Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 12 năm 2017 | 2:14

Bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở Bình Định: “Chìa khóa” phát triển kinh tế

Nhiều năm qua, chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn (GTNT) gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được UBND tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm, góp phần tạo nên diện mạo mới ở khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Một tuyến đường GTNT ở xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) được bê tông hóa.

4.451km đường GTNT được bê tông hóa 

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bình Định, trên địa bàn tỉnh có 8.527km đường GTNT. Những năm qua, với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm đường GTNT; nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ”, Bình Định đã chi ngân sách hàng ngàn tỉ đồng hỗ trợ xi măng, chính quyền các địa phương đã kết hợp nhiều nguồn vốn đầu tư, vận động nhân dân đóng góp, hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc… để từng bước hoàn thiện hệ thống GTNT. Đến nay, toàn tỉnh đã bê tông hóa được 4.451km đường GTNT, riêng năm 2016 bê tông hóa được gần 300km với tổng kinh phí thực hiện 283,1 tỉ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ toàn bộ xi măng đến chân công trình với giá trị 80,14 tỉ đồng; còn lại là vốn ngân sách địa phương hỗ trợ, nhân dân đóng góp và các nguồn vốn hợp pháp khác).

Ông Trần Thanh Dũng, Phó giám đốc Sở GTVT Bình Định, đánh giá: Xây dựng và phát triển GTNT đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn và miền núi, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Qua thực hiện chương trình, đông đảo người dân vùng nông thôn đã nhiệt tình ủng hộ, tạo được sự chuyển biến tích cực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần thúc đẩy phong trào XDNTM. Người dân tự nguyện hiến đất, tháo dỡ vật kiến trúc hay tự nguyện chặt bỏ cây trồng để làm đường GTNT mà không yêu cầu bồi thường.

Ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: “Từ khi tỉnh có chủ trương hỗ trợ xi măng làm đường GTNT, phong trào xây dựng và bê tông hóa GTNT trên địa bàn huyện lan tỏa khá mạnh mẽ, nhất là ở các địa phương XDNTM. Đến nay, toàn huyện có hơn 427km/638km đã được bê tông nhựa và bê tông xi măng, chiếm gần 70% tổng số tuyến đường giao thông trong huyện. Đường trục xã, liên xã cơ bản đạt chuẩn; đường trục thôn được cứng hóa 70%; đường ngõ, xóm không còn lầy lội vào mùa mưa. GTNT phát triển đã tác động trực tiếp tới các lĩnh vực phát triển KT-XH của huyện theo hướng nhanh và bền vững; mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Toàn huyện đã có 6/11 xã đạt chuẩn XDNTM gồm: Phước An, Phước Thành,  Phước Nghĩa, Phước Hưng, Phước Lộc và Phước Sơn”.

Ông Thái Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc (xã về đích NTM năm 2016 của huyện Tuy Phước), cho biết: Trước đây, người dân các thôn Đại Tín, Quảng Tín, Trung Thành, Phú Mỹ 2… gặp nhiều khó khăn khi hệ thống GTNT chưa hoàn thiện, thường xuyên phải chịu cảnh “nắng bụi, mưa bùn”. Chính vì vậy, khi xã triển khai thực hiện chương trình bê tông hóa đường GTNT, bà con ủng hộ rất nhiệt tình. Đến nay, hầu hết các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, xóm, giao thông nội đồng tại địa phương đã được bê tông hoàn chỉnh.

Năm 2017: bê tông hóa 558km đường GTNT

Xác định đầu tư hạ tầng GTNT là “chìa khóa” quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn và miền núi, ngành GTVT Bình Định tiếp tục phát động mạnh mẽ phong trào làm đường GTNT trên địa bàn toàn tỉnh. Với mục tiêu cụ thể đến năm 2020, 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 70% đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng được bê tông, cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện; 100% đường ngõ, xóm không lầy lội vào mùa mưa; 70% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Năm 2017, Bình Định bê tông hóa được  558km đường GTNT.

Ông Trần Thanh Dũng, Phó giám đốc Sở GTVT Bình Định, cho biết thêm: Để đạt được mục tiêu trên, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ toàn bộ lượng xi măng với khối lượng 220 tấn xi măng/km đường GTNT loại A; 170 tấn xi măng/km đường loại B; 110 tấn xi măng/km đường loại C; 90 tấn xi măng/km đường loại D. Riêng đối với các tuyến đường giao thông liên xã, trục chính của xã được xây dựng theo quy mô đường GTNT loại A, ngoài nguồn vốn được hỗ trợ bằng xi măng nêu trên, tỉnh còn hỗ trợ thêm 200 triệu đồng/km đường. Phần còn lại là ngân sách huyện, vốn lồng ghép từ các chương trình và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Phú Mỹ

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top