Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 19 tháng 8 năm 2018 | 21:38

Bộ TN&MT yêu cầu báo cáo khẩn việc nhập khẩu phế liệu

Nội dung trên vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi đến các bộ, ngành và địa phương trong Công văn 4279/BTNMT.

Kết quả kiểm điểm của các bộ, ngành phải nộp trước 1/9

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ: Tài chính, Công thương, Giao thông vận tải... và UBND các tỉnh, thành phố như TP.HCM, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu khẩn trương kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải nhập khẩu, tăng cường phối hợp để kiểm soát tốt hơn việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.

Cụ thể, đề nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính chủ động rà soát, đề xuất nhu cầu sử dụng từng loại phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất trong nước hiện nay; có các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ phế liệu nhập khẩu, đảm bảo đúng pháp luật, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo chủ trương của Chính phủ. Các nội dung và đề xuất phải gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 22.8 để Bộ có căn cứ trình thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định trong tháng 8 này.

racthai_cgwo.jpg
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành khẩn trương báo cáo tình hình nhập khẩu phế liệu. ảnh Thanhnien.vn

 

Bộ Công an chỉ đạo công an địa phương, cảng biển và hải quan cung cấp danh sách điều tra, làm rõ nguyên nhân các container phế liệu được nhập vào Việt Nam mà không có người nhận, người vận chuyển. Khẩn trương điều tra, truy tố một số vụ vi phạm về pháp luật môi trường do nhập khẩu phế liệu trái phép vào Việt Nam.

Bộ Quốc phòng huy động lực lượng phòng ngừa, ngăn chặn từ xa việc nhập khẩu phế liệu. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ và các địa phương tổ chức tiêu hủy, di dời các container tồn đọng để trả lại không gian cho các cảng biển. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thành lập đoàn thanh tra do Thanh tra tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các sở và các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất trên địa bàn.

Kết quả kiểm điểm của các bộ, ngành và địa phương gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 1.9 và kết quả thanh tra gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 5.9 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Chính phủ Thái Lan cấm nhập khẩu rác thải điện tử và nhựa

Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường Thái Lan, Tướng Surasak Kanchanarat cho biết, mọi loại rác thải điện tử hoặc rác thải nhựa sẽ bị cấm nhập khẩu vào nước này nhằm bảo vệ môi trường.

Quyết định trên được đưa ra sau khi các cơ quan hữu quan được triệu tập để thảo luận cách giải quyết các vấn đề môi trường do rác thải điện tử và rác thải nhựa gây ra tại Thái Lan.

Bộ trưởng Surasak cho biết: "Môi trường của chúng ta và sức khỏe mọi người cần phải được đặt lên trên sự phát triển công nghiệp và tìm kiếm lợi nhuận".

Theo ông Surasak, Thái Lan sẽ cấm nhập khẩu 411 loại rác thải điện tử, trong khi rác thải nhựa bị cấm hoàn toàn trong hai năm tới. Tuy nhiên, quy định trên có ngoại lệ là máy copy và các sản phẩm điện tử viễn thông đã qua sử dụng được nhập khẩu để sửa chữa và tái sử dụng.

Ngoài ra, vẫn được phép nhập thép, đồng, nhôm vụn để dùng trong công nghiệp, với điều kiện các kim loại vụn này phải sạch và không pha trộn các chất liệu khác.

Bộ trưởng Surasak cho biết việc cấm rác thải điện tử sẽ tác động tới các công ty tái chế, nhưng rất cần thực hiện lệnh cấm này ngay bây giờ, nếu không muốn "đất nước của những nụ cười" trở thành một "thùng rác của thế giới".

Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường Thái Lan đã đề nghị Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại nước này ban hành quy định cấp bộ để biến các khuyến nghị trên thành luật./.

Chưa chấp thuận nhận chìm 2,5 triệu m3 vật nạo vét xuống biển Quảng Bình

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng khẳng định, cho đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa chấp thuận cho phép nhận chìm 2,5 triệu m3 vật, chất nạo vét xuống biển trong quá trình thi công cảng than của Dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Đây là Dự án “Cơ sở hạ tầng thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch” với mục đích phục vụ xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 và Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 thuộc Trung tâm điện lực Quảng Trạch, đáp ứng yêu cầu đề ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016.

Các hạng mục công trình chính của Dự án gồm san lấp mặt bằng với tổng diện tích 125,5 ha, cảng nhập than công suất 100.000 DWT, xây dựng đường nối trung tâm điện lực với Quốc lộ 1A, đê chắn sóng và kênh thoát nước hoàn trả.

th2.jpg
Thái Lan cấm nhập khẩu mọi loại rác thải điện tử hoặc rác thải nhựa vào nước này. Ảnh minh họa: TTXVN.vn

 

Để đáp ứng tàu có công suất 100.000 DWT chở than phục vụ việc phát điện, Dự án sẽ tiến hành xây dựng bến nhập than. Do đó, chủ Dự án phải tiến hành nạo vét vật chất khu vực trước bến, vũng quay tàu với tổng khối lượng khoảng hơn 2,5 triệu m3 (dự kiến nhận chìm vật, chất ở biển với khối lượng khoảng 1,9 triệu m3, khối lượng còn lại sẽ được tận dụng san lấp mặt bằng của Dự án).

Ông Nguyễn Thế Đồng cho biết, ngày 24/5/2017, UBND tỉnh Quảng Bình đề xuất vị trí nhận chìm của Dự án tại Công văn số 11664/VPUBND-KTN, chủ Dự án đã tiến hành đánh giá tác động của hoạt động nhận chìm vật, chất, như khảo sát độ sâu, địa hình đáy biển khu vực dự kiến thực hiện nhận chìm; khảo sát hệ sinh thái và sinh vật vùng biển được dự kiến cho mục đích nhận chìm; phân tích thành phần vật liệu nạo vét và kích thước hạt khi nhận chìm; chạy mô hình tính toán khả năng lan chuyền bùn cát sau khi nhận chìm; khảo sát các vùng nuôi trồng, đánh bắt ở khu vực nhận chìm và vùng lân cận...

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường của Dự án (ĐTM). Căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định sau khi xem xét mức độ hoàn thiện của ĐTM dự án tổng thể này, Bộ đã phê duyệt báo cáo ĐTM cho toàn Dự án “Cơ sở hạ tầng thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch” vào tháng 12/2017, với các điều kiện kèm theo để chủ Dự án tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo như quy định. Cụ thể: Yêu cầu chủ Dự án tiếp tục hoàn thiện nội dung ĐTM đối với hoạt động nhận chìm ở biển.

Đó là tiếp tục lấy mẫu, bổ sung, đánh giá thành phần, đặc tính vật, chất tại khu vực dự kiến nạo vét và nhận chìm; thiết kế, làm rõ phương án thi công, công nghệ nạo vét, đổ thải và nhận chìm phù hợp để giảm thiểu các tác động đến môi trường xung quanh; xây dựng và thực hiện chương trình giám sát, quan trắc môi trường liên quan đến hoạt động nạo vét, vận chuyển và nhận chìm trong giai đoạn thi công nhận chìm ở biển.

Việc lập đề án nhận chìm ở biển phải bảo đảm tuân thủ các quy định theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 và Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015.

Đồng thời, chủ Dự án chỉ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến thẩm định, cấp phép nhận chìm và bàn giao khu vực biển để nhận chìm của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2013, ĐTM là cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét trước khi triển khai các thủ tục tiếp theo của Dự án.

Trong ĐTM đề cập đến nhiều nội dung, nhiều hoạt động khác nhau của Dự án. Trong đó có hoạt động nhận chìm là một phần của Dự án.

Tại quyết định phê duyệt ĐTM của Dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa chấp thuận cho phép chủ đầu tư tiến hành hoạt động nhận chìm theo đề xuất và đã yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện nội dung ĐTM đối với hoạt động nhận chìm ở biển.

Như vậy, sau khi được phê duyệt ĐTM, chủ đầu tư Dự án còn phải lập đề án nhận chìm, phải tiếp tục khảo sát, hoàn thiện những yêu cầu về bảo vệ môi trường, trình Hội đồng thẩm định xem xét, nếu đáp ứng các yêu cầu về an toàn, môi trường thì mới cấp giấy phép nhận chìm.

Có nghĩa là phải có bước xin cấp phép nhận chìm và bước xin bàn giao khu vực biển dự kiến nhận chìm. Các bước này tùy theo phân cấp quản lý mà UBND tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét, quyết định.

Nhận chìm vật, chất nạo vét xuống biển là phương án sau cùng. Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn khuyến cáo các địa phương, các chủ đầu tư nên tận dụng tối đa vật, chất nạo vét để sử dụng cho việc san lấp đê kè ven biển là tốt nhất.

 

 

 

PV (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top