Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2019 | 21:40

Bộ GD&ĐT yêu cầu làm rõ nhiều dấu hiệu sai phạm tại ĐH Thái Nguyên

Liên quan tới nhiều dấu hiệu sai phạm tại Đại học Thái Nguyên mà Báo Kinh tế nông thôn phản ánh, Bộ GD&ĐT vừa yêu cầu Giám đốc Đại học Thái Nguyên kiểm tra, xác minh làm rõ.

1-4-2019-th-1.jpg
Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu Giám đốc Đại học Thái Nguyên kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh của Báo Kinh tế nông thôn.

 

Ngày 2/5/2019, Thanh tra (Bộ GD&ĐT) có Văn bản số 379/TTr-NV1 gửi Giám đốc Đại học Thái Nguyên chuyển nội dung thông tin phản ánh của Báo Kinh tế nông thôn.

Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ nhận được một số thông tin phản ánh liên quan tới công tác cán bộ, công tác đào tạo tại một số đơn vị thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên. Theo thẩm quyền, Giám đốc Đại học Thái Nguyên kiểm tra, xác minh thông tin báo cáo về Bộ GD&ĐT (qua Thanh tra) kết quả xử lý những nội dung phản ánh này theo quy định. Báo cáo và những tài liệu có liên quan gửi trước ngày 10/5/2019 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.

Trước đó, Báo Kinh tế nông thôn đã có loạt bài phản ánh về nhiều dấu hiệu sai phạm tại Đại học Thái Nguyên.

Ngày 5/12/2018, bà Lê Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (nay là Vụ trưởng Vụ Tổ chức, cán bộ - Bộ GD&ĐT) ra quyết định bổ nhiệm lại bà Lê Thị Ngân, tiến sĩ văn học Việt Nam, giữ chức Trưởng khoa Luật và Quản lý xã hội, nhiệm kỳ 2018 - 2023.

gsts-lê-thị-thanh-nhàn-vụ-trưởng-vụ-tổ-chức-cán-bộ-bộ-giáo-dục-và-đào-tạo.jpg
GS.TS. Lê Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ  (Bộ GD&ĐT) bổ nhiệm bà Lê Thị Ngân, tiến sĩ văn học Việt Nam, giữ chức Trưởng khoa Luật và Quản lý xã hội được cho là chưa đúng quy định? 

Tương tự, tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, bổ nhiệm bà Đỗ Thị Bắc, tiến sĩ chuyên ngành cơ sở toán học cho tin học, làm Trưởng khoa truyền thông đa phương tiện.

Dư luận cho rằng, việc bổ nhiệm bà Lê Thị Ngân, bà Đỗ Thị Bắc làm Trưởng khoa có dấu hiệu vi phạm điểm a, khoản 2, Điều 15, Quyết định 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ trường đại học về tiêu chuẩn để được bổ nhiệm trưởng khoa?

Các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên như: Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông mở ngành Quản trị văn phòng. Trường Đại học Khoa học mở ngành Luật (thuộc Khoa Luật và Quản lý xã hội) và ngành Thông tin - Thư viện. Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh mở ngành Luật. Phân viện Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai mở ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành. Tất cả các ngành trên khi mở không có 1 giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ và 03 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký, có dấu hiệu vi phạm khoản 1, Điều 2, Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nay là Thông tư 22/2017/TT-BGDÐT).

Trên 3 công khai, hiện có 3 giảng viên cơ hữu của Trường đại học Khoa học đồng thời cũng là giảng viên cơ hữu của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai, gồm: PGS. TS Phạm Thị Phương Thái; các ThS Nguyễn Ngọc Lan, Hoàng Thị Phương Nga, vi phạm Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Quyết định 70/2014/QĐ-TTr ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ?

2.png

 3.png

 10.png

 

Trên 3 công khai, cùng lúc PGS. TS Phạm Thị Phương Thái; các ThS Nguyễn Ngọc Lan, Hoàng Thị Phương Nga vừa là giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Khoa học, đồng thời cũng là giảng viên cơ hữu của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai, có vi phạm Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Quyết định 70/2014/QĐ-TTr ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ?

Theo thông tin tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2018 của Trường Kinh tế và Quản trị kinh doanh ngành kế toán tuyển 380 chỉ tiêu. Tuy nhiên, trường đã tuyển sinh tới 522 sinh viên, vượt 137,3% chỉ tiêu, tương đương 142 sinh viên nằm ngoài chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo phản ánh, Trường Kinh tế và Quản trị kinh doanh ký hợp đồng (ký hợp đồng một năm một) với ông Nguyễn Văn Quý (sinh năm 1949), công tác trong ngành công an nghỉ hưu năm 2011, là tiến sĩ luật để mở ngành Luật (năm 2013).

Cách làm của Trường Kinh tế và Quản trị kinh doanh được cho là vi phạm Điều 9, Nghị định 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ.

Hiện, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào có tới 3 ngành tuyển sinh không đủ chỉ tiêu gồm: ngành chăn nuôi; ngành khoa học cây trồng; ngành quản lý tài nguyên và môi trường.

Cụ thể, ngành khoa học cây trồng có tới 7 giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, mỗi năm ngành này được phép tuyển sinh 50 chỉ tiêu, nhưng năm 2016 chỉ tuyển được 22 sinh viên, năm 2017, được 8 sinh viên và năm 2018, là 4 sinh viên trúng tuyển.

Tương tự, tại ngành chăn nuôi, mỗi năm tuyển sinh 50 chỉ tiêu, nhưng năm 2016, có 25 sinh viên trúng tuyển, năm 2017 có 20 sinh viên và năm 2018, chỉ có 9 sinh viên theo học. Trong khi ngành này có tới 5 giảng viên cơ hữu (3 thạc sĩ, 2 tiến sĩ).

Ngành quản lý tài nguyên và môi trường có 50 chỉ tiêu mỗi năm, năm 2016, phân hiệu tuyển được 33 sinh viên, năm 2017, tuyển được 8 sinh viên, năm 2018, có 9 sinh viên theo học. Trong khi có tới 9 giảng viên cơ hữu (gồm 4 tiến sĩ, 5 thạc sĩ.).

Dư luận cho rằng, đây là hậu quả của việc mở ngành tràn lan của Đại học Thái Nguyên?

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top