Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2019 | 12:56

Cấp phép xây dựng trên đất tranh chấp: Cần làm rõ sai phạm!

Khu đất đang tranh chấp lại được UBND phường Bình Trưng Đông (quận 2, TP. Hồ Chí Minh) chấp thuận việc xây dựng, mặc dù trước đó trong các biên bản làm việc giữa hai bên, chính quyền yêu cầu phải giữ nguyên hiện trạng.

Chính quyền “bó tay” với sai phạm?

Theo đó, Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển nhà Lê Vũ (Công ty Lê Vũ) ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng khu nhà ở khu đất có diện tích khoảng 2ha tại ấp Đông phường Bình Trưng Đông (quận 2) với tỷ lệ hợp tác là Công ty Ngôi sao Sài Gòn chiếm 35%, Công ty Lê Vũ chiếm 65%. Đồng thời, Công ty Ngôi sao Sài Gòn đã thay mặt Công ty Lê Vũ đền bù hai thửa đất số 916 và thửa đất số 1000 thuộc tờ bản đồ số 32 tại ấp Đông phường Bình Trưng Đông (quận 2) với tổng diện tích đất trong Giấy chứng nhận của hai thửa trên là 18.227m2, nhưng thực tế diện tích đo đạc được là 19.760m2 và Công ty Ngôi sao Sài Gòn được Công ty Lê Vũ giao đứng ra để ký thoả thuận đền bù với chùa Long Vĩnh.

Tuy nhiên, sau khi nhận hết tiền đền bù, nhà chùa xin mua lại toàn bộ khu đất trên với giá 29 tỷ đồng, nhưng chỉ đặt cọc được 800 triệu đồng thì việc mua bán không thành, chùa Long Vĩnh kiện ra TAND quận 2 đòi lại quyền sử dụng đất. Vụ việc đang được TAND quận 2 thụ lý thì ngày 20/9/2017, có hai xe ủi vào khu đất phát quang, phá tường rào đốn cây và san ủi mặt bằng làm hủy hoại tài sản, phá vỡ nguyên trạng khu đất.

Phần tường rào đã được dựng trên phần đất đang tranh chấp.
Phần tường rào đã được dựng trên phần đất đang tranh chấp.

Trước vấn đề này, Công ty Lê Vũ đã nhiều lần gửi văn bản đến UBND phường Bình Trưng Đông, UBND quận 2 đề nghị xử lý vi phạm trên. Ngày 2/10/2017, UBND phường Bình Trưng Đông có Văn bản số 480/UBND gửi Công ty Lê Vũ với nội dung “riêng về nội dung xây dựng, UBND phường Bình Trưng Đông sẽ kiểm tra xử lý triệt để các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật”. Không dừng lại, ngày 15/10/2017, Chùa Long Vĩnh một lần nữa thuê bảo vệ vào chiếm đất, xây tường rào, lập trạm canh giữ, gắn camera an ninh bất chấp pháp luật. Công ty đã báo cáo với công an, UBND phường Bình Trưng Đông nhiều lần về hành vi này nhưng không được xử lý.

Tiếp đến Ngày 1/11/2017, UBND phường Bình Trưng Đông ra Thông báo số 215/TB-UBND nội dung: “Về việc xác định chủ đầu tư lắp dựng hàng rào tại vị trí thửa đất số 1000, tờ bản đồ số 3 (tài liệu 299TTg), phường Bình Trưng Đông, quận 2” để xác định chủ đầu tư, xử lý vi phạm. Nghịch lý, đã xác định chủ đầu tư là Chùa Long Vĩnh nhưng UBND phường Bình Trưng Đông không xử lý, cưỡng chế theo quy định pháp luật vẫn cho tồn tại.

Cấp phép xây dựng trên đất tranh chấp

Trong biên bản làm việc giữa UBND phường Bình Trưng Đông với các bên liên quan trước đây, ông Huỳnh Công Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Đông xác định: Hiện thửa đất trên đang được tòa án xem xét giải quyết đơn tranh chấp, đến nay chưa có quyết định cuối cùng. Do đó, UBND phường yêu cầu các bên liên quan giữ nguyên hiện trạng chờ kết quả giải quyết của tòa án. Nếu bên nào cố tình thay đổi hiện trạng đất làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tranh chấp, UBND phường sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Liên quan đến việc xây dựng trên phần đất tranh chấp, theo ông Nghĩa, “về việc lắp dựng tường rào, Chùa Long Vĩnh đã nộp hồ sơ đề nghị cấp phép tại UBND phường. Nếu không đủ điều kiện được cấp phép xây dựng, yêu cầu nhà chùa tháo dỡ, trả nguyên hiện trạng cũ”.

Tuy nhiên, khi cơ quan báo chí đặt câu hỏi dựa vào cơ sở nào để phường cấp phép cho nhà chùa xây dựng tường rào trên thửa đất nông nghiệp mà nhà chùa đã bị bác đơn khởi kiện đòi quyền sử dụng đất, ông Nghĩa đưa ra lý do rằng: “Bên phía nhà chùa có một số sư cô đang ở và sinh hoạt tại đây, nên để đảm bảo an toàn, an ninh cho các sư cô, phường đã đồng ý cấp phép cho nhà chùa dựng tường rào, gắn camera an ninh”… Thực tế, việc xây dựng này được làm trên phần đất không còn thuộc quyền quản lý sử dụng của nhà chùa nên đây là lý do rất thiếu thuyết phục.

Càng bất nhất hơn khi ông Nghĩa khẳng định: “Nếu bên nào cố tình thay đổi hiện trạng đất làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tranh chấp, UBND phường sẽ xử lý theo quy định pháp luật”. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi tại sao UBND phường không tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ phần rào chắn, công trình được xây dựng trên đất nông nghiệp ngay trong lúc 2 bên đang còn tranh chấp và cả sau khi tòa đã bác quyền khởi kiện của chùa Long Vĩnh?

Sau nhiều lần phường cố tình bao che cho sai phạm của nhà chùa trong việc xây dựng trên đất nông nghiệp thuộc quyền sử dụng của người khác như vậy, dư luận buộc phải nghi ngờ động cơ không trong sáng của một số cán bộ phường trong xử lý vụ việc này.

Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
Top