Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 10 năm 2012 | 10:27

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đất dự án hoang sẽ cho canh tác

KTNT- Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại buổi gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp ngành bất động sản khu vực Hà Nội tổ chức ngày 25/10.Thị trường bất động sản: "Nguy cơ chưa lớn"

Trước tình hình xuống dốc không phanh, không thấy điểm sáng nào trong bức tranh ảm đạm của thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đưa ra những giải pháp được khẳng định là “tạm thời”, “trước mắt” nhằm hi vọng giải cứu thị trường này.

Cùng với đầu tư công, xuất khẩu, bất động sản là đầu tàu cho sự phát triển của đất nước. Trong những năm qua, lĩnh vực bất động sản có những bước phát triển quan trọng, là nhân tố phát triển của nền kinh tế. Hiện nay, thị trường bất động sản đang gặp những biến cố vô cùng khó khăn, hầu như không có giao dịch trên thị trường, dẫn đến khó khăn của doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng sau cuộc gặp mặt với lãnh đạo và các doanh nghiệp ngành bất động sản khu vực thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp tục có cuộc làm việc tại Hà Nội để tìm ra những giải pháp “tạm thời” nhằm cứu vãn thị trường đang tuột dốc không phanh.
 
Bộ trưởng nhận định: từ tháng 4/2011 trở về trước, chỗ nào cũng thấy bất động sản. Xuất hiện nhiều những người đầu cơ. Khi giá bất động sản đi xuống, van tín dụng khép lại, lãi suất ngân hàng tăng bắt đầu bộc lộ những yếu kém. Nhà đầu cơ không có sức trả tiền nữa. Lúc này mới bộc lộ rõ toàn bộ hạn chế của bất động sản.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội thảo. 

Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ rà soát các dự án trên thành phố Hà Nội. Sơ bộ, trên Hà Nội hiện nay có khoảng 2000ha đất đã giao cho các dự án nhưng có những dự án vẫn chưa thực hiện được. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng lại cho rằng, đây là điều may vì nếu làm rồi thì chắc chắn sẽ rất khó khăn. Bộ trưởng lí giải, nhiều dự án chưa giải phóng mặt bằng, có dự án giải phóng xong rồi nhưng vẫn chưa làm, tức là mới chỉ chớm vào thì sẽ không có nguy cơ lớn.

Với những dự án đã giải phóng mặt bằng, là bất động sản nhà ở, lãnh đạo đứng đầu ngành xây dựng khẳng định, việc bỏ không là lãng phí, cần tiết kiệm đất bằng cách khuyến khích thành đất canh tác hay làm gì đó và đề nghị chính quyền địa phương ủng hộ, khuyến khích doanh nghiệp giao đất trống cho người dân canh tác.

Sẽ chia nhỏ căn hộ thương mại để bán

Với những dự án đã đầu tư hạ tầng thì điều chỉnh dự án, tăng tỉ lệ nhà ở xã hội lên 20%, Bộ trưởng lấy ví dụ: Điều chỉnh dự án từ căn hộ cao cấp thành một phần là nhà ở xã hội, để cho những người làm công ăn lương nhưng không có khả năng mua nhà giá cao có thể tiếp cận.

Những dự án có căn hộ rồi mà đang “ế” thì sẽ cho xem xét cân nhắc cho phép điều chỉnh căn hộ nhỏ lại. Bộ trưởng lưu ý trừ những căn hộ ở nội đô cao cấp quá thì mới không bàn đến nhưng xung quanh Hà Nộị thì nhất thiết phải điều chỉnh và đề nghị thành phố Hà Nội cho phép điều chỉnh.

Tại hội thảo, Bộ trưởng cũng đưa ra ý kiến với lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản về việc hiện nay các nhà đầu tư bất động sản mới quan tâm đến thị trường cho những người giàu, những người có khả năng về kinh tế. Thực tế, nhu cầu cho người nghèo, người thu nhập thấp còn lớn. Với thu nhập của người dân bây giờ, không thể gánh được nhà giá cao. Vì vậy dẫn đến tình trạng cung vượt xa cầu.

Bộ trưởng bày tỏ quyết tâm hướng thị trường nhà ở, các nhà đầu tư vào loại nhà ở xã hội, hướng về người tiêu dùng thay vì thông qua các nhà đầu tư trung gian. “Các doanh nghiệp phải tự tái cơ cấu lại dự án của mình. Nếu không làm được thì phải chuyển cho doanh nghiệp khác. Nếu đã say mê thì phải quyết liệt bằng cách hạ giá sản phẩm, cơ cấu lại sản phẩm để đến với người dân chứ không phải làm cái to đẹp để hình ảnh doanh nghiệp được đẹp. Còn người dân phải có trách nhiệm tìm sản phẩm phù hợp”

Bộ trưởng cho rằng, sự khó khăn của bất động sản có thể coi là một “cú” mà không có "cú” này thì chắc chắn các nhà đầu tư trung gian sẽ mạnh.

Bộ trưởng đề nghị các lãnh đạo sở, ban, ngành phải chung tay cùng giải cứu doanh nghiệp vì cứu doanh nghiệp chính là cứu dân, cứu đất nước./.
Anh Thư
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top