Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 8 năm 2016 | 2:1

Bù đắp tăng trưởng ngành nông nghiệp: Có thể từ con tôm?

Mặc dù tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trên diện rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long, nắng nóng kéo dài làm chậm tiến độ thả nuôi thủy sản của người dân, sản lượng nuôi thủy sản chỉ tăng nhẹ nhưng giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 vẫn tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 3,07 tỷ USD. Trong đó, riêng con tôm mang về hơn 1 tỉ USD, tăng 6%. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám kỳ vọng, tôm nước lợ sẽ bù vào phần tăng trưởng âm của ngành 6 tháng đầu năm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (bên trái) thăm cơ sở sản xuất tôm giống thương phẩm tại thị trấn Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.

Thị trường rộng lớn

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, xâm nhập mặn, hạn hán đã ảnh hưởng đến phát triển của ngành nông nghiệp. Lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 0,18%. Để khắc phục tình trạng này cũng như thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ đã tổ chức sơ kết tái cơ cấu, đặc biệt là tìm những giải pháp để những tháng cuối năm cũng như thời gian tới phát triển các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh và có điều kiện phát triển thuận lợi, bù lại thâm hụt về tăng trưởng, trong đó có xác định thủy sản và trong thủy sản, tôm nước lợ có nhiều tiềm năng và lợi thế. “Những tháng còn lại của năm 2016, đối tượng tôm nước lợ hy vọng sẽ bù lại phần đã tăng trưởng âm của 6 tháng đầu năm”, ông Tám nói.

Nhận thức rõ tiềm năng cũng như lợi thế của con tôm nước lợ, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư thâm canh, cải tạo chất lượng con giống để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với khẩu hiệu “nâng tầm tôm Việt”, những năm qua, tập đoàn sản xuất tôm hàng đầu Việt- Úc đã đầu tư bài bản vào sản xuất giống cũng như tôm thương phẩm theo mô hình thâm canh, năng suất và hiệu quả cao. Đây cũng là mục tiêu chung cho cả ngành tôm Việt Nam.

Tới thăm trụ sở sản xuất tôm giống của Việt - Úc tại thị trấn Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), ai cũng như bị cuốn hút vào câu chuyện “con tôm Việt” tại đây. Nói về lợi thế ngành tôm, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Việt- Úc, cho biết, Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng ASEAN với 600 triệu dân, nên giờ làm con tôm không phải cho 90 triệu người trong nước ăn, mà cho cả 600 triệu người. Rồi Việt Nam đã tham gia tới 12 hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt, nếu tham gia TPP, nghiễm nhiên Việt Nam sẽ “loại” được 2 đối thủ lớn là Ấn Độ và Indonesia do 2 nước này chưa được tham gia hiệp định.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường: Nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức cực lớn, nếu không giải được, thì sẽ thụt lùi. Ba thách thức đó là: Thứ nhất, nông nghiệp nước ta là nền sản xuất nhỏ dựa trên 12 triệu hộ nông dân, mỗi hộ chỉ canh tác 0,3ha, các ngành truyền thống khác cũng vậy với bình quân của các đơn vị sản xuất rất thấp. Đó là một thách thức rất lớn, nhất là khi chúng ta hội nhập toàn cầu. Nếu không sớm giải quyết thì không thể chiến thắng, thậm chí thua ngay trên sân nhà.

Thách thức thứ hai là biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia sẽ bị tổn thương lớn nhất. Do vậy, nó sẽ làm đảo lộn toàn bộ cấu trúc của sản xuất truyền thống, nếu chúng ta cứ đi theo hướng Đồng bằng sông Cửu Long là lúa, cây ăn trái, thủy sản; miền Bắc là lúa, miền Trung cũng lúa, chỗ nào cũng lúa, thì sẽ không hiệu quả, mà cần phải chuyển dịch dần sang nuôi tôm.

Thách thức thứ ba là hội nhập sâu rộng, chúng ta đã tham gia 7 FTA (hiệp định thương mại tự do), đang tiến hành thực thi và rồi đây ký kết tiếp tục 6 FTA nữa, có nghĩa Việt Nam là thị trường mở của thế giới và mở ở đây là mở 2 chiều, một mặt chúng ta mở cơ hội hàng hóa đi, nhưng cơ hội đi của chúng ta đang bị thách thức do sản xuất còn manh mún, làm giảm sức canh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. Do đó, phải cấu trúc lại sản xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (thứ hai từ phải sang) thăm cơ sở sản xuất tôm giống thương phẩm tại thị trấn Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.

Từ những thách thức này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu vấn đề: “Chúng ta cần cấu trúc lại nền sản xuất theo hướng gì? Về nguyên tắc, có 2 nguyên lý: cái gì mạnh thì ta làm, hay nói đúng hơn là khai thác lợi thế; thứ hai là phải đầu tư khoa học công nghệ, một chuỗi giá trị sâu nhất, ở đó chúng ta chiếm thị phần lớn nhất về chuỗi giá trị. Chúng tôi khẳng định, con tôm sẽ là một dư địa trước mắt cho phục hồi bù đắp một phần tăng trưởng của ngành nông nghiệp các tháng cuối năm. Đó là trước mắt, còn về lâu dài, con tôm được coi là mặt hàng chiến lược của chúng ta”.

Mấu chốt là nâng cao chất lượng con giống

Theo ông Đặng Quốc Tuấn, một trong những khâu then chốt để tăng chất cho ngành tôm, đó chính là con giống.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, con tôm có thị trường rất rộng, tới 7 tỷ người trên thế giới. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, chúng ta có cơ hội biến thách thức thành lợi thế, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long khi nước biển dâng, khi hạn mặn thì chúng ta sẽ chuyển một phần diện tích trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận, nêu thực tế, chất lượng con giống quyết định 70% sự thành công của người nuôi tôm thịt. Tuy nhiên, phần lớn giống tôm bố mẹ ở Việt Nam đều được nhập khẩu từ Mỹ, Singapore, Thái Lan và Mexico, trong khi giống tôm sú thì khai thác ngoài tự nhiên. Trong những năm qua, việc nghiên cứu tôm thẻ chân trắng trong nước đang có nhiều triển vọng khi cuối năm 2015, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản đã nghiên cứu được 4 đàn tôm có chất lượng tốt làm vật liệu cho việc phát triển tôm thẻ chân trắng bố mẹ trong nước. Tập đoàn Việt - Úc đã sản xuất được 5.000-10.000 tôm bố mẹ thẻ chân trắng, có thể đáp ứng 50-55% nhu cầu giống của Tập đoàn.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã sản xuất được hơn 57 tỷ con giống, trong đó tôm thẻ chân trắng đạt gần 40 tỷ và tôm sú hơn 15 tỷ con, trong khi nhu cầu tôm giống khoảng 130 tỷ con, mỗi năm cả nước cần khoảng 230.000 con tôm bố mẹ. Các tỉnh Nam Trung Bộ là Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận là khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của cả nước. Mỗi năm khu vực này đáp ứng khoảng 50% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu thả nuôi của cả nước. Bất cập nhất trong khâu giống, theo ông Nguyễn Hoàng Anh, là vẫn còn hiện tượng cơ sở nuôi tôm giống bắt tôm thịt về làm tôm bố mẹ, thậm chí lấy nguồn tôm trôi nổi, không rõ nguồn gốc để sản xuất thậm hay nhập giống không đảm bảo chất lượng từ Trung Quốc. Điều này sẽ gây rủi ro rất lớn cho người nuôi.

Ông Nguyễn Hữu Ninh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồn thủy sản III, cho biết, tôm bố mẹ thẻ chân trắng nhập khẩu từ nước ngoài về được nuôi trong điều kiện tối ưu về nhiệt độ, độ mặn nên khi về Việt Nam nuôi với điều kiện dao động nhiệt độ, độ mặn cao, môi trường thay đổi nên khả năng sống sót thấp, khoảng 30-75%. Đây là một rủi ro lớn đối với người nuôi trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp. Để khắc phục điều này, trong những năm qua, Viện đã nhập khẩu đàn giống bố mẹ ở các nước về và tiến hành lai tạo, chọn lựa ra đàn tôm bố mẹ thích ứng với điều kiện của vùng nuôi. Kết quả đối chứng với giống tôm nhập khẩu về cho thấy, đàn tôm thẻ chân trắng bố mẹ chọn tạo trong nước tốt hơn khi tỷ lệ sống sót cao hơn và năng suất tăng khoảng 5-7%.

Trong khi đó, ông Trần Công Bình, Giám đốc Công ty Giống Châu Phi, cho rằng, hiện nay chúng ta mới tập trung nghiên cứu tôm bố mẹ thẻ chân trắng sạch bệnh, tăng trưởng cao để nuôi thâm canh trong khi tôm kháng bệnh, tăng trưởng nhanh để nuôi quảng canh chưa được chú ý nhiều. Trong khi diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến đang chiếm phần lớn diện tích nuôi tôm sú ở Việt Nam, vào khoảng gần 600.000ha, năng suất mới chỉ đạt 150-300kg/ha/năm. Trong khi đó, tại Ecuado, với chương trình chọn tạo giống kháng bệnh của họ ở quy mô không lớn lắm nhưng họ đã đạt năng suất nuôi khoảng 2.300 tấn/ha/năm.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, hiện nay, một năm chúng ta sản xuất được hơn 100 tỷ con tôm giống nước lợ, trong đó có cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Phải khẳng định lượng giống tôm chúng ta sản xuất ở trong nước đã đủ, đáp ứng được sản xuất về tôm nước lợ của cả nước. Tuy nhiên, chúng ta chưa chủ động được nguồn tôm giống bố mẹ. Để khắc phục việc này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo về nghiên cứu chọn tạo giống tôm bố mẹ nước lợ xuất xứ tại Việt Nam. Ngoài các đơn vị nghiên cứu của Bộ thì Bộ đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham gia quá trình này và bước đầu đã chọn tạo được giống tôm bố mẹ do Tập đoàn Việt - Úc nghiên cứu, chọn tạo.

“Tới đây, không chỉ có nghiên cứu và tạo ra giống tôm bố mẹ sạch bệnh tăng trưởng cao mà chúng ta còn chọn tạo tôm bố mẹ kháng bệnh và tăng trưởng nhanh có xuất xứ tại Việt Nam. Hy vọng từ nay đến năm 2020, chúng ta có thể chủ động được phần lớn giống tôm bố mẹ”, ông Tám nói.

Theo thống kê, giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 đạt kim ngạch 3,07 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, riêng con tôm mang về hơn 1 tỉ USD, tăng 6%.

Anh Thơ

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Chiều 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-những người giữ vai trò "giữ lửa và truyền lửa" bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

  • Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Chiều 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo Khu đề kháng Him Lam thuộc di tích quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ, lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tuyến đường mang tên anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

  • Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Top