Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 8 năm 2017 | 10:13

Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo

Sáng nay (8/8), Tạp chí Người Làm Báo - Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi phối hợp tổ chức Hội thảo “Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo”.

Đây là hoạt động nghiệp vụ nhằm triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Tham dự có Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, lãnh đạo các cấp Hội Nhà báo địa phương, cùng lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh Quảng Ngãi.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp diễn biến phức tạp

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh, thời gian gần đây, tình trạng hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp tăng cao về số lượng và ngày càng có những diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, trong khoảng 5 năm trở lại đây có khoảng 50 vụ tấn công nhà báo. Đáng ngại hơn, các vụ cản trở, hành hung vẫn xảy ra khi đương sự biết rõ người bị tấn công là nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp…

“Trong số những vụ nhà báo bị đánh đập, hành hung, cản trợ tác nghiệp thì đối tượng hành hung không chỉ có bọn côn đồ, những kẻ được thuê mướn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà có cả cán bộ, công chức và công an. Điển hình như vụ nhà báo Quang Thế (Báo Tuổi trẻ), Đỗ Thanh Hải (Báo điện tử VTC News) bị lực lượng chức năng hành hung hồi tháng 9/2016. Mới đây, 02 vụ việc cản trở PV Báo Tiền phong và VTV tác nghiệp  xảy ra ngày 12 và 13/6/2017 ở Vĩnh Long và Hà Nội thì có 01 vụ do chính lực lượng công an địa phương huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) thực hiện…” Nhà báo Yến Long (Báo QĐND) chia sẻ.

Nghề báo được xác định là một nghề rất nguy hiểm

Nghề báo được coi là một nghề rất nguy hiểm

Cần bảo vệ các nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 30 tham luận của các nhà báo, các nhà quản lý báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo các nhà khoa học. Các tham luận tập trung trao đổi, làm sáng tỏ một số vấn đề như: Nhà báo gặp khó khăn như thế nào khi bị cản trở hành hung? Kinh nghiệm tác nghiệp ở điểm nóng qua một số tình huống cụ thể? Một số kỹ năng tác nghiệp trong hoạt động điều tra? Cách xử lý của tòa soạn trong trường hợp phóng viên bị hành hung? Những biện pháp nghiệp vụ trong khi tác nghiệp của nhà báo được xã hội nhìn nhận, đánh giá như thế nào?…

Các đại biểu đã nghe ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và đội ngũ làm báo trong việc bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo, góp phần xây dựng quy trình tác nghiệp báo chí, quy tắc ứng xử của người làm báo, ngăn ngừa những hành vi xâm phạm tự do thân thể, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của nhà báo, cản trở hoạt động báo chí đúng pháp luật.

Trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi các kết quả nghiên cứu, các đại biểu đề xuất những giải pháp hữu hiệu trong hoạt động tác nghiệp, để mỗi nhà báo hoàn thành tốt hơn những chức năng, nhiệm vụ cao cả của mình. Trước hết, các nhà báo phải biết tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, bản thân các nhà báo phải có đạo đức nghề nghiệp, cái tâm trong sáng, nhạy bén, có bản lĩnh chính trị vững vàng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp giỏi, am hiểu sâu sắc các quy định của pháp luật, hành nghề đúng luật...

Theo nhà báo Yến Long, việc xử lý những kẻ cố tình cản trở, hành hung nhà báo dường như còn quá nhẹ. Có những vụ việc rõ rang kẻ côn đồ, hay người thực thi công vụ vi phạm pháp luật hình sự nhưng không bị xử lý hình sự mà lại xử lý hành chinh, hoặc rút kinh nghiệm nội bộ. Cho nên tình trạng nhờn luật xảy ra là khó tránh khỏi.

Nghề báo được xác định là một nghề rất nguy hiểm và nhà báo đang phải đối mặt với nhiều nguy hiểm khi tác nghiệp, nhất là đối với các nhà báo điều tra, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực tế, vấn đề bảo về hành nghề hợp pháp của các nhà báo đã được Hội Nhà báo Việt Nam và các hội nhà báo địa phương đề cập từ nhiều năm trước. Luật Báo chí (sữa đổi) 2016 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 cũng có nhiều điểm mới, trong đó có qui định nhằm bảo đảm các quyền của nhà báo khi tác nghiệp.

Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ phát biểu tại hội thảo

Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ đề nghị, qua Hội thảo này cần sớm hoàn thiện những quy tắc tác nghiệp, chuẩn mực đạo đức của đội ngũ phóng viên, biên tập viên của từng cơ quan báo chí, bảo đảm tuân thủ nghiêm túc Luật Báo chí và Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo, đưa hoạt động báo chí của tỉnh tiếp tục đi vào nề nếp, chất lượng và hiệu quả.

Bên lề Hội thảo diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như: Triển lãm ảnh báo chí, nghệ thuật với chủ đề “Đức Phổ phát triển và hội nhập”; hoạt động thiện nguyện “Tặng 20 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó”; tặng 200 suất quà cho các gia đình nghèo và 10 suất quà bằng tiền mặt của Tiến sĩ, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, Phó Ban Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Ba Vàng trao tặng cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Đức Phổ.

                                                                                     Hải Yến

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top