Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 5 năm 2018 | 16:58

Bộ Nông nghiệp cảnh báo bẫy thị trường và nguy cơ vỡ trận cá tra

Tổng cục Thủy sản vừa phát đi một cảnh báo đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về tình trạng ồ ạt, tự phát đào ao thả cá tra dễ kéo theo nhiều hệ lụy: Nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, giảm hiệu quả sản xuất, gây mất cân đối cung cầu.

Giá cá tra nguyên liệu, cá giống đang tăng như “lên đồng” tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khiến nhiều hộ dân, nhất là ở vùng Đồng Tháp Mười ồ ạt đào ao thả cá. Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo, nếu phát triển tự phát, ngành cá tra lại “vỡ trận” và người dân sẽ có nguy cơ hứng chịu nhiều thiệt hại.

Tổng cục Thủy sản vừa phát đi một cảnh báo đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về tình trạng ồ ạt, tự phát đào ao thả cá tra dễ kéo theo nhiều hệ lụy: Nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, giảm hiệu quả sản xuất, gây mất cân đối cung cầu và sẽ ảnh hưởng đến phát triển bền vững của ngành cá tra.

Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, khoảng 18 tháng qua, giá cá tra gần như tăng liên tục. Hiện giá cá tra nguyên liệu ở mức 32-33 nghìn đồng/kg,  cao gấp 1,5 lần cùng kỳ năm trước; còn cá giống loại lớn cũng lên 60-70 nghìn đồng/kg, gấp trên 3 lần so với năm trước.

 

ca-tra.jpg
Thu hoạch cá tra tại tổ hợp tác nuôi cá tra ở TP Vĩnh Long. (Ảnh: TTXVN)

 

“Đây là mức giá có lời không cưỡng lại được, khiến người nuôi ồ ạt đào ao thả cá. Về quy hoạch, có thể cảnh báo rủi ro, phê phán người nuôi nhưng cũng phải hiểu động lực nào để họ làm như thế trong khi trồng lúa hoài vẫn thu nhập thấp”- ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, các địa phương như An Giang, Long An, Đồng Tháp… có thể sẽ xem xét, để tăng diện tích nuôi cá, nhất là diện tích nằm trong quy hoạch cũ.

Ông Dũng cũng cảnh báo, nếu ồ ạt đào ao thả cá tra, sẽ gây áp lực lên môi trường . “Cứ mỗi kg cá thịt, sẽ mất khoảng hơn 1,5kg thức ăn. Những thứ đó thải đi đâu, xử lý thế nào. Đây là vấn đề băn khoăn khi sản lượng có thể tăng lên 2 triệu tấn, chứ không còn 1,2 triệu tấn/năm như hiện nay”- ông Dũng nói.

Hiệp hội Cá tra đã khuyến cáo từ năm ngoái: Nếu giá cá cứ tăng, một lúc nào đó người mua sẽ ngần ngại, thậm chí chậm mua, hoặc ngưng mua sẽ dẫn tới dư thừa.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho biết, tình hình đang rất nóng, nhất là tại Long An, An Giang, Đồng Tháp. Đây là vấn đề cần chấn chỉnh ngay.

Theo ông Tám, hiện về quy hoạch, sản xuất giống tổng thể đã đảm bảo cho nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, do giá cá nguyên liệu tăng mạnh, nhiều nơi người nuôi thả giống cùng lúc, có thời điểm không điều tiết kịp nên giá cá giống tăng cao. Việc phát triển tự phát, sẽ dư cung, ảnh hưởng đến chất lượng, dịch bệnh, môi trường, chính người dân sẽ bị thiệt hại lớn.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, cá tra là sản phẩm quốc gia, các thị trường đang yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn kỹ thuật. Do vậy, việc này các địa phương phải quyết liệt, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Đứng trước việc các địa phương có thể “thả lỏng” cho người dân ồ ạt nuôi vì phát triển kinh tế địa phương, ông Tám hay, người dân họ thấy có lợi là họ làm, nhưng quan trọng là nhận thức của chính quyền cơ sở.

“Lo ngại nhất là địa phương có cách nhìn cục bộ, ngắn hạn. Có thể một hai lứa cá thì có lợi…Vẫn còn lãnh đạo nhiều huyện, tỉnh nghĩ rằng việc nuôi cá chỉ trong địa phương mình, chứ chưa nhìn nhận ở quan hệ cung cầu vì thiếu thông tin. Bây giờ, sản xuất cá tra phải đảm bảo theo chuỗi, đảm bảo các yêu cầu khắt khe, từ sản xuất giống, kiểm dịch, an toàn thực phẩm, ao nuôi, môi trường”- ông Tám nói.

Xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng trưởng mạnh

Tiếp tục đà tăng trưởng 4 tháng qua, xuất khẩu rau quả đem về kim ngạch xuất khẩu 1,32 tỉ đô la cho ngành nông nghiệp, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lần đầu tiên rau quả vượt cả dầu thô về giá trị kim ngạch xuất khẩu. Với nhiều chuyên gia nông nghiệp, đó là một kỳ tích, nhưng cũng còn nhiều thách thức.

Thời gian qua, hàng loạt các loại rau quả như thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải… vào được các thị trường khó tính cho thấy, sự thay đổi lớn về tư duy của nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Từ việc sản xuất manh mún, thiếu quy hoạch, đến nay ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông sản sạch với sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

 

rau-qua.jpg
Sơ chế chôm chôm xuất khẩu. (Ảnh: Internet)

 

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và PTNT, tận dụng những cơ hội thuận lợi của thị trường, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, đảm bảo cả về số lượng, chất lượng đang tạo đà để rau, quả Việt Nam tiếp tục thâm nhập những thị trường có giá trị kinh tế cao.

Ông Trung, cho biết: Để mở cửa thị trường phải giải quyết 2 rào cản chính là kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với những sản phẩm rau củ quả.  Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được gần 6 nghìn mã số vùng trồng đối với thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải. Chúng tôi đang phối hợp với các địa phương tiếp tục mở rộng cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh việc tổ chức lại thị trường, để gia tăng giá trị rau quả, tránh tình trạng “được mùa rớt giá”, nông dân bị động trong tiêu thụ nông sản, ngoài 145 doanh nghiệp tham gia chuỗi chế biến rau quả, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng thêm 7 nhà máy chế biến với công suất quy mô vùng và khu vực.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, “dư địa” xuất khẩu rau quả là rất lớn, để phát huy lợi thế này cần tổ chức tốt thị trường, ngoài xây dựng thêm các nhà máy nâng cao năng lực chế biến, phải đẩy mạnh quy trình sản xuất tiến tiên trong xây dựng các vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu ra phục vụ xuất khẩu.

Khai thác tốt lợi thế, áp dụng quy trình sản xuất sạch đáp ứng những rào cản về chất lượng đã đem về kim ngạch xuất khẩu cao cho ngành rau quả trong những tháng đầu năm nay. Đây là tiền đề để rau quả tiếp tục bứt phá không chỉ vượt mốc hơn 3,5 tỉ đô la trong năm nay mà còn hướng đến xuất khẩu rau quả đạt 7 tỷ đô la vào năm 2030. Cái mà người nông dân cần lúc này là vai trò của "tư lệnh nông nghiệp" trong việc cùng với các địa phương quy hoạch các vùng trồng rau, cây ăn trái phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng để chuyên canh xuất khẩu và sản xuất hàng hoá lớn.

Đảm bảo nguyên liệu cho gỗ xuất khẩu

Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến nay xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ đã tăng khoảng 7,3% so với cùng kỳ năm 2017. Với việc tiếp tục có nhiều đơn hàng được ký nhưng số lượng gỗ trong nước, gỗ rừng trồng chỉ khoảng 10-15% đạt yêu cầu thì bài toán nguyên liệu đang khá nan giải với ngành hàng này.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết, mục tiêu XK lâm sản đặt ra năm nay đạt 9 tỷ USD, trong đó 8,6 tỷ USD là gỗ, còn lại là các mặt hàng khác như mây, tre, trúc… Con số này tăng khoảng 1 tỷ USD so với năm trước. Các DN XK khá chủ động.

“Đến thời điểm hiện tại, có đến 80% DN đã ký được hợp đồng XK đến hết năm. Ví dụ, khu vực phía Bắc, Công ty CP Woowsland, Công ty CP Lâm sản Nam Định (Nafoco) đã ký đủ 100% hợp đồng XK trong năm nay. Công ty CP Woowsland năm nay XK khoảng 55 triệu USD, Nafoco khoảng 40 triệu USD. Tại khu vực miền Trung, các công ty như: Tiến Đạt, Đại Thành, Phú Tài… đã đạt khoảng 80% hợp đồng XK trong năm 2018. Tại tỉnh Bình Dương, 100% DN Việt Nam đã ký hợp đồng XK hàng hóa đến hết năm”, ông Quyền nói.

go.jpg
Chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Internet)

 

Như vậy, mới ở giai đoạn đầu quý II, song hiện tại đa phần DN ngành chế biến, XK gỗ đều đã “rủng rỉnh” đơn hàng XK cho đến hết năm. Tuy nhiên, điều mà DN toàn ngành lo ngại, băn khoăn chính là làm sao lo cho đủ nguồn gỗ nguyên liệu.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, lũy kết hết tháng 4, XK gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường NK gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm, chiếm 77,8% tổng giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ. Các thị trường có giá trị XK gỗ tăng mạnh là Hàn Quốc (44,8%), Pháp (22,8%) và Hoa Kỳ (10,8%).

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), về lâu dài Việt Nam sẽ cần chủ động được nguồn gỗ trong nước. Điều này vừa giúp giảm giá thành vừa minh bạch nguồn gốc gỗ. Trong khi việc truy suất nguồn gốc sản phẩm còn khó khăn, doanh nghiệp mới tập trung sản xuất, chưa chú ý nhiều đến nguồn gốc gỗ nên cần nhân rộng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với hộ trồng rừng.

Tổng cục Lâm nghiệp sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, diễn đàn thương mại, đẩy mạnh phân loại doanh nghiệp để hỗ trợ trong giải trình nguồn gốc gỗ sao cho nhanh và hiệu quả nhất.

Đồng thời thúc đẩy, khuyến khích thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, từng bước cung cấp gỗ nguyên liệu có chứng chỉ cho hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ cho xuất khẩu; nhập khẩu gỗ nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 12,3 tỷ USD

Theo thống kế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản tháng 4 năm 2018 ước đạt 3,2 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản 4 tháng năm 2018 đạt 12,3 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 6,5 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2017; Giá trị XK thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị XK các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số các mặt hàng nông sản XK, gạo, hạt điều, cà phê là những mặt hàng nông sản tăng cả về lượng và giá trị XK. Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,16 triệu tấn với 1,1 tỷ USD, tăng 21,7% về khối lượng và tăng 37,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá gạo XK bình quân 3 tháng đầu năm đạt 501 USD/tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2018 với 29,1% thị phần, đạt 411.600 tấn với 216,6 triệu USD, giảm 21,9% về khối lượng và giảm 11,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

hat-dieu1.jpg
Xuất khẩu hạt điều duy trì tăng trưởng tốt. (Ảnh: Internet)

 

Tiếp đến là hạt điều, 4 tháng qua vẫn duy trì sự tăng trưởng tốt trong XK cả về sản lượng và giá trị. Khối lượng hạt điều XK 4 tháng ước đạt 103.000 tấn với 1,04 tỷ USD, tăng 23,1% về khối lượng và tăng 31,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 34,4%, 13,6% và 13,3% tổng giá trị XK hạt điều. Trong 3 tháng đầu năm, trừ Australia, tất cả các thị trường XK hạt điều chính của Việt Nam đều tăng mạnh.

Đối với mặt hàng cà phê, sau thời gian sụt giảm giá trị XK, mặt hàng này đã lấy lại được sự tăng trưởng nhẹ. Trong tháng 4, XK cà phê ước đạt 162.000 tấn với giá trị đạt 307 triệu USD, đưa khối lượng XK cà phê 4 tháng đạt 691.000 tấn với 1,3 tỷ USD, tăng 18,1% về khối lượng và tăng 0,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi đó, mặt hàng cao su và tiêu là các mặt hàng tăng về khối lượng nhưng giảm về giá trị XK. Cụ thể, khối lượng XK cao su 4 tháng ước đạt 324.000 tấn với 476 triệu USD, tăng 7,6% về khối lượng nhưng giảm 21,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Khối lượng tiêu XK 4 tháng ước đạt 88.000 tấn với 311 triệu USD, tăng 15,5% về khối lượng nhưng giảm 33,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh giá trị XK tăng, ước giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 4 năm 2018 đạt 2,57 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 4 tháng đầu năm đạt 9,5 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ước tính nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 7,38 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Gạo Việt Nam tăng giá 5 tuần liên tiếp, lên mức 450 USD/tấn

Theo Bộ Công thương, trong tuần qua, giá gạo XK của Việt Nam tiếp tục tăng và là tuần thứ 5 tăng giá liên tiếp. Nhờ đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang ở mức 445-450 USD/tấn.

Giá gạo XK của Việt Nam tiếp tục tăng chủ yếu là do nhu cầu XK đang cao trong khi nguồn cung giảm do đã cơ bản thu hoạch xong vụ ĐX ở ĐBSCL. Trong khi đó, giá gạo XK của Ấn Độ và Thái Lan lại giảm. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ hiện còn 409-413 USD/tấn, gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 440-445 USD/tấn. Giá gạo XK của Ấn Độ giảm là do nhu cầu yếu và đồng rupee giảm. Gạo Thái Lan giảm giá cũng do đồng baht yếu đi.

gao.jpg
Xuất khẩu gạo đang nhiều khởi sắc. (Ảnh: Internet)

 

Xuất khẩu gạo đang có nhiều khởi sắc, cơ hội còn lớn hơn trong thời gian tới khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.

Điều đáng mừng là cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp, tăng phân khúc gạo chất lượng cao theo từng năm. Nhờ đó, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của nước ta liên tục tăng trưởng và hiện đạt mức cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 - 100 USD/tấn.

Theo các chuyên gia, việc chuyển dịch cơ cấu gạo xuất khẩu là điều bắt buộc để phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay trên thế giới. CPTPP sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động này.

10 phòng kiểm nghiệm Việt Nam được Indonesia công nhận sắp hết hạn

Đến tháng 2/2019, 10 phòng kiểm nghiệm nghiệm của Việt Nam thực hiện phân tích chỉ tiêu an toàn thực phẩm (ATTP) sản phẩm nông sản có nguồn gốc thực vật XK sang Indonesia được phía Indonesia công nhận sẽ hết hạn.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia: Đến tháng 2/2019, 10 phòng kiểm nghiệm của Việt Nam đã được Cơ quan kiểm dịch nông nghiệp của Indonesia (IAQA) công nhận sẽ hết hạn.  Phía Indonesia đề nghị phía Việt Nam nộp đầy đủ bộ hồ sơ xin gia hạn gửi về IAQA trước 6 tháng tính đến thời điểm hết hạn.

Trước đó, ngày 18/3/2016, Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhận được thông báo của Cơ quan thẩm quyền Indonesia công nhận danh sách 10 phòng kiểm nghiệm của Việt Nam thực hiện phân tích chỉ tiêu ATTP sản phẩm nông sản có nguồn gốc thực vật XK sang Indonesia theo quy định mới số 04/2015.

Danh sách 10 phòng kiểm nghiệm bao gồm: Vinacontrol Hochiminh Inspection Company Ltd; National Agro-Forestry-Fisheries Quality Assurance Department Brach 1;  National Agro-Forestry-Fisheries Quality Assurance Department Brach 2; National Agro-Forestry-Fisheries Quality Assurance Department Brach 3; National Agro-Forestry-Fisheries Quality Assurance Department Brach 4; National Agro-Forestry-Fisheries Quality Assurance Department Brach 5; National Agro-Forestry-Fisheries Quality Assurance Department Brach 6; Liboratory of Environmental Analysis-Center for Environmental Analysis and Technology Transfer; Center of Analytical Services and Experimentation of Hochiminh City (CASE); Center of Analytical Services and Experimentation of Hochiminh City (CASE Branch Can Tho).

Liên quan tới vấn đề Indonesia công nhận phòng kiểm nghiệm của Việt Nam, Nafiqad thông tin thêm: Trong thời gian từ năm 2016 đến nay, Nafiqad đã gửi hồ sơ đăng ký của các đơn vị (gồm Trung tâm Phân tích và Kiểm định hàng hóa XNK-VIACIMEX; Công ty CP chứng nhận và giám định VinaCert; Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội; Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc; Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3-QUATES3; Công ty SGS Việt Nam TNHH; Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam) tới Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam để chuyển cho IAQA xem xét công nhận.

Tuy nhiên, đến nay, IAQA thông báo không nhận được hồ sơ đăng ký của các đơn vị nên không có cơ sở thẩm tra công nhận.

Trên cơ sở đề xuất của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, Nafiqad đề nghị các đơn vị gửi lại hồ sơ bằng tiếng Anh để kịp thời chuyển tới IAQA thẩm tra theo quy định.

Thanh long, mật ong xuất khẩu phát hiện nhiễm Carbendazim

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong số 33 trường hợp vi phạm khi nhập khẩu hàng thực phẩm vào Úc trong tháng 2/2018, Việt Nam có tới 6 trường hợp, trong đó lô thanh long bị phát hiện nhiễm Carbendazim, một hóa chất bảo vệ thực vật đã bị nhiều nước cấm sử dụng. Tương tự, mật ong xuất khẩu sang Mỹ cũng bị cảnh báo có nhiễm chất này.

thanh.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 

Báo cáo thực phẩm nhập khẩu vi phạm tháng 2/2018 cho thấy, Bộ Nông nghiệp Úc đã kiểm soát và xác định những lô hàng thực phẩm có nguy cơ cao hoặc trung bình cho sức khỏe cộng đồng. Những lô hàng này sẽ không được phép bán tại Úc, đồng thời nhà nhập khẩu phải hủy hoặc tái xuất về nước xuất xứ dưới sự giám sát của các cơ quan  chức năng Úc. Các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra 100% cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định.

Cụ thể, khi kiểm tra nguy cơ từ thực phẩm nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp Úc đã phát hiện hai lô hàng thực phẩm của Việt Nam là tôm cuộn đông lạnh và tôm nấu chín có chứa các vi sinh vật hiếu khí.

Kiểm tra hoá chất, chất gây ô nhiễm và độc tố toxin, Bộ Nông nghiệp Úc cũng phát hiện 2 lô hàng của Việt Nam là cá thu muối trong dầu đậu nành và cá thu ngâm trong dầu đậu tương có chứa chất Histamine, một hợp chất được hình thành trong quá trình ôi, ươn của thịt cá.

Histamine là một amin sinh học có đặc tính chịu nhiệt, thậm chí khi được nấu chín histamine vẫn không bị phá hủy. Khi hàm lượng Histamine trong thức ăn quá cao hoặc enzym phân hủy Histamine trong cơ thể bị ức chế thì Histamine sẽ gây độc cho cơ thể.

Ngộ độc Histamine thường xảy ra nhanh từ một đến vài giờ sau khi ăn. Thường với lượng ăn vào từ 8  - 40 mg histamine, người nhạy cảm sẽ bị chảy nước mắt, nước bọt, buồn nôn…; từ 1.500 - 4.000 mg, người ăn có biểu hiện như nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy, mạch nhanh, khó thở, co thắt khí quản, nổi ban mạch nhanh, hạ huyết áp do giãn mạch...

Cũng trong tháng 2/2018, Bộ Nông nghiệp Úc tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên một số lô hàng thực phẩm, Việt Nam có 2 trong số 16 trường hợp vi phạm, đó là lô ớt đỏ và thanh long.

Cụ thể, lô ớt đỏ của Việt Nam được xác định chứa một loạt chất cấm nguy hại đến sức khỏe bao gồm Carbendazim, Chlorpyrifos, Cyhalothrin, Difenoconazole, Metalaxyl, Profenofos và Propiconazole. Trong khi đó, lô thanh long bị phát hiện có chứa hoạt chất Carbendazim.

Ngày 24/8/2017, Úc chính thức công bố cho phép nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép nhập khẩu thanh long tươi vào thị trường này. Vì vậy, các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu, phối hợp với nông dân xây dựng vùng sản xuất an toàn theo đúng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu để tránh những sự cố đáng tiếc, ảnh hưởng đến uy tín trái cây Việt Nam mà chúng ta đã mất nhiều công gây dựng.

Không chỉ có một số lô thanh long xuất khẩu sang Úc bị phát hiện nhiễm Carbendazim, theo thông tin từ Hội Nuôi ong Việt Nam, vừa qua một số nhà nhập khẩu mật ong của Hoa Kỳ yêu cầu Hội Nuôi Ong VIệt Nam cảnh báo đến các công ty xuất khẩu mật ong Việt Nam về dư lượng của chất bảo vệ thực vật Carbendazim bị nhiễm trong một số lô mật ong khi tới cảng Hoa Kỳ.

Vì vậy trong thời gian sắp tới, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ - (US FDA) và khách hàng sẽ tăng tần suất kiểm tra dư lượng chất bảo vệ thực vật này trong mật ong Việt Nam và bị trả lại nếu phát hiện.

Từ đó, Ban Chấp hành Hội Nuôi ong khuyến cáo các hội viên xuất khẩu cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng mật ong nói chung và tồn dư chất này đẻ tránh các tổn thất về uy tín và kinh tế nếu xảy ra.

Tại Mỹ, theo báo cáo thường niên của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ - (EPA), Carbendazim được xếp vào nhóm C, là các hoạt chất có khả năng gây ung thư. Chất này đã bị nhiều nước trên thế giới cấm sử dụng.

Tại Úc, Carbendazim trước đây từng được sử dụng để kiểm soát một số bệnh trên đậu, trái cây, mắc ca, cỏ, đồng cỏ và cây cảnh; trong bảo quản thực phẩm sau thu hoạch, xử lý dịch hại trên gừng và mía trước khi trồng và diệt nấm trên gỗ. Tuy nhiên, từ năm 2010, Úc cấm sử dụng Carbendazim trên các loại cây ăn quả như táo, lê, cây ăn quả có múi.

Riêng tại Việt Nam, hoạt chất này bị đưa ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng từ tháng 1/2017. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và PTNT vẫn cho phép các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các loại thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Carbendazim tối đa 1 năm và được buôn bán, sử dụng tối đa 2 năm kể từ ngày 3/1/2017./.

 

 

 

 

Thanh Tâm (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Chiều 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-những người giữ vai trò "giữ lửa và truyền lửa" bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

  • Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Chiều 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo Khu đề kháng Him Lam thuộc di tích quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ, lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tuyến đường mang tên anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

  • Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Top