Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 3 năm 2018 | 13:36

Canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH: Hiệu quả nhiều mặt

Những năm gần đây, các tỉnh ĐBSCL thường xuyên gặp nhiều khó khăn do tình trạng BĐKH. Hạn hán và xâm nhập mặn làm thiệt hại nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây lúa, gây thất thoát năng suất và giảm đáng kể nguồn thu nhập của nhà nông.

t12t.jpg
Lúa trong mô hình phát triển tốt, ít bị sâu bệnh.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác lúa, từ năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh ĐBSCL thực hiện “Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”. Chương trình được thực hiện ở tất cả 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, tổng diện tích 32,5ha với 65 hộ nông dân tham gia.

Năm 2016, tại Cà Mau, mô hình được triển khai có quy mô 2,5ha với 5 hộ tham gia ở ấp Rạch Bào và ấp 19/5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời. Đây là địa phương gặp nhiều khó khăn do hạn hán, chịu ảnh hưởng bất lợi do phèn, mặn. Cả 5 nông dân tham gia mô hình đều được các nhà khoa học tập huấn kỹ thuật canh tác, áp dụng giảm giống và bón phân theo nhu cầu cây lúa. Lượng giống gieo sạ (cấp xác nhận) chỉ 80 kg/ha (trong khi nông dân thường sạ từ 150 -170 kg/ha). Thực hiện bón cân đối phân NPK, sử dụng phân bón lót đầu vụ và phân bón chuyên dùng trên lúa. Cách làm này giúp cây lúa khỏe, vượt qua được tác hại của phèn, mặn đầu vụ, cây phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, lá lúa có màu xanh bền, lá thẳng đứng, cứng cây, ít sâu bệnh gây hại.

Sau hơn 3 tháng triển khai, các ruộng lúa trong mô hình cho năng suất bình quân đạt 6,1 tấn/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng và sản xuất đại trà 0,4 tấn/ha. Theo cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình, vụ lúa hè thu năm 2016, nắng hạn gay gắt, sâu bệnh khá nhiều, phần lớn ruộng lúa trong khu vực bị giảm năng suất. Tuy nhiên, các ruộng trong mô hình bị sâu bệnh hại không đáng kể, năng suất tăng, bà con tiết kiệm được đáng kể chi phí thuốc bảo vệ thực vật.

Về hiệu quả kinh tế, tổng chi phí đầu tư trong mô hình thấp hơn so với đối chứng  1.468.000 đồng/ha, năng suất cao hơn đối chứng 0,4 tấn/ha. Giá thành sản xuất trong mô hình giảm 460 đồng/kg so với đối chứng. Trong đó, việc giảm giống, bón phân cân đối hợp lý, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động và tăng năng suất đã góp phần quan trọng trong việc hạ giá thành sản phẩm. Lợi nhuận trong mô hình đạt 11.672.000 đồng/ha, cao hơn so với đối chứng (8.548.000 đồng/ha), chênh lệch lợi nhuận 3.124.000 đồng/ha.

Đặc biệt, mô hình đã giúp nâng cao nhận thức của bà con, trong điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, điều kiện canh tác khó khăn, cần phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất: Bón phân cân đối, hợp lý, thay đổi tập quán gieo sạ dày của nông dân sang sạ thưa, quản lý tiết kiệm nước, quản lý dịch hại theo IPM,…

Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau tiếp tục triển khai mô hình vào vụ lúa hè thu tại ấp Tân Thuộc, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau và ấp 9, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình. Mỗi nơi triển khai 2,5ha và 5 hộ dân tham gia, thời gian từ tháng 4 đến tháng 9/2017.

Kết quả thực hiện mô hình tại ấp Tân Thuộc thấy: Lượng giống gieo sạ trong mô hình là 80 kg/ha, ngoài mô hình là 120 kg/ha. Tuy nhiên, năng suất trong mô hình đạt 6,3 tấn/ha, trong khi ruộng ngoài mô hình chỉ đạt năng suất 5,6 tấn/ha (chênh lệch 0,7 tấn/ha). Bà con triển khai mô hình chỉ phun thuốc 2 lần, trong khi ruộng ngoài mô hình phải phun thuốc 4 lần. Lợi nhuận trong mô hình đạt 19.506.000 đồng/ha, ruộng đối chứng là 13.944.000 đồng/ha, chênh lệch lợi nhuận là 5.562.000 đồng/ha.

Tại ấp 9, xã Tân Lộc Bắc, lượng giống gieo sạ trong mô hình là 80 kg/ha, ngoài mô hình 150 kg/ha. Năng suất trong mô hình đạt 7,3 tấn/ha, trong khi ruộng ngoài mô hình chỉ đạt 5,36 tấn/ha, chênh lệch 1,94 tấn/ha. Số lần phun thuốc trong mô hình ít hơn ngoài mô hình 5 lần. Lợi nhuận trong mô hình đạt 24.614.000 đồng/ha, ruộng đối chứng là 13.188.000 đồng/ha (chênh lệch 11.426.000 đồng/ha).

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình mang lại, vụ đông xuân 2017 - 2018, từ nguồn vốn khuyến nông của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau  tiếp tục hỗ trợ nông dân thực hiện “Mô hình canh tác lúa thông minh”, với tổng diện tích 60ha tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh và thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% lúa giống cấp xác nhận và 30% vật tư, phân bón. Hiện nay, các trà lúa đang phát triển khá tốt.

Với mong muốn mô hình được nhân rộng trong thực tiễn sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đề xuất ngành nông nghiệp cần quy hoạch vùng sản xuất lúa trọng điểm và tập trung, đặc biệt là những vùng sản xuất lúa bị nhiễm phèn và tác động của xâm nhập mặn để canh tác lúa được thuận lợi và đạt năng suất cao hơn. Công ty CP Phân bón Bình Điền cũng như một số doanh nghiệp khác xây dựng nhiều mô hình hơn nữa để tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận quy trình canh tác tiên tiến để áp dụng có hiệu quả vào sản xuất.        

 

Sau 2 năm thực hiện, “Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” đã thực hiện được 195 mô hình ở 13 tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL với tổng diện tích 97,5ha. Để đảm bảo tính lan tỏa, qua mỗi mùa vụ chương trình lại chọn lựa nông dân ở các địa phương khác thực hiện, tổng cộng mô hình đã thực hiện tại 48 xã/ thị trấn. Bình quân tại 13 tỉnh, thành, năng suất mô hình vụ hè thu 2016 tăng 7,9% (500 kg/ha), đông xuân 2016-2017 tăng 7,2% (500 kg/ha) và hè thu 2017 tăng 11,7% (700 kg/ha).

Qua 3 mùa thực hiện, năng suất các mô hình luôn cao hơn đối chứng. Lợi nhuận nhờ thế cũng tăng lên theo từng vụ, nếu như hè thu 2016 là khoảng 3,5 triệu đồng/ha thì 2 vụ sau lợi nhuận tăng lên đến 5,9 triệu đồng/ha.


 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Theo đó, tại Kế hoạch số 145 ngày 17/4/2024 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

Top