Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 31 tháng 12 năm 2015 | 9:57

Áp dụng kỹ thuật cao tại bệnh viện tuyến tỉnh: Những bước đi “Phù Đổng”

5 năm trước, những trường hợp bị chấn thương sọ não, cột sống, nhồi máu cơ tim… đều phải chuyển lên tuyến trên. Giờ đây, nhờ áp dụng nhiều kỹ thuật y học chuyên sâu, hiện đại, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An đã giữ lại tính mạng cho người bệnh trong cơn nguy kịch, giúp giảm gánh nặng đi lại cho người dân.

Qua lằn ranh sinh tử…

Trung tuần tháng 12, khoảng 20 giờ, cháu Nguyễn Đức Anh, trú tại Thanh Văn, huyện Thanh Chương nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não, tụ máu, hôm mê sâu. Các bác sĩ đã đặt nội khí quản và tiến hành phẫu thuật. Ca mổ kéo dài đến hơn 23 giờ đêm. Sau khi mổ, lấy được máu tụ, nhưng cháu vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, sốt cao, hôn mê sâu vì bị chít hẹp đường thở do thở máy nhiều. Cháu tiếp tục được các bác sỹ tiến hành nội soi nong đường thở. Hiện cháu đã qua nguy kịch, đang điều trị để tiếp tục được mổ ghép xương từ ổ bụng lên sọ não. Chị Nguyễn Thị Hiền, mẹ của cháu Đức Anh, kể lại: Hôm đó, con trai tôi đi học về thì bị tai nạn, cháu bất tỉnh nhân sự, máu chảy rất nhiều, gia đình tôi đưa con vào Bệnh viện Đa khoa Nghệ An trong tình trạng cấp cứu. “Ca mổ kéo dài suốt mấy tiếng đồng hồ, có nằm mơ tôi cũng không nghĩ rằng con mình sống được, vậy mà phúc nhà tôi to hơn núi khi gặp được các bác sỹ  ở khoa thần kinh cột sống hết sức có trách nhiệm và nhiệt tình”, chị Hiền chia sẻ trong niềm xúc động.

Thạc sỹ Hoàng Kim Tuấn, Phó khoa Thần kinh cột sống cho biết, trước đây, nhiều bệnh nhân sau khi gặp tai nạn, tai biến… ra đến Hà Nội thì tử vong. Nhưng hiện nay, việc áp dụng công nghệ cao tại khoa cho phép thực hiện nhiều bước chẩn đoán, chữa trị cứu sống nhiều bệnh nhân, với những trường hợp nặng đã được các bác sĩ sơ cứu kịp thời tại tuyến tỉnh trước khi chuyển lên tuyến trên.

Thạc sỹ- Bác sỹ Hoàng Kim Tuấn thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật.

Trường hợp của bệnh nhân Lê Hồng Căn (76 tuổi) trú tại xã Yên Sơn, huyện Đô Lương đêm 21/12, nhập viện trong tình trạng ngực đau dữ dội. Kết quả chụp mạch cho thấy, đây là ca nhồi máu cơ tim cấp, có hai nhánh động mạch vành bị tắc do mảng xơ vữa, nếu không xử trí nhanh chóng bệnh nhân sẽ tử vong vì cơ tim bị hoại tử. Sau hơn 2 tiếng căng thẳng trong phòng mổ, bệnh nhân Lê Hồng Căn đã được cứu sống.

Bà Nguyễn Thị Hoà, vợ của bệnh nhân không nén nổi xúc động, chia sẻ: "Khi đưa ông ấy xuống đây cấp cứu, gia đình tôi đã không còn hy vọng, bởi toàn thân ông ấy tím, lạnh ngắt. Thế nhưng, thật kỳ diệu, ông ấy đã sống và bình phục rất nhanh".

Nói về kỹ thuật can thiệp mạch vành, bác sỹ CK 1 Phan Việt Tâm Anh, Phó khoa Tim mạch, cho biết: Can thiệp động mạch vành (đặt stent) là kỹ thuật dùng một loại ống thông nhỏ để đưa một bóng nhỏ vào lòng động mạch vành bị tắc rồi nong và đặt giá đỡ giúp tái lưu thông dòng máu. Với thủ thuật này, bệnh nhân không phải chịu đau đớn. Nếu được can thiệp sớm sẽ cứu được tính mạng, còn nếu can thiệp muộn có thể cứu được bệnh nhân nhưng quả tim sẽ bị suy thì sau này cuộc sống của bệnh nhân sẽ khó khăn.

Bác sỹ Tâm Anh cũng cho biết: 5 năm trước, những bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, tim bẩm sinh… đều không thể can thiệp tại bệnh viện tuyến tỉnh mà phải chuyển lên tuyến trên, quá trình di chuyển khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí bệnh nhân tử vong trên đường chuyển viện. Thế nhưng, giờ đây những bệnh lý tim mạch cơ bản, thậm chí các can thiệp tim mạch phức tạp cũng đã được triển khai ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh. Theo đó, nhiều kỹ thuật khó trước đó như đặt ca- tê- te tĩnh mạch trung tâm, chọc dịch màng tim, màng phổi, màng bụng, xốc điện cấp cứu ngừng tuần hoàn, xử lý các rối loạn nhịp tim, chụp mạch và đặt stend động mạch vành, siêu âm tim qua thực quản…đã được các thầy thuốc tại đây triển khai thuần thục.

Những bước đi “Phù Đổng”

Cho đến nay, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An đã có những bước tiến vượt bậc trong chuyên môn, nhiều kỹ thuật mới được triển khai như: khám cấp cứu; phẫu thuật điều trị cấp cứu và khắc phục di chứng cho bệnh nhân chấn thương sọ não, chấn thương cột sống cổ, ngực, lưng, phẫu thuật điều trị các bệnh lý hệ thần kinh (tai biến mạch máu não, não úng thủy, u não, u tủy...); can thiệp tim mạch

Nói thì dễ, nhưng quá trình áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chữa trị tại bệnh viện tuyến tỉnh là một sự chuẩn bị lâu dài cả về nhân lực và trang thiết bị. Đầu tiên là việc cử các bác sĩ đi học, nâng cao tay nghề tại Viện Tim mạch Quốc gia, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Quân y 103… Cùng với đó là trang thiết bị hiện đại được mua sắm, tập trung phát triển chuyên khoa. Đặc biệt là phối hợp với các bệnh viện lớn nhằm nhận được sự trợ giúp về chuyên môn, kỹ thuật “ cầm tay chỉ việc”. Còn nhớ, năm 2010, thời điểm Bệnh viện Tim Hà Nội bắt đầu chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim hở, can thiệp tim mạch cho Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, nhiều người rất nghi ngờ về tính hiệu quả của việc áp dụng biện pháp điều trị kỹ thuật cao. 120 ca bệnh về tim mạch, trong đó chủ yếu là các bệnh mạch vành của lứa tuổi trung niên và những ca bệnh nhi bị dị tật tim bẩm sinh thành công nhờ  sự phối hợp của các bác sỹ đến từ các trung tâm tim mạch lớn. Đây cũng là thời điểm Bệnh  viện Đa khoa Nghệ An chính thức có tên trên bản đồ tim mạch can thiệp của Việt Nam.

Kỹ thuật cao đã được áp dụng tại tuyến tỉnh.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Danh Linh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, khẳng định: “Nhờ ứng dụng các tiến bộ công nghệ và kỹ thuật trong tim mạch can thiệp, chấn thương sọ não, cột sống, nhồi máu cơ tim, tại biến mạch máu não…, hàng ngàn bệnh nhân đã được cứu sống, đồng thời giúp giảm gánh nặng đi lại cho người dân cũng như giảm tải cho tuyến trên, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đánh giá việc phát triển các kỹ thuật chuyên sâu của ngành y tế trong thời gian qua, trong đó có can thiệp tim mạch, bác sĩ Hoàng Đăng Hảo, Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An, khẳng định: Trước đây, nhiều kỹ thuật chuyên sâu chỉ có ở các bệnh viện tuyến Trung ương thì nay việc phát triển nhiều kỹ thuật mới trong điều trị đã được các bệnh viện tuyến tỉnh tập trung thực hiện và đạt hiệu quả cao, giúp chất lượng khám chữa bệnh tại cơ sở được nâng lên đáng kể, tránh tình trạng quá tải tuyến trên và giảm thiểu kinh phí cho người bệnh.

Thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển các kỹ thuật mới trên cơ sở thực hiện Đề án phát triển trung tâm y tế kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung Bộ, trong đó ưu tiên lĩnh vực tim mạch, ung bướu và phụ sản. Trong thời gian tới sẽ tập trung áp dụng, phát triển kỹ thuật mới, chuyên sâu, mũi nhọn như: thụ tinh trong ống nghiệm, phấn đấu năm 2016 có 1-2 bé ra đời từ phương pháp này. Bên cạnh đó, cố gắng hoàn thiện xây dựng các trung tâm kỹ thuật chuyên khoa nhằm tiến hành các phương pháp công nghệ cao như: mổ tim; ghép thận; triển khai kỹ thuật ECMo tại khoa Hồi sức tích cực- chống độc. ..

Đình Lam

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top