Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 5 năm 2018 | 7:59

Bí ẩn sau sự bành trướng của “Làng ẩm thực xứ Thanh”!?

Đất nông nghiệp được thuê để phục vụ dự án trồng lúa, nuôi cá, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng chủ đầu tư đã biến 70.363,5m2 thành khu dịch vụ ăn uống, kinh doanh thương mại.

th9.jpg
Cổng vào được xây dựng từng khối đá lớn được ví như Thành Nhà Hồ thứ hai của Thanh Hóa.
th2.jpg 

Những quyết định “thần tốc”

Ngày 22/10/2014, UBND TP. Thanh Hóa có Quyết định số 9698 cho phép ông Nguyễn Xuân Hương, số nhà 29, đường Phan Huy Chú, phường Tân Sơn thuê đất tại khu trại cá, thôn Thịnh Vạn, xã Quảng Thịnh để thực hiện dự án trang trại cá - lúa.

Trước đó, biên bản kiểm tra khu đất tại thôn Thịnh Vạn  ngày 15/8/2014 do UBND xã Quảng Thịnh phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Quản lý đô thị, Tài chính kế hoạch, Kinh tế của TP. Thanh Hóa thực hiện, ghi rõ: Khu trại cá tại thôn Thịnh Vạn có địa hình trũng, thấp, là đất cũ do Ban kinh tế huyện ủy Quảng Xương ký cho Công ty Tây Hồ thuê để sản xuất nông nghiệp theo mô hình trồng lúa và nuôi cá.

Năm 2007, huyện ủy Quảng Xương giao lại cho xã Quảng Thịnh. UBND xã Quảng Thịnh lại giao cho ông Bùi Sỹ Định, ở TP. Thanh Hóa, quản lý để trồng lúa, nuôi cá, nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế. Việc chuyển giao đất giữa xã Quảng Thịnh với các hộ dân cũng như các đơn vị đối tác khác không được thanh lý rõ ràng dẫn đến khiếu kiện nhiều năm liền, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Tháng 4/2013, Công ty Tây Hồ và ông  Định chuyển nhượng cho ông Hương là trái phép nhưng ông Hương cũng như ông Định không hề bị xử lý?!

th5.jpg
Khu nhà sàn bằng nhiều loại gỗ quý được dựng lên giữa khu đất của trang trại

 

Nhận thấy vị trí khu đất chạy dài theo Quốc lộ 45 rất đắc địa, ông Hương viết đơn, lập dự án xin thuê lại 70.363,5m2 đất nông nghiệp để phục vụ cho việc trồng lúa, nuôi cá theo mô hình trang trại cá - lúa. Với diện tích trồng lúa 5.584m2, nhưng hiện tại trang trại không gieo cấy cây lúa nào.

Ngày 5/8/2014, ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Quảng Thịnh có kiến nghị gửi Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa cho phép hộ ông Hương được thuê đất 50 năm tại khu trại cá, thôn Thịnh Vạn. Trong đó, chỉ rõ các hạng mục đầu tư, xây dựng trên thửa đất là cải tạo, đào ao, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh và nuôi cá, trồng lúa trong diện tích đất nói trên.

th1.jpg
Nhà bảo tàng được làm bằng gỗ.

 

Ngày 9/10/2014, UBND TP. Thanh Hóa có Tờ trình số 708/TTr-UBND gửi Thành ủy, thì ngày 10/10/2014, Thường trực Thành ủy TP. Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị và ra thông báo ý kiến chỉ đạo các phòng, ban và UBND xã Quảng Thịnh hướng dẫn cho ông  Hương được thuê đất để thực hiện dự án trang trại cá - lúa.

Tiếp đó, ngày 21/10/2014, trong thông báo kết luận Hội nghị giao ban Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa đã đồng ý cho ông Hương thuê đất tại thôn Thịnh Vạn; và giao cho các phòng chuyên môn gồm: Phòng Tài chính kế hoạch chủ trì thẩm định về tổng mức đầu tư, tính khả thi dự án; Phòng Kinh tế thẩm định về mức độ phù hợp để chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang sản suất cá - lúa; Phòng TNMT thẩm định về nguồn gốc đất, thời gian thuê đất; Phòng Quản lý đô thị thẩm định về kế hoạch sử dụng đất và các hạng mục công trình dự án.

Thông báo trên chưa ráo mực thì ngày 22/10/2014 (tức một ngày sau đó), Phòng Tài chính kế hoạch, Phòng Kinh tế và ông Vũ Đức Kính, Phó chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa đã đồng loạt ký các quyết định một cách “thần tốc” cho phép ông Hương được thuê đất thực hiện dự án.

Trong báo cáo thẩm định ngày 22/10/2014 của Phòng Kinh tế chỉ rõ: mục tiêu của dự án là nhằm khắc phục phủ kín mặt ruộng và khắc phục tình trạng hoang hóa sản xuất bằng hình thức sản xuất cá - lúa; tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững.

th3.jpg
am-thuc.jpg
th.jpg
Khu vực ẩm thực được xây dựng các chòi khá độc đáo theo kiểu kiến trúc hiện đại nhất hiện nay

 

Liệu có sự bao che, dung túng?

Dù chưa có quyết định thu hồi đất, nhưng UBND TP. Thanh Hóa đã ký quyết định cho ông Nguyễn Xuân Hương được thuê 70.363,5m2 đất với thời gian 50 năm để thực hiện dự án trang trại cá - lúa. Việc thẩm định, báo cáo của các phòng, ban và ký kết chỉ diễn ra trong vòng một ngày (tức ngày 22/10/2014).

“Ông Hương là người thực hiện việc giao dịch chuyển nhượng đất với ông Định trái quy định không hề bị xử lý mà lại được Thường trực Thành ủy, UBND TP. Thanh Hóa ưu ái quá mức, giúp ông Hương hoàn thiện hồ sơ pháp lý để được sở hữu trên 70.000m2 đất nông nghiệp và sau đó ông này lại xây dựng các hạng mục công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép như thách thức dư luận. Ấy vậy mà vẫn không hề bị xử lý, phải chăng có sự bao che, dung túng của các cơ quan chức năng từ TP. Thanh Hóa đến tỉnh?”, một người dân phản ánh.

th8.jpg
th10.jpg
th7.jpg

th6.jpg

Những cây cổ thụ được trồng tại khu trang trại cá, lúa.

th4.jpg

cay-co-thuy.jpg
Cây cổ thụ 1.500 năm tuổi được trồng bên cạnh nhà sàn tại trang trại.

 

Thực tế, ở thời điểm hiện tại, khu trang trại cá - lúa của ông Hương đã “mọc” lên khu vui chơi giải trí, kèm dịch vụ ăn uống với tên gọi là “Làng ẩm thực xứ Thanh”. Bao gồm nhiều khu nhà sàn, nhà chòi phục vụ dịch vụ kinh doanh thương mại, khu vui chơi giải trí quy mô lớn với hàng loạt các cây cổ thụ quý hiếm có tuổi thọ lên đến 1.500 năm tuổi được đưa từ nơi khác về đây nhằm tổ chức khai thác dịch vụ thương mại như có ý thách thức dư luận, coi thường luật pháp.

Có hay không việc UBND TP. Thanh Hóa và các sở, ban ngành của tỉnh Thanh Hóa lờ đi sai phạm tại Làng ẩm thực xứ Thanh do ông Hương (em trai ruột ông Nguyễn Xuân Phi, Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa) làm chủ đầu tư?

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 


Phóm PV
Ý kiến bạn đọc
Top