Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 5 năm 2016 | 10:34

Cao Bằng phấn đấu 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020

Đến nay, Cao Bằng đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới và các địa phương trong tỉnh cũng đã gặt hái được nhiều thành công đáng ghi nhận.

Ông Nguyễn Sinh Cung, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, kiêm Chánh văn phòng điều phối XDNTM tỉnh.

Cao Bằng là tỉnh vùng cao, nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, nơi đây có đường biên giới với Trung Quốc khá dài, qua nhiều huyện (9 huyện biên giới); toàn tỉnh có tới 95% dân tộc thiểu số, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Sau 5 năm thực hiện Chương trình XDNTM, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; diện mạo nông thôn có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang. Năm 2015, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp đạt trên 35 triệu đồng/ha, tăng 15 triệu đồng/ha so với năm 2010.

Về việc thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về XDNTM, tới nay, toàn tỉnh đã có 2 xã cán đích NTM là Minh Tâm (huyện Nguyên Bình) và Trường Hà (huyện Hà Quảng); có 3 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 14 xã đạt 10 - 14 tiêu chí và nhiều xã khác cũng đã đạt được mục tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Sinh Cung, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, kiêm Chánh văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh, chia sẻ: Khi bước vào triển khai chương trình, Cao Bằng gặp khá nhiều khó khăn, kinh tế kém phát triển, địa hình phức tạp, đất dốc nhiều, giao thông đi lại không thuận tiện,... nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chúng tôi đã xác định được cách làm phù hợp với điều kiện của mình. Theo đó, chúng tôi luôn chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tập huấn với nhiều nội dung, bằng nhiều hình thức, tới tất cả các tổ chức, đoàn thể,... Nhờ việc tuyên truyền sâu rộng tới cộng đồng dân cư nên bà con các dân tộc đã nhanh chóng hiểu được thế nào là NTM, hiểu được những nhiệm vụ phải làm, trách nhiệm phải thực hiện, từ đó nhiệt tình tham gia; nhiều hộ tự nguyện hiến đất, hăng hái góp vật liệu, tiền và ngày công lao động để xây dựng đường làng, ngõ xóm, các công trình công cộng, phúc lợi trên địa bàn.

Bên cạnh việc chú trọng tuyên truyền, chúng tôi phải tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương, sự giúp đỡ của các tỉnh bạn, của các bộ ngành để tạo thêm nguồn cho việc xây dựng các công trình; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát động các phong trào chung tay XDNTM nhằm thu hút sự tham gia đóng góp của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bằng việc lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, đẩy mạnh tập trung đầu tư vào các xã điểm, nhiệm vụ XDNTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được yêu cầu đề ra. Trong quá trình thực hiện, nhất là việc thi công các công trình dưới các thôn bản, chúng tôi luôn coi trọng và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch.

Việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, gắn liền với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững cũng được chúng tôi chú trọng triển khai. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tích cực vận động bà con, không ngừng nâng cao nhận thức cho nhân dân và đẩy mạnh thêm sự quan tâm của toàn xã hội, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 20 xã đạt chuẩn NTM; nâng mức độ đạt bình quân lên 12 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đạt 26 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 15%,...

Về với Cao Bằng hôm nay, nhìn những con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ uốn lượn quanh triền núi, vững chắc vượt qua các con suối, ai nấy đều vui mừng với những đổi thay của khu vực nông thôn nơi đây. Đà đã có, thế đang dâng, kết hợp với bản lĩnh của một tỉnh đã trải qua biết bao sự tàn phá của chiến tranh biên giới, một tỉnh có xuất phát điểm rất thấp mà vẫn tự tin, vững bước vươn lên; tin rằng Cao Bằng sẽ thành công và còn thay đổi nhiều trong thời gian tới.

                                                                                                                                                                                                    Đình Hợi - Dương Chức

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top