Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 6 năm 2018 | 15:35

Bắc Giang: Giá dứa thấp kỷ lục, người dân gặp khó

Hiện, giá dứa gai tại xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đang thấp nhất từ trước đến nay. Giá bán thấp khiến việc tiêu thụ càng trở nên khó khăn, còn người trồng thì thiệt hại về kinh tế.

sdc10580.JPG
 Giá xuống thấp khiến người trồng dứa ở Lục Nam gặp không ít khó khăn trong vấn đề tiêu thụ.
 
Giá dứa giảm, nông dân lao đao
 
Năm 2018, diện tích trồng dứa (phổ biến là giống Queen) của huyện Lục Nam (Bắc Giang) đạt 390ha, trong đó trồng tập trung chủ yếu tại xã Bảo Sơn (khoảng 320ha); năng suất đạt từ 20 - 35 tấn/ha, tổng sản lượng toàn huyện ước đạt 11.505 tấn.
 
Được biết, năm 2014, dứa Lục Nam được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tặng giá trị và phát triển thương hiệu, huyện Lục Nam đã đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 155ha. Để thuận lợi cho việc tiêu thụ, mở rộng thị trường HTX Dứa Bảo Sơn đã được thành lập.

Hiện, đang là chính vụ thu hoạch dứa nhưng tại xã Bảo Sơn giá bán tại vườn đang thấp nhất từ trước đến nay. Giá bán thấp không chỉ gây khó cho việc tiêu thụ mà còn ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập của người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo KTNT, ông Hoàng Văn Xuân, ở thôn Huê Vận 2, xã Bảo Sơn, cho biết: "Gia đình có 2ha dứa, năm 2017, có hơn 1 mẫu cho thu hoạch, sản lượng đạt 20 tấn, giá bán từ 6.000  - 12.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình còn lãi 75 triệu đồng.

Năm nay, gia đình có hơn 1ha dứa cho thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 70 tấn. Đầu mùa bán với giá từ 7.500 - 8.000 đồng/kg, sau đó giảm dần, khoảng hơn 10 ngày trở lại đây giá giảm xuống chỉ còn 3.000 - 3.500 đồng/kg, có loại chỉ bán 1.000 đồng/kg. Hiện, gia đình đã bán hết 20/70 tấn".

 

20180605_090628.jpg
 Để quả dứa tránh bị rám nắng người dân dùng lưới che.
 
Cũng theo ông Xuân, mỗi khi vào vụ thu hoạch vải giá dứa đều giảm nhưng vẫn dao động từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Năm nay, giá dứa giảm sâu và thấp nhất từ trước đến nay.
 
Theo ông Tạ Văn Sang, Trưởng thôn Huê Vận 2 (Bảo Sơn), thôn có 130 hộ trồng dứa, trong đó có 50 hộ có diện tích 1ha trở lên. Từ cây dứa nhiều hộ có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, khoảng trung tuần tháng 5 đến nay, giá dứa chỉ dao động từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, có loại chỉ bán với giá 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Cũng theo ông Sang với giá dứa bán thấp như hiện nay người trồng dứa thôn Huê Vận 2 bị thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Cần tìm thị trường ổn định

Theo ông Vi Văn Tuấn, Giám đốc HTX Dứa Bảo Sơn, năm 2018, HTX có 300ha dứa, năng suất đạt 35 tấn/ha, nhưng giá bán không bằng ¼ so với năm 2017.

Đến nay, HTX đã bán hết 50% sản lượng dứa. Trong đó, 20% sản lượng bán với giá 8.000 đồng/kg, còn lại bán với giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, nửa tháng nay dứa loại 1 chỉ bán với giá 3.000 đồng/kg, dứa loại 2 bán 1.500 đồng/kg.

Theo ông Tuấn, bây giờ phải mạnh dạn quy hoạch thành 1 vùng, làm khâu đánh giá thực tế, bao nhiêu con người ăn dứa, sản phẩm bao nhiêu thì đủ để tiêu thụ, từ đó khoanh vùng giao cho một địa bàn, trồng trong một vùng tập trung.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Sơn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lục Nam cho biết:  Nguyên nhân giá dứa thấp như hiện nay là do thị trường đầu ra chưa ổn định trong khi sản lượng, diện tích vẫn giữ ổn định như các năm trước. Chuỗi để liên kết ổn định đầu ra chưa có, hiện đầu ra vẫn thông qua các tiểu thương, buôn bán nhỏ lẻ. Cùng với đó, người dân trồng chủ yếu là giống dứa Queen, giống dứa này chỉ để tiêu thụ tươi sống nên lượng tiêu thụ cũng có hạn.

Thời gian tới huyện tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt, cấp nhãn mác nâng cao thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến thương mại tạo thuận lợi trong tiêu thụ cho người dân, ông Sơn cho biết thêm.

Còn theo ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Bắc Giang), dứa là cây truyền thống, không phải cây trồng chính của tỉnh. Năm nay hầu hết các loại cây ăn quả được mùa đã tạo ra áp lực cho tiêu thụ cây dứa.

Ông Tặng cho biết, thời gian tới, Chi cục sẽ hướng dẫn kỹ thuật để người dân trồng rải vụ từ đó giảm bớt sản lượng vào chính vụ. Cùng với đó, xúc tiến, mời các doanh ngiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ từ đó nâng cao giá trị, tăng lợi nhuận cho người trồng dứa.

Được biết, thời vụ thu hoạch dứa tại Lục Nam sẽ kéo dài tới cuối tháng 6, đầu tháng 7, trùng với thời gian thu hoạch vải thiều. Do vậy, nhiều khả năng trong khoảng thời gian này giá dứa vẫn duy trì ở mức thấp.

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Bắc Giang,  UBND huyện Lục Nam nên có những giải pháp tình thế giúp tiêu thụ, nâng cao giá bán cho người dân. Về lâu dài, cần có giải pháp hữu hiệu tạo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ tránh tình trạng mất giá như hiện nay. 

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top