Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 5 năm 2017 | 2:13

Bắc Giang chủ động các giải pháp “giải cứu lợn”

Bắc Giang là 1 trong 5 tỉnh, thành phố của cả nước có tổng đàn lợn trên 1 triệu con. Hiện, sản lượng thịt lợn xuất chuồng lớn nhưng giá bán lại thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ, nguy cơ bỏ chuồng cao. Trước thực trạng này, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nhiều giải pháp “giải cứu lợn”.

Giá lợn xuống thấp khiến người chăn nuôi ở Bắc Giang gặp không ít khó khăn.

Người chăn nuôi gặp khó

Hiện, tổng đàn lợn toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 1,1 triệu con, sản lượng thịt lợn xuất chuồng khoảng 24.000 tấn, chiếm 33%. Ngoài thị trường trong tỉnh, lợn Bắc Giang còn tiêu thụ ở các địa phương lân cận như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn… Mỗi ngày có khoảng 5.000 con lợn được xuất bán, tương đương 400 tấn, giá bán trung bình khoảng 23.000 đồng/kg.

HTX Chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên (huyện Tân Yên) thành lập năm 2014, với 60 hội viên tham gia. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường hơn 6.000 tấn thịt hơi, trong khi chỉ giết mổ, chế biến 0,3 - 0,5 tấn/ngày. Hiện, giá lợn hơi xuống thấp đã và đang gây khó khăn cho các xã viên.

Ông Ngô Xuân Liên, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, trước đây, giá lợn hơi lên tới 52.000 - 53.000 đồng/kg, nhưng hiện chỉ còn 21.000 - 22.000 đồng/kg. Các thành viên HTX đều nóng lòng tìm đầu ra cho sản phẩm, thế nhưng dù giá đã rất thấp nhưng vẫn khó bán. “Giá lợn thấp khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn, tìm cách tháo gỡ như: tự mua nguyên liệu về chế biến thức ăn, vận động  xã viên giảm đàn lợn nái, giảm quy mô, giảm chi phí đầu vào để kéo giảm thời gian giữ lợn tại chuồng... HTX cũng kiến nghị UBND huyện tạo điều kiện cho các trang trại khoanh nợ, giảm nợ vì đại đa số các trang trại đều vay vốn ngân hàng, tuy nhiên, tình hình vẫn không mấy khả quan”, ông Liên chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thao, Giám đốc HTX kinh doanh Thao Thanh (phường Thọ Xương, TP.Bắc Giang) cho biết, HTX có 7 xã viên và liên kết với 15 hộ khác, hàng năm cung cấp hơn 2.000 tấn lợn hơi. Trước tình hình khó khăn như hiện nay, HTX đã phải giảm số lượng lợn sinh sản, giảm nuôi mới cũng như tìm cách hạ giá thành đầu vào để giảm chi phí. Mới đây, tỉnh có giải pháp tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại bằng cách vận động các sở ban, ngành ký hợp tác tiêu thụ lợn. Thông qua đây, ông Thao mong muốn ngân hàng có thể cho HTX vay thêm vốn, đồng thời giảm lãi suất với nguồn vốn đã vay trước đó.

Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, nguyên nhân khiến giá lợn xuống thấp là do phát triển chăn nuôi ồ ạt ở nhiều địa phương dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Trong khi, lợn thịt của Bắc Giang xuất  sang Trung Quốc qua  đường tiểu ngạch, dù số lượng không lớn nhưng khi phía Trung Quốc ngừng thu mua  và thực hiện các biện pháp siết chặt việc xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, sẽ dẫn tới việc tiêu thụ lợn thịt bị ảnh hưởng.

Giá lợn thấp trong khi dư nợ cho vay chăn nuôi lợn tại các ngân hàng đạt mức 1.324 tỷ đồng, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ bỏ trống chuồng trại, không phục hồi được sản xuất, đẩy người chăn nuôi vào bước đường cùng, để lại những hậu quả khôn lường nếu không có giải pháp tháo gỡ.

Thực hiện nhiều giải pháp

Trước khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, đã trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp như: đơn giản hóa các thủ tục hành chính, khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp, tư thương thu mua thịt lợn xuất bán ra ngoài tỉnh. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, không để người chăn nuôi thấy thua lỗ mà lơ là không tiêm đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, không để dịch bệnh phát sinh, giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y lưu hành trên địa bàn.

Sau chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh, UBND các xã, phường, huyện, thành phố đã tạo mọi điều kiện cho người chăn nuôi được giết mổ và trực tiếp bán thực phẩm cho người tiêu dùng trên địa bàn; hạn chế tình trạng lợi dụng khó khăn để ép giá người chăn nuôi, bắt tay nhau làm giá, không giảm giá hoặc giảm rất ít giá bán lẻ sản phẩm.

Mới đây, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Giang cũng đã yêu cầu Ban Thường vụ huyện Đoàn, thành Đoàn và các đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp hỗ trợ, mở các điểm bán hàng, cung cấp thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn cho nhân dân trên địa bàn. Đến nay, Đoàn Thanh niên huyện Hiệp Hòa đã mở được 15 điểm bán và tiêu thụ được khoảng 4 tấn thịt lợn cho người dân trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quang Tấn cho biết, Sở đã chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tình hình thu mua sản phẩm của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, triển khai các giải pháp tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ, chế biến thu mua sản phẩm lợn thịt cho nông dân. Tiếp cận, định hướng đối với các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn, chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi… Đồng thời, đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ, giúp các doanh nghiệp, người dân xây dựng kế hoạch chủ động sản xuất, hạn chế tăng trưởng nóng, giảm thiểu rủi ro cho người chăn nuôi.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn nghiên cứu thực hiện hỗ trợ người dân thông qua việc giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay. Đến nay, một số doanh nghiệp, HTX, hộ chăn nuôi đã được giãn nợ.

Ông Nguyễn Văn Khái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, cho biết, trước mắt, Sở sẽ chỉ đạo hạn chế, tạm dừng việc tái đàn, duy trì quy mô đàn lợn hợp lý đảm bảo khả năng phục hồi khi giá lên. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi tiêu thụ lợn, nhất là trong khâu kiểm dịch vận chuyển xuất bán sang các tỉnh và xuất  sang Trung Quốc. Đồng thời giới thiệu các hình thức liên kết trong chăn nuôi, cách làm hiệu quả tại các địa phương để nhân rộng.

Về lâu dài, Sở Nông nghiệp PTNT triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã, xây dựng kế hoạch sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, kiểm soát chặt chẽ sản lượng sản xuất ra.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo và quản lý chặt chẽ việc phát triển chăn nuôi tập trung theo quy hoạch đã được phê duyệt đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 không để phá vỡ quy hoạch trên địa bàn, dẫn tới tăng trưởng nóng, gây thiệt hại cho chăn nuôi.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, những khó khăn của người nuôi lợn tại Bắc Giang sẽ dần được tháo gỡ.

Ông Vũ Trí Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, cho biết, hiện tổng đàn gà của huyện đạt khoảng 4 triệu con, thị trường tiêu thụ truyền thống là ở các tỉnh phía Bắc. Hiện, giá gà vẫn giữ ổn định, gà Mía lai dao động từ 50.000 - 58.000 đồng/kg, gà Ri lai trên 60.000 đồng/kg. Với giá bán như vậy, người chăn nuôi vẫn có lãi.

Chủ trương của huyện là tiếp tục nâng cao chất lượng con giống, quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học; kiểm soát tốt gà giống nhập lậu, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn được huyện tiến hành thường xuyên.

Đặc biệt, tới đây huyện sẽ củng cố thương hiệu gà Yên Thế bằng cách gắn chì vào chân, dán nhãn tem để truy xuất nguồn gốc.

Hoàng Văn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top