Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 5 năm 2018 | 21:59

Cần tiêu chuẩn hóa chất lượng nông sản Việt để tăng cơ hội xuất khẩu

Điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xuất khẩu nông sản, thực phẩm chính là ở chỗ rất ít coi trọng tiêu chuẩn chất lượng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xuất khẩu nông sản, thực phẩm chính là ở chỗ rất ít coi trọng và chưa thực hành nhiều về tiêu chuẩn chất lượng, chưa biết cách nâng cao giá trị của thương hiệu và giá trị gia tăng từ nguyên liệu là tài nguyên bản địa, chưa có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ.

Trong khi đó, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu luôn được các thị trường thế giới quy định, coi đó chính là “luật chơi” phổ quát với những quy định chung. Tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng giá trị gia tăng của mỗi sản phẩm, chính là những yếu tố căn cơ cho quá trình thúc đẩy nông sản, thực phẩm an toàn của Việt Nam ra với thị trường thế giới. 

can tieu chuan hoa chat luong nong san viet de tang co hoi xuat khau hinh 1
Một số sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam gặp khó trong xuất khẩu khi phụ thuộc vào 1 thị trường. (Ảnh minh họa: KT)

 

Kênh xuất khẩu qua hệ thống siêu thị nước ngoài

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long cho biết, hệ thống siêu thị Big C không chỉ phân phối hơn 90% sản phẩm hàng hóa Việt Nam tại hệ thống ở thị trường nội địa, Big C còn tham gia xuất khẩu nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam tại hệ thống Big C ở nước ngoài.

Tuy nhiên, để có thể nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu thông qua các kênh phân phối hiện đại, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt coi trọng chất lượng gắn với mẫu mã, bao bì sản phẩm…

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, bà Vũ Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, cơ hội của ngành thực phẩm Việt Nam vào thị trường thế giới rất lớn. Năm 2017, Việt Nam đã xuất được 66 triệu USD hàng hóa sang hệ thống của Centre Group của Thái Lan; Aeon cũng đã xuất khẩu trực tiếp được 200 triệu USD hàng Việt Nam sang chuỗi siêu thị của hãng này.

“Bản thân các hệ thống siêu thị nước ngoài đã kết hợp với Bộ Công Thương tổ chức những khóa đào tạo, tập huấn kĩ năng chi tiết về các tiêu chí, tiêu chuẩn cùng các phương thức bán hàng vào hệ thống của họ tại Việt Nam cũng như xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối của họ tại nước ngoài”, bà Nga cho biết.

Cũng theo bà Nga, để thúc đẩy hơn nữa việc đưa hàng hóa Việt Nam vào hệ thống các siêu thị nước ngoài, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm và nông sản an toàn, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện nhiều chương trình kết nối cung cầu, marketing giới thiệu hàng hóa để đưa đến cho các nhà sản xuất cũng như các nhà nhập khẩu biết được nhu cầu của các hệ thống phân phối; các chính sách pháp luật cần quan tâm.

“Để đẩy mạnh việc thông tin, giới thiệu các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn của Việt Nam ra thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương vẫn duy trì phổ biến các cẩm nang sản phẩm cho các cơ quan thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài để quảng bá, đồng thời phổ biến đến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ cho sức khỏe người tiêu dùng cũng như quá trình hội nhập kinh tế tốt nhất”, bà Nga cho biết.

Thêm công cụ quản lý được chất lượng

Theo ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN, gần đây qua theo dõi việc xuất khẩu hàng hóa nông sản và thực phẩm an toàn nhận thấy liên tiếp thời gian qua có tồn tại việc “giải cứu” hàng hóa nông sản và chăn nuôi.

Thực tế nông sản và thực phẩm an toàn của Việt Nam vẫn xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 77%), trong khi đối với các thị trường xuất khẩu khác lại vẫn có phản ánh tình trạng nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về vì dư lượng thuốc kháng sinh, tạp chất…

Chính vì thế theo ông Tạc, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ KH&CN bắt buộc phải có một công cụ quản lý được chất lượng các sản phẩm nông sản và thực phẩm an toàn tại thị trường trong nước cũng như tại thị trường nước ngoài, đây là điều bắt buộc, nếu không sẽ gây thiệt hại và mất uy tín rất lớn đối với các sản phẩm này trong quá trình xuất khẩu.

“Hiện các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) do Tổng cục Đo lường chất lượng xây dựng liên quan đến nông sản thực phẩm có đến tất cả 1.536 tiêu chuẩn, riêng với lĩnh vực an toàn thực phẩm có đến 884 tiêu chuẩn, đây là những con số rất lớn thể hiện việc các cơ quan quản lý nhà nước đã quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng nông sản và thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, để phục vụ cho việc bán hàng trong nước, đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu thực tế vẫn cần nhiều bộ tiêu chuẩn hơn nữa”, ông Tạc cho biết.

Do đó, ông Tạc đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước muốn giúp cho những sản phẩm nông sản, thực phẩm có thêm cơ hội xuất khẩu, cần có một tiêu chuẩn để cho người bán - mua trong nước cũng như người mua nước ngoài có sự tin cậy lẫn nhau. Đây có thể được coi là một trong những công cụ tạm thời, vì để làm được điều này cần hết sức lưu ý đến yếu tố văn hóa, đạo đức nghề nghiệp…việc này đòi hỏi cần có thời gian hết sức lâu dài./.

 

Ý kiến bạn đọc
Top