Đăk Glong - Đăk Nông), Xuân Lộc (Đồng Nai)… thực sự đã đem đến những tiện ích, những niềm vui khôn tả xiết cho khách hàng nơi đây.
 
Triển khai thí điểm từ cuối năm 2017, đến nay điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Agribank đã có mặt tại những xã vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh, từ bắc đến nam để phục vụ khách hàng.  Đợt 1 giai đoạn 1, Agribank triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đến 30 chi nhánh, đợt 2 giai đoạn 1 triển khai 38 điểm giao dịch lưu động tại 37 chi nhánh.. Tính đến 31/10/2018, đối với 30 chi nhánh triển khai đợt 1 đề án điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đã tổ chức được 2.045 phiên giao dịch, phục vụ cho 225.288 lượt khách hàng tại 236 xã trong cả nước.
  
Dịch vụ ngân hàng lưu động của Agribank đã được người dân hưởng ứng, được ngân hàng Nhà nước đánh giá cao và mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã truyền đi thông điệp khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới ở khu vực nông thôn, thí điểm mô hình ngân hàng lưu động của Agribank, phát triển hệ thống tài chính vi mô, các công ty tài chính tiêu dùng… để đẩy lùi nạn tín dụng đen.
 
 
Ngân hàng lưu động Agribank giúp tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng ở những vùng xa xôi hẻo lánh 
 
Agribank triển khai mạnh mẽ dịch vụ cho vay qua tổ nhóm
 
Agribank có mạng lưới rộng khắp trên cả nước gồm 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch có mặt khắp mọi vùng miền, vùng sâu vùng xa, huyện đảo… và tiên phong, chủ lực trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước. Nhiều nơi, Agribank là ngân hàng duy nhất hiện diện và đem đến những tiện ích ngân hàng hiện đại cho người dân. Khách hàng tại khắp các vùng miền của cả nước khi có nhu cầu và có phương án giải ngân phù hợp đều có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay từ Agribank.
 
Không chỉ dừng lại ở đó, Agribank còn đẩy mạnh cho vay qua tổ nhóm.  Agribank triển khai cho khách hàng vay vốn qua tổ nhóm thông qua việc phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Hội Nông dân, Hội phụ nữ… Agribank triển khai ký Thỏa thuận liên ngành với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đồng thời ban hành các văn bản có liên quan về hướng dẫn cho vay thông qua tổ vay vốn và được các Chi nhánh trong toàn hệ thống triển khai áp dụng.
 
Việc cho vay qua tổ nhóm là một trong những giải pháp hữu hiệu để Agribank giúp đông đảo người dân tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng một cách thuận tiện, nhanh chóng, qua đó giảm nạn tín dụng đen. Việc cho vay qua các tổ hội là một kênh dẫn vốn rất hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cho hộ nông dân, cho các hoạt động của tổ chức đoàn thể Hội các cấp…
 
 
Agribank ký thỏa thuận liên ngành về việc thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn 
 
Tổ vay vốn sẽ đem đến cho người dân nhiều thuận tiện khi tiết kiệm được thời gian đi lại, công sức... Bên cạnh đó, việc tham gia tổ vay vốn, khách hàng còn giải tỏa được tâm lý e ngại trong việc vay vốn Ngân hàng. Bởi lẽ, ở địa bàn nông thôn,  nhiều hộ gia đình còn có tâm lý mặc cảm về thu nhập thấp, mức vay nhỏ lẻ và e ngại các thủ tục vay nên đôi khi chưa mạnh dạn tìm đến ngân hàng để vay vốn kinh doanh.
 
Khi tham gia tổ vay vốn, khách hàng được giải tỏa tâm lý và có cảm giác yên tâm hơn khi giao dịch về tiền bạc...  Tổ trưởng tổ vay vốn sẽ tiếp nhận hồ sơ vay vốn, hướng dẫn các thành viên trong tổ làm đúng thủ tục, hồ sơ vay vốn của ngân hàng, giúp người dân nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đồng thời giảm áp lực cho cán bộ tín dụng ngân hàng. Tổ vay vốn có trách nhiệm theo dõi kỳ hạn vay, ngày trả lãi, ngày đến hạn trả nợ của các thành viên, để kịp thời trả vốn gốc cũng như lãi vay cho ngân hàng.
 
Ông Nguyễn Văn Tư – Chủ tịch Hội Nông dân Đăk Lăk - nhấn mạnh: “Ngân hàng Agribank đã đưa các chính sách tín dụng của nhà nước đến gần với các hộ dân. Agribank cũng đồng thời tham gia xây dựng tổ chức chính trị địa phương (đặc biệt là tổ chức hội nông dân), thông qua việc đẩy mạnh cho vay qua tổ nhóm. Cũng thông qua tổ vay vốn, đa phần người nông dân được tiếp cận vốn ngân hàng, từng đồng vốn của ngân hàng được các hộ nông dân chắt chiu và sử dụng hiệu quả, người nông dân đã có tích lũy, góp phần phát triển kinh tế địa phương...”.
 
 
Lễ ký thỏa thuận về thành lập và cho vay thông qua tổ vay vốn tại Tuyên Quang 
 
Từ nguồn vốn của Agribank, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giầu. Qua nhiều năm triển khai, tổ vay vốn thực sự là cánh tay nối dài, là trợ thủ đắc lực cho các chi nhánh Agribank trên cả nước. Nhiều địa phương thực hiện tốt mô hình cho vay qua tổ nhóm như: Phú Thọ, Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An… Đến 31/12/2017, Agribank đã triển khai cho vay qua hơn 52 nghìn tổ vay vốn với 1.261.847 thành viên trên địa bàn 75 chi nhánh. Đến nay, Agribank có dư nợ cho vay qua tổ đạt 110 ngàn tỷ đồng với hơn 57 nghìn tổ vay vốn và hơn 1,3 triệu tổ viên, tỷ lệ nợ xấu rất thấp (0,3% tổng dư nợ).
 
Bên cạnh việc đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng lưu động và triển khai cho vay qua tổ nhóm, Agribank còn là ngân hàng thương mại Nhà nước luôn đi đầu trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách giúp đông đảo người dân tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Hiện tại Agribank triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, khách hàng nhận được nhiều ưu đãi từ những gói tín dụng trên… Hàng năm, Agribank chấp nhận giảm thu hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất vay cho khách hàng.
 
Khi có cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng đáp ứng nhu cầu sản xuất, khách hàng sẽ hạn chế việc tìm đến tín dụng đen. Việc đáp ứng tối đa nhu cầu vốn cho người dân là điều căn bản nhưng chưa phải là tất cả để hạn chế tối đa tín dụng đen. Việc đẩy lùi tận gốc tín dụng đen còn cần sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành.
 
Ngoài việc tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân cần phát triển hệ thống tài chính vi mô, các công ty tài chính tiêu dùng… Đồng thời, các chế tài để xử lý tín dụng đen cũng cần có tính răn đe hơn nữa. Người dân cũng cần được tuyên truyền để nâng cao nhận thức về những hệ lụy khôn lường mà tín dụng đen mang lại…
 
 
 
 
 
Thanh Bình
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top