Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 8 năm 2018 | 15:33

Cẩn thận tránh trồng ồ ạt nhãn tím "sốt" trên thị trường 1 triệu/nhánh

Có màu sắc đẹp, độc đáo, nên loại nhãn tím được xem là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam này đang gây "sốt" trên thị trường, với giá cao gấp đôi, gấp ba lần so với nhãn thông thường, được nhiều người săn lùng mua cho bằng được.

Ông Trần Văn Huy ở xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, Sóc Trăng Sóc Trăng - người đầu tiên phát hiện ra loại nhãn tím rồi chiết cành cung cấp ra thị trường cho biết, nhiều ngày qua, thương lái lùng mua nhãn tím và ông đã bán được khoảng 100 - 200 nhánh cây chiết cành, có chiều cao khoảng 40 - 60cm được ông bán với giá 1 triệu đồng mỗi nhánh. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều người đặt mua giống nhãn tím nhưng chưa có giống bán.

Hiện nay, trong vườn nhà ông có hơn 40 cây đang cho trái, do đang tập trung chiết nhánh nên số lượng trái không nhiều, chỉ khoảng 200 - 300kg mỗi vụ, giá bán 100.000 đồng/kg. Còn với cây chiết cành, có chiều cao khoảng 40 - 60cm được ông bán với giá 1 triệu đồng mỗi cây.

Theo ông Huy, loại nhãn tím có sức đề kháng, chống chịu các loại sâu bệnh tốt hơn hẵn các loại nhãn khác. Đặc biệt, nhãn tím kháng được bệnh chổi rồng, một loại bệnh làm điêu đứng nhiều nhà vườn trồng nhãn.

"Loại này trồng hạt rất khó, cây ghép thì chất lượng quả không như ý nên tôi chủ yếu chiết cành, xác suất thành công lại ít, nên giá cây giống tương đối cao. Đó  là một trong những nguyên nhân người dân địa phương ít trồng loại cây này để làm thương phẩm, mà chủ yếu làm cảnh”, ông Huy nói và cho hay, hiện trên địa bàn xã có số ít hộ trồng nhãn tím, nhưng trái không đủ cung ứng cho thị trường. Phần lớn bán cho khách ở Hà Nội, Sài Gòn.

Ông Huy cũng cho biết, mới đây một đoàn khách bên Thái Lan tìm qua ngỏ ý muốn mua giống cây và sản phẩm của ông về nhân giống, nhưng ông không bán. “Tôi trồng ra để phục vụ người dân trong nước chứ không muốn bán cho nước ngoài”, ông Huy nói. 

Nhãn tím là loại trái cây "lạ" được phát hiện tại Sóc Trăng gần 10 năm, nhưng đến nay vẫn chưa được phổ biến ra thị trường. Để cây cho trái nhiều, người trồng mất ít nhất 3 năm chăm sóc. Do đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng khuyến cáo không nên vội vàng trồng ồ ạt loại cây trồng này vì khó đảm bảo khâu tiêu thụ về sau, tránh đầu tư hàng trăm triệu nhưng sau đó lại rơi vào cảnh “trồng – chặt” như nhiều loại cây khác trước đây.

 

1.jpg

Trung Quốc sẽ là thị trường tiêu thụ trọng tâm của nhãn Việt Nam

Việt Nam là nước cung cấp nhãn tươi lớn thứ hai cho Trung Quốc và được người dân nước này rất ưa thích nên tỉnh Hưng Yên xác định đây sẽ là thị trường tiêu thụ trọng tâm, thông tin được đưa ra tại Hội nghị xúc tiến thương mại nhãn lồng và nông sản năm 2018.

Tại hội nghị, Tham tán kinh tế thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Tỏa Cẩm cho biết, năm 2017 nước này nhập trái cây của Việt Nam với giá trị khoảng 700 triệu USD. Việt Nam hiện là nguồn cung lớn nhất của Trung Quốc về dưa hấu, vải, thanh long…

Riêng mặt hàng nhãn, năm 2017, giá trị nhập khẩu là 190 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu nhãn đứng thứ 2 vào Trung Quốc, chỉ sau Thái Lan.

Ông Hồ Tỏa Cẩm khẳng định nhãn Hưng Yên có chất lượng tốt, có danh tiếng và được người Trung Quốc ưa thích.

Trung Quốc được xác định là thị trường tiêu thụ trọng tâm của nhãn Hưng Yên, tỉnh cho biết. Phần lớn nhãn tươi xuất khẩu đều được tiêu thụ tại thị trường này. Ngoài ra, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục kết nối, quảng bá và thâm nhập mạnh mẽ hơn vào các thị trường đã giới thiệu thành công như: Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu quả nhãn của Việt Nam đạt 124,76 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Mặt hàng quả nhãn xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, chiếm tới 98% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Còn là xuất sang Hoa Kỳ và Đài Loan.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, mặt hàng quả nhãn là mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam, chỉ một vài tuần tới là bước vào mùa thu hoạch nhãn, thời tiết thuận lợi nên nhãn sai quả, tỷ lệ đậu quả cao, hứa hẹn mùa vụ bội thu.

Được biết, hai tỉnh trồng nhãn lớn nhất miền Bắc là Sơn La và Hưng Yên. Theo đó, năm 2018 tỉnh Sơn La có 12.257 ha trồng nhãn và dự kiến cho thu hoạch khoảng 7.826 ha. Còn Hưng Yên có 4.340 ha trồng nhãn và dự kiến cho thu hoạch khoảng 4.340 ha.

 

2.jpg
Thu hoạch nhãn chuẩn bị cung ứng ra thị trường. (Ảnh: Internet)

 

Giá cá tra nguyên liệu tiếp tục có xu hướng giảm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua tiếp tục xu hướng giảm giá của tháng trước. Mức giá cao nhất hiện trong khoảng 25.000 - 27.000 đồng/kg (cá loại I) tại các vùng sản xuất như: An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp... giảm khoảng 3.000 đồng/kg so với tháng trước. Trong khi đó, giá cá tra giống tăng nhẹ so với tháng trước do ảnh hưởng thời tiết, hiện đang ở mức 25.000 - 30.000 đồng/kg đối với cỡ 30 con/kg.

Hiện các nhà nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc tạm ngừng thu mua cá tra để tiêu thụ hết lượng hàng đã nhập trước đó. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp giảm khâu thu mua cá tra nguyên liệu từ các hộ nuôi dù đang trong giai đoạn thời tiết thuận lợi để thả đợt cá giống mới. Tuy nhiên, dự báo giá cá tra từ nay đến cuối năm sẽ vẫn ở mức có lãi cho người nuôi.

 Sản lượng nuôi cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong 7 tháng ước đạt 782.000 tấn, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn như: Đồng Tháp sản lượng đạt 274.500 tấn, tăng 9,4% so với cùng kỳ; An Giang với sản lượng đạt 190.400 tấn, tăng 17,4% so với cùng kỳ; Cần Thơ với sản lượng 95.700 tấn, tăng 18,6% so với cùng kỳ.

 

3.jpg
Chế biến cá tra phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Internet)

 

"Mặc áo" cho na, quả đẹp mã, giá tăng cao

Mỗi quả na được bọc một túi trắng nhằm chống ruồi vàng và côn trùng đục trái khi chín. Một số hộ trồng na ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã thử nghiệm cách làm hiệu quả này.

Bọc túi để bảo vệ quả na là phương pháp mới được nông dân ở xóm Quán Thanh, xã Chi Lăng thử nghiệm vụ đầu tiên. Được biết, các thương lái mua hàng đã đưa ra yêu cầu này với người trồng na ở Chi Lăng. Mục đích của họ là bảo vệ trái không bị ruồi vàng tấn công.

Khi na sắp chín thường bị ruồi chích vài nốt nhỏ và đẻ trứng vào đó. Gặp trời mưa, trứng phát triển và nở thành dòi. Do vậy việc phòng trừ ruồi vàng là một trong những khâu quan trọng nhất khi na chín. Nếu được bọc túi cẩn thận, những trái na sẽ giữ được mã rất đẹp.

Nhiều hộ trồng na ở Chi Lăng thường sử dụng loại bẫy này để dụ ruồi vàng. Tuy nhiên, cách làm này không thể xử lý triệt để loài côn trùng gây hại.

Ông Mã Văn Lét ở thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng - người có diện tích trồng na lớn nhất thôn cho biết: "Vụ na năm nay, khách hàng đến mua đã đưa ra yêu cầu là dùng túi bọc quả. Việc bọc túi bao quanh quả không chỉ có tác dụng tránh được ruồi vàng mà còn giúp cho na có mã đẹp hơn."

Na bọc túi chín chậm hơn so với việc không bọc túi. Chất lượng na sẽ ngon hơn và đặc biệt, nó không bị ruồi vàng và côn trùng tấn công. Do đó, giá các sản phẩm na "mặc áo" cao hơn hẳn so với na thường. Hiện trên thị trường, giá na được bán dao động từ 25.000 - 80.000 đồng/kg.

Trong khi mỗi túi bọc na giá từ 800-1.000 đồng.

4.jpg
Na được "mặc áo" có chất lượng và giá cả cao hơn na thường. (Ảnh: Internet)

 

Giá thành lúa hè thu 2018 ở ĐBSCL tăng nhẹ

Theo ước tính của Bộ Tài Chính, dự kiến giá thành sản xuất lúa kế hoạch của vụ hè thu 2018 ở các tỉnh, TP vùng ĐBSCL bình quân từ 3.261 đến 4.985 đồng/kg.

Như vậy, giá thành sản xuất lúa bình quân vụ hè thu 2018 ở ĐBSCL khoảng 4.059 đồng/kg, tăng hơn 156 đồng/kg so với giá thành thực tế lúa hè thu năm 2017 (3.903 đồng/kg).

Tỉnh có giá thành sản xuất lúa cao nhất là Bến Tre (4.985 đồng/kg); tỉnh có giá thành sản xuất lúa thấp nhất là Cà Mau (3.261 đồng/kg).

Nhóm các tỉnh có giá thành cao hơn 4.000 đồng/kg lúa gồm: Bạc Liêu (4.787 đồng/kg); An Giang (4.782 đồng/kg); Tiền Giang (4.503 đồng/kg); Đồng Tháp (4.4607 đồng/kg); Trà Vinh (4.388 đồng/kg).

Nhóm các tỉnh có giá thành thấp hơn 4.000 đồng/kg lúa gồm: Vĩnh Long (3.801 đồng/kg); Kiên Giang (3.790 đồng/kg); Sóc Trăng (3.685 đồng/kg); Hậu Giang (3.553 đồng/kg); Cần Thơ (3.489 đồng/kg); Long An (3.285 đồng/kg).

 

5.jpg
Giá lúa tăng nhẹ do thương lái mua nhiều. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)./.

 

Thanh Tâm (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top