Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 11 năm 2014 | 2:32

Bài 4: Ai chịu trách nhiệm?

KTNT- Vì sao quy định pháp luật đã rõ, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cụ thể và bản án đã có hiệu lực nhưng hơn 4 năm qua UBND quận 7 vẫn chưa thực hiện với những lý do không chính đáng? Luật sư Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng văn phòng Luật sư HL Nghi Xuân, đã gửi đến Báo Kinh tế nông thôn những phân tích xác đáng về vấn đề này.
 

>> Bài 3: Không thực hiện bản án hành chính phúc thẩm!


>> Bài 2: Không có chứng cứ vẫn khẳng định người dân sai?

 

>> Quận 7: Bản án có hiệu lực hơn 4 năm vẫn chưa thi hành!

 
Có thể khẳng định, nước ta không thiếu luật, nếu không muốn nói là thừa, riêng Luật Đất đai có hơn 400 văn bản dưới luật hướng dẫn. Nếu thiếu, có chăng chúng ta chỉ thiếu một cơ chế đủ mạnh để xử lý những cá nhân, tổ chức làm sai pháp luật đất đai mà thôi. Liên quan đến thi hành bản án, chúng tôi xin trích dẫn một số ít quy định pháp luật có liên quan:
 
Điều 305 và 306 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội: “Không thi hành án” và tội “Cản trở thi hành án”.
 
Điều 126, điều 127 Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND trong điều hành công việc.
 
Điều 247 Luật Tố tụng hành chính quy định trách nhiệm phải thi hành bản án hành chính đối với cá nhân, tổ chức. Nếu không thi hành thì tùy mức độ sẽ có biện pháp xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Điểm đ, mục 2, Chỉ thị số 17CT-TTG ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai công tác thi hành án hành chính, quy định trách nhiệm đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc kiểm tra, đôn đốc cấp dưới thi hành án hành chính.
 
Bản án hành chính phúc thẩm 422 và Văn bản 72A của TAND Tối cao đều xác định rõ trách nhiệm của UBND quận 7 trong việc thực hiện lại thủ tục bồi thường, hỗ trợ đối với hộ ông Thân theo quy định của pháp luật.
 
 
Văn bản 72A của TAND Tối cao đều xác định rõ trách nhiệm của UBND quận 7, nhưng UBND quận 7 vẫn chưa thực thi.
 
Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín đã có ý kiến chỉ đạo: Giao UBND quận 7 chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư làm việc với ông Trần Văn Thân để thống nhất việc bồi thường, hỗ trợ theo đúng bản án phúc thẩm số 422…

Theo quy định của pháp luật về quản lý đất đai, thì trước khi ban hành quyết định thu hồi đất phải thực hiện thủ tục hiệp thương để làm căn cứ xác định giá bồi thường, hỗ trợ. Quyết định 175 đã bị hủy bỏ hơn 4 năm, nhưng đến nay UBND quận 7 vẫn chưa thực hiện thủ tục hiệp thương nhưng lại ban hành Quyết định 121 giống như Quyết định 175 đã bị hủy?
 
Vì sao quy định pháp luật đã rõ, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cụ thể và bản án đã quyết định nhưng hơn 4 năm UBND quận 7 vẫn chưa thực hiện với những lý do không chính đáng? Vì sao ngày 30-1-2013, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo thực hiện và báo cáo trong 30 ngày nhưng đến nay vẫn chưa hiệp thương? Pháp luật và bản án quy định thủ tục hiệp thương với ông Thân, UBND quận 7 không thực hiện lại gửi văn bản hỏi UBND thành phố?

Dư luận đang chờ câu trả lời từ UBND TP. Hồ Chí Minh  và UBND quận 7. 
 
Theo Điều 19, Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2014, bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Toà án:
 
Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được mọi công dân, cơ quan, tổ chức tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Toà án phải nghiêm chỉnh chấp hành;
 
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Toà án nhân dân và các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Toà án phải nghiêm chỉnh thi hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó.
 
Điểm b khoản 1 điều 243 Luật tố tụng hành chính năm 2010 quy định:
 
1. Việc thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính quy định tại Điều 241 của Luật này được thực hiện như sau:…
 
b) Trường hợp bản án, quyết định của Toà án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì quyết định hoặc phần quyết định bị hủy không còn hiệu lực. Các bên đương sự căn cứ vào quyền và nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định của Toà án để thi hành.
 
Điều 245 Luật tố tụng hành chính 2010 quy định:
 

1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự về việc đôn đốc thi hành bản án, quyết định của Toà án, người phải thi hành án có trách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự.
 
2. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này nhưng người phải thi hành án không thi hành án, không thông báo kết quả thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án biết để xem xét, chỉ đạo việc thi hành án và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật, đồng thời gửi cho cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp để theo dõi, giúp cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án chỉ đạo việc thi hành án.
 
3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của cơ quan thi hành án quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án phải xem xét, chỉ đạo việc thi hành án theo quy định của pháp luật và thông báo cho cơ quan thi hành án biết.
 
Điều 247 Luật tố tụng hành chính năm 2010 quy định:
 
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự;
 
2. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Nhóm PV điều tra
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top