Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 26 tháng 11 năm 2015 | 3:0

Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng: Quá tuổi nghỉ hưu 4 năm, giám đốc vẫn tại vị!

Thay vì cho nghỉ hưu khi đến tuổi, UBND TP. Hải Phòng lại nhiều lần ra quyết định kéo dài thời gian tại vị cho bà Vũ Thị Thủy, Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

Bà Vũ Thị Thủy sinh ngày 7/4/1956. Tính đến ngày 7/4/2011, bà đủ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, thay vì cho nữ giám đốc này nghỉ hưu, UBND TP. Hải Phòng lại nhiều lần ra quyết định kéo dài thời gian tại vị cho bà Thủy.

Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng do bà Thủy làm Giám đốc.

Trong quyết định gần đây nhất, bà Thủy tiếp tục được giao giữ chức Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đến ngày 31/12/2015. Đối chiếu với quy định hiện hành, sau khi ra thông báo nghỉ hưu, ngày 30/9/2015, UBND TP. Hải Phòng phải ban hành quyết định nghỉ hưu đối với bà Thủy, nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thấy có văn bản này.

Xung quanh việc bổ nhiệm bà Thủy, bạn đọc cho rằng, UBND TP. Hải Phòng chưa thực hiện đúng với Nghị định 71/NĐ-CPngày 23/11/2000 của Chính phủ quy định việc kéo dài thời gian công tác của cán bộ, công chức đến độ tuổi nghỉ hưu.

Theo khoản 2, Điều 3 của Nghị định này thì bà Thủy đã đủ tuổi nghỉ hưu, nếu tiếp tục làm việc, trong thời gian công tác kéo dài thêm, không được giữ chức lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, hơn 4 năm qua, bà vẫn giữ chức Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

Thiết nghĩ, UBND TP. Hải Phòng cần sớm xem xét, công khai quy trình bổ nhiệm lại một cách “ngoại lệ” cho bà Thủy.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin về vụ việc.  

Điều 1. Cán bộ, công chức quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 1 của Pháp lệnh cán bộ, công chức khi đến độ tuổi nghỉ hưu được xem xét kéo dài thêm thời gian công tác, bao gồm các đối tượng sau:

1. Những người trực tiếp làm công tác nghiên cứu ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước được bổ nhiệm và hưởng bảng lương chuyên gia cao cấp quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức khu vực hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang;

2. Những người có học vị tiến sĩ khoa học làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo; những người có chức danh giáo sư, phó giáo sư đang trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy theo đúng chuyên ngành ở các Viện, Học viện và các trường đại học;

3. Những người thực sự có tài năng được cơ quan, tổ chức, đơn vị thừa nhận, đang trực tiếp làm việc theo đúng chuyên môn thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, nghệ thuật. 

Điều 3. Nguyên tắc xét và thực hiện kéo dài thêm thời gian công tác của cán bộ, công chức:

1. Thực hiện nguyên tắc tập thể, dân chủ đi đôi với phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị;

2. Trong thời gian công tác kéo dài thêm, cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;

3. Cán bộ, công chức có thời gian công tác kéo dài thêm nằm trong tổng số biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị do cơ quan có thẩm quyền giao.

(Nghị định 71/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ)

P.V

 

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top