Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 10 năm 2018 | 14:7

Bức tranh kinh tế Việt Nam 2018: Khả quan với nhiều màu sáng

Kết quả từ các chỉ báo kinh tế 9 tháng qua cho thấy, nền kinh tế tăng trưởng khá đồng đều trên các lĩnh vực theo hướng phát triển chiều sâu và bền vững...

t6.jpg
Trong quý III và 9 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng kinh tế theo xu hướng tích cực.

 

GDP năm 2018 có thể vượt mức 6,7%

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2018 ước  tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2018, GDP ước tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây, cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng và năng lực có sự mở rộng, dự báo ở mức cận trên của mục tiêu Chính phủ đề ra là 6,5-6,7% và có thể vượt mốc 6,7%.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế - xã hội nước ta trong quý III và 9 tháng năm 2018 đạt nhiều kết quả tích cực. Nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu Quốc hội. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt khá, chăn nuôi lợn từng bước phục hồi. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đảm bảo vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tình hình thực hiện vốn đầu tư có chuyển biến tích cực với nhiều năng lực sản xuất mới được bổ sung. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tiêu dùng tăng cao, xuất khẩu và thu hút khách du lịch quốc tế đạt khá. Tình hình giải quyết việc làm và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

“Các ngành nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến chế tạo và xuất khẩu tiếp tục là động lực phát triển kinh tế của đất nước. Năng lực sản xuất của nền kinh tế được mở rộng tạo đà cho kinh tế nước ta phát triển trong những năm tới”, ông  Lâm nhận định.

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2018 là năm bản lề và có ý nghĩa trong việc đánh giá, định hình lại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020).

“Chúng ta đã đi được một nửa chặng đường của kế hoạch này với những chuyển biến rất tốt. Tăng trưởng GDP của 2 năm đầu tiên trong giai đoạn này là tương đối cao. GDP năm 2018 dự kiến đạt hoặc vượt mức 6,7%. Đáng chú ý, kinh tế phát triển đồng đều trên các lĩnh vực. Khác với nhiều năm trước, phát triển văn hóa - xã hội đã được đặt trong vị thế cân bằng với phát triển kinh tế trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Đây là chủ trương của Đảng, Chính phủ và đang được thực hiện một cách rất tích cực từ Trung ương đến địa phương”, ông Dũng khẳng định.

Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Eric Sidgwick tại Việt Nam, dự báo, GDP Việt Nam tăng 6,9% trong năm 2018. Mức này được hạ thấp hơn so với 7,1% trong báo cáo hồi tháng 4 ADB từng đưa ra. Nguyên nhân là do xuất khẩu, nông nghiệp, xây dựng và khai khoáng dự kiến giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2018.

Nông nghiệp hồi phục

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi 9 tháng của năm 2018 mặc dù phải đối mặt với 14 loại hình thiên tai, thiệt hại về kinh tế hơn 2.356 tỷ đồng nhưng khu vực nông - lâm và thuỷ sản đạt mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2018. Giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất.

Khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung. Trong đó, khu vực sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng 2,78%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2012-2018. Thủy sản cũng đạt kết quả tốt với mức tăng 6,37%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua. Khu vực sản xuất lâm nghiệp tăng 5,9%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của ngành nông nghiệp ước đạt 29,54 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 73% kế hoạch năm và vượt 1,3% mục tiêu quý III đã đề ra. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2017 là gạo, rau quả, sản phẩm từ cao su, cà phê… Xuất khẩu thủy sản, lâm sản chính và chăn nuôi đều tăng. Các thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh là Indonesia, Malaysia, Philippines, Nga, Trung Quốc…

Kinh tế có bước chuyển rõ nét

Thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng tiếp tục diễn biến khả quan; tăng trưởng kinh tế theo xu hướng tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát trong tầm kiểm soát.

Cơ cấu lại nền kinh tế có bước chuyển biến tương đối rõ nét, thực chất hơn trong các ngành, lĩnh vực; các trọng tâm của 3 đột phá chiến lược đều có những bước tiến bộ quan trọng; tăng trưởng kinh tế bám sát xu thế đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu, chú trọng chất lượng, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, các ngành sản xuất, dịch vụ, xuất nhập khẩu gia tăng năng lực tăng thêm, đóng góp vào tăng trưởng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Giá cả hàng hóa cơ bản và giá dầu thế giới diễn biến tiếp tục theo xu hướng tăng sẽ gây áp lực lên mặt bằng lạm phát toàn cầu cũng như kiểm soát lạm phát trong nước. Trong khi đó, giá một số mặt hàng nông sản trên thế giới đang có xu hướng giảm, tác động đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Chỉ số tồn kho một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước đang tiến triển chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cải thiện nhiều, mô hình quản trị doanh nghiệp Nhà nước còn chậm được đổi mới…

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2018 có nhiều chuyển biến tích cực hơn năm trước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý một số rủi ro, thách thức cả bên trong và bên ngoài như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Ngân hàng trung ương của các nước lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến mặt bằng lãi suất tăng. Một số mặt hàng có xu hướng tăng giá. Thủ tướng cảnh báo “nếu không khéo kiểm soát, không khéo phối hợp chính sách thì khả năng CPI tăng quá mức 4% cũng có thể xảy ra”.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng, để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2018, tạo nền tảng cho thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan; cần tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đồng thời, bám sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời, đặc biệt là mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, dựa nhiều hơn vào sức “cầu” trong nước. Có chính sách hỗ trợ, phát triển các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là phát triển doanh nghiệp tư nhân; phát triển năng lực cạnh tranh của các đô thị; đồng thời đưa khoa học công nghệ thành động lực tăng trưởng mới. Các bộ, ngành, địa phương cần tranh thủ điều kiện hiện nay để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tăng năng suất lao động, bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế - xã hội 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phác họa kế hoạch năm 2019. Theo đó, dự kiến tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6,6 - 6,8% so với năm 2018. Tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4-5%.

Xuất khẩu hàng hóa năm 2019 dự kiến đạt khoảng 256 tỷ USD, tăng khoảng 7-8% so với năm 2018; nhập khẩu hàng hóa dự kiến đạt khoảng 261 tỷ USD, tăng khoảng 10%; nhập siêu khoảng 5 tỷ USD, chiếm dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 và năm 2020 dự báo tiếp tục khả quan, nhất là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh được củng cố.

Để đạt được những điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2019. Trong đó, đáng chú ý nhất là chủ trương tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh hơn nữa mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh thực hiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.

 

 

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
Top