Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 24 tháng 6 năm 2018 | 10:58

Cần xử lý nghiêm hải sản biển bơm tạp chất

Hiện, mùa du lịch biển năm 2018 đang diễn ra, lượng khách du lịch đổ về các bãi biển có phong cảnh đẹp trên cả nước rất đông. Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho các du khách đến nghỉ dưỡng tại đây là một vấn đề cần được quan tâm.

 Sầm Sơn: Hải sản biển cũng bị bơm tạp chất
 
Ngày 23/6, Đoàn thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) kiểm tra đột xuất 3 cơ sở kinh doanh hải sản tươi sống ở TP Sầm Sơn, Thanh Hóa.
 
Đoàn thanh tra đã phát hiện 2 cơ sở có bán tôm bơm tạp chất độc hại đối với người tiêu dùng. Tại cơ sở kinh doanh hải sản biển Tình Luyến có địa chỉ khu phố Nam Hải, phường Trung Sơn, đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện tôm của cơ sở này mập, căng bất thường, các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt số 3 và đầu tôm to bất thường.
 
Đoàn kiểm tra (test) nhanh đối với mẫu tôm và phát hiện test đã chuyển từ màu vàng sang tím đen (dấu hiệu của tôm bơm tạp chất). Khi bóc đầu tôm cũng phát hiện có chất đặc sánh màu xanh đen. Trước thực trạng trên, Đoàn đã niêm phong toàn bộ 40 kg tôm của cơ sở này để tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ.
phat-hien-2-co-so-kinh-doanh-hai-san-co-bom-tap-chat-vao-tom.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện hai cơ sở bơm tạp chất vào tôm (ảnh

  minh họa)

 
Theo khai nhận ban đầu của ông Nguyễn Hữu Tình, chủ cơ sở kinh doanh hải sản biển Tình Luyến, toàn bộ số tôm kể trên được một người từ huyện Tĩnh Gia đến nhập hàng cho cơ sở của ông. Bình quân một ngày cơ sở hải sản biển Tình Luyến bán được khoảng 20-30 kg tôm.
Tiếp tục kiểm tra đột xuất đại lý hải sản tươi sống Côi Xuyên ở địa chỉ 154 đường Nguyễn Du, phường Trung Sơn, đoàn thanh tra liên ngành phát hiện cơ sở này có gần 20 kg tôm có dấu hiệu bơm tạp chất. Đoàn đã niêm phong toàn bộ số tôm kể trên để tiếp tục xác minh.
 
Ông Lê Văn Côi, chủ đại lý hải sản tươi sống Côi Xuyên khai nhận nhập số tôm kể trên của một số người ở huyện Tĩnh Gia và Quảng Xương để bán chủ yếu cho khách du lịch.
 
Sầm Sơn là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng không chỉ ở Thanh Hóa, khách du lịch trong và ngoài nước cũng thường xuyên về đây để nghỉ dưỡng và tắm biển mỗi khi hè về. Nơi đây cũng được mệnh danh là một địa điểm có hải sản biển tươi ngon và có giá rẻ nhất, bởi cứ mỗi sáng thức dậy, khách du lịch lại được thưởng ngoạn từng đoàn thuyền đánh bắt hải sản của cư dân tại đây trở về sau một chuyến ra khơi.
 
Tuy nhiên, vẫn còn có những cơ sở kinh doanh hải sản tươi sống tại đây bán tôm bơm tạp chất độc hại là một hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Cần xử lý nghiêm đối với các chủ kinh doanh vi phạm
 
Ngày 13/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 2419/QĐ-TTg đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Theo đó, Chính phủ giao cho Bộ Công an cùng các bộ liên quan xác định tội danh đối với hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất và ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn theo Luật Hình sự.
 
Trong trường hợp không xác định được tội danh tương ứng trong Bộ luật Hình sự, Bộ Công an phối hợp với các bên để có phương án báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bổ sung vào tội hình sự,
 
Tại Khoản 5, Điều 16 Nghị định 178 về xử lý vi phạm hành chính trong ATTP quy định các khung hình phạt từ cá nhân vi phạm tới tổ chức sơ chế, chế biến đưa tạp chất vào tôm và thủy sản. Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn và vệ sinh thực phẩm cho phép phạt đến 7 lần giá trị hàng hóa nếu đối tượng vi phạm là doanh nghiệp và 3 lần giá trị hàng hóa nếu đối tượng vi phạm là cá nhân.
 
Các chế tài trong việc quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các cơ quan chức năng xây dựng để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đã được ban hành.
Việc 3 cơ sở kinh doanh hải sản tươi sống tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) vừa bị đoàn kiểm tra liên ngành xử lý chứng tỏ rằng công tác quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm tại  khu du lịch biển Sầm Sơn nói riêng và các khu du lịch biển trên cả nước nói chung đang có nhiều kẽ hở.
 
Vẫn còn những tổ chức cá nhân vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, bơm tạp chất độc hại vào hải sản tươi sống để bán ra thị trường.
 
Để bảo đảm sức khỏe cho khách du lịch khi đến Sầm Sơn nghỉ dưỡng trong những ngày hè nóng nực, đề nghị các đơn vị chức năng cần tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với các cơ sở kinh doanh hải sản, các nhà hàng phục vụ khách du lịch, không để hải sản bị bơm tạp chất độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
 
Vì một mùa nghỉ mát không có ngộ độc thức ăn cho khách, cần phải xử lý thật nghiêm đối với các cơ sở inh doanh này.
 
 
 
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top