Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 7 năm 2018 | 13:24

Chất lượng nguồn nhân lực: Rào cản lớn trong phát triển kinh tế

Năng suất và chất lượng lao động Việt Nam hiện khá thấp, thiếu nhiều lao động ở phân khúc trình độ cao.

lao-dong-trinh-do-cao.jpg
Nguồn nhân lực dồi dào nhưng Việt Nam vẫn thiếu lao động ở phân khúc trình độ cao.

Do vậy, lao động Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong cuộc cách mạng 4.0. Chất lượng nguồn nhân lực chính là rào cản lớn nhất để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.

Nguồn nhân lực dồi dào

Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý II/2018 ước tính  55,1 triệu người, tăng 21,3 nghìn người so với quý trước, tăng 596,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2017. Lực lượng lao động ở khu vực nông thôn chiếm tỷ trọng cao, chiếm 67,8% lực lượng lao động chung của cả nước.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý II/2018 là 48,5 triệu người, tăng 47,7 nghìn người so với quý trước, tăng 556,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 16,2 triệu người, chiếm 33,5%; lực lượng lao động nữ là 22,0 triệu người, chiếm 45,5,%.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức, phi nông nghiệp trong quý II/2018 ước chiếm 56,5%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước, giảm 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 48,3% và ở khu vực nông thôn là 63,2%.

Những thống kê trên chỉ ra một thực trạng, nguồn lao động dồi dào, giá rẻ là lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, trong lợi thế so sánh với các nước tương quan, gần đây, lao động giá rẻ không còn là điểm mạnh của Việt Nam. Đặc biệt, khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ) thì lao động trình độ cao mới có cơ hội có việc làm và số còn lại đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), nhận định, Việt Nam đang thiếu hụt về nhân lực có trình độ quản lý, khoa học công nghệ, kỹ thuật cao… Năm 2017, lao động trong nông nghiệp, lao động phi chính thức vẫn chiếm khoảng 60%.

Chất lượng lao động Việt Nam đang ở đâu?

Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Đào Quang Vinh cho rằng, năng suất và chất lượng lao động Việt Nam hiện nay khá thấp, vẫn thiếu nhiều lao động ở phân khúc trình độ cao.

Ông Vinh nhận định: Tình hình kinh tế năm 2018 tiếp tục thuận lợi, hứa hẹn sẽ có nhiều khởi sắc, dự báo tăng trưởng kinh tế từ 6,5-6,7%. Khả năng duy trì và tạo việc làm sẽ tốt. Trong năm tới, chỉ có các ngành như khai khoáng, lâm nghiệp có số việc làm giảm, nhìn chung những ngành khác số việc làm tăng nhẹ.

Lao động hiện nay của chúng ta mới chỉ tập trung vào các phân khúc lao động phổ thông, lao động bậc thấp và bậc trung. Do đó, ở từng nhóm ngành cụ thể, vẫn thiếu hụt lao động chất lượng cao, bản thân các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh gay gắt để thu hút lao động. Đơn cử như những ngành liên quan đến công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ xanh, công nghệ tái tạo vẫn đang “khát” nhân lực ở phân khúc cao. Theo như dự báo, trong 5 năm tới nước ta sẽ thiếu hụt lượng lớn lao động về công nghệ thông tin, chuyên viên cấp cao khi nguồn nhân lực trong nước mới chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu thị trường.

Hiện, nhu cầu về nhân lực vẫn rất lớn, song khả năng đáp ứng được những yêu cầu đặt ra của doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Xét về năng suất lao động, Việt Nam chỉ ngang ngửa với Lào, Campuchia, nhưng vẫn kém xa Thái Lan…

“Nói lao động Việt Nam hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường cũng không sai. Bởi quả thực số đông lao động đã đáp ứng được. Sở dĩ nói như vậy vì, đa số các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài hiện nay đang sử dụng các công nghệ chưa phải là cao. Các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cũng mới chỉ đưa công nghệ về lắp ráp, các công đoạn sử dụng lao động trình độ thấp. 

Nhưng chúng ta đang hy vọng lao động sẽ chuyển sang những phân khúc cao hơn, để có mức lương tốt hơn. Cái đó chúng ta vẫn rất khó khăn, hiện chỉ có hơn 23-25 % lao động có bằng cấp, còn lại hơn 75% là lao động chưa có bằng cấp chứng chỉ, lao động có trình độ thấp,” ông Vinh cho biết. 

Theo ông Vinh, nhìn chung về mặt kỹ thuật, các lao động đã qua đào tạo của ta có thể đáp ứng được. Song các kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ… của lao động Việt Nam vẫn còn khá yếu. Lao động của ta nhiều khi vẫn được đánh giá là nhanh, sáng tạo, nhưng lại không tuân thủ, hay phá vỡ những yêu cầu, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, có những kỹ năng quan trọng như về toán học, kỹ thuật, công nghệ và nghiên cứu, nhưng những cái đó, các cơ sở giáo dục vẫn chưa thể cập nhật, trang bị đầy đủ cho người học để sẵn sàng khi tham gia vào thị trường lao động.

Khoảng cách lớn giữa đào tạo nghề và thị trường lao động

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, 69% số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang vấp phải khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ kỹ thuật có tay nghề để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Báo cáo cũng nêu, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chưa có nhiều đột phá. Doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng đào tạo và hiệu quả của lao động Việt Nam năm 2017 chỉ đạt 3,8 điểm. Vì vậy, doanh nghiệp phải chi nhiều tiền hơn cho hoạt động đào tạo khi tuyển dụng nhân sự mới, mức độ chi tăng qua các năm.

Thực tế cho thấy, lao động của Việt Nam vẫn hạn chế trong việc sở hữu các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng công nghệ thông tin và khả năng sáng tạo. Nhiều lao động dù đã qua đào tạo, nhưng khi làm việc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khiến người sử dụng lao động mất thời gian đào tạo lại.

PGS, TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp (Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội), cho rằng, nếu bộ máy quản trị không làm tốt sẽ không khơi dậy được động lực, sự sáng tạo của nguồn nhân lực. Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam rất ngại bộc lộ mình cho nên rất khó để tìm giải pháp thay đổi về chất lượng nhân lực. Trong khi đó, doanh nghiệp cần thường xuyên tiếp cận cách đánh giá, kiểm tra năng lực của mình theo thước đo quốc tế. Khi đó, doanh nghiệp sẽ tìm ra được giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, với nhịp độ tăng trưởng cao như hiện nay thì Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới. Nhưng vấn đề mấu chốt là chất lượng nguồn nhân lực chất lượng thì chúng ta lại đang thiếu.

Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Khoa học lao động xã hội, hiện năng suất lao động ở Việt Nam và trình độ quản trị doanh nghiệp rất thấp và hiện 2/3 người lao động đang thiếu hụt kỹ năng về lao động và kỹ thuật; 55% số doanh nghiệp cho rằng rất khó tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cao. Trong khi trên 60% số doanh nghiệp FDI đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhưng nếu không nâng cao chất lượng nguồn lao động thì rất khó có thể thu hút đầu tư.

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho rằng, muốn thu hút thì chúng ta phải điều chỉnh từ chính sách đầu tư, chính sách lao động… Theo kinh nghiệm trước khi tham gia WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), chúng ta phải chuẩn bị các điều khoản, quy định đối với các doanh nghiệp, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu.

Số liệu khảo sát của gần 40 sở Lao động - Thương binh và Xã hội và hơn 20 ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất cho thấy, xu hướng các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài gia tăng, trong đó gần 50% số lao động phổ thông và chỉ gần 45% có trình độ đại học trở lên. Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần có giải pháp tăng cường năng lực kỹ thuật cho lao động Việt Nam và xây dựng chiến lược đào tạo nhân sự nội bộ để phát huy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI.

Cần liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề

Bà Nguyễn Thị Nhàn, đại diện Công ty TNHH Phát triển Hương Việt chia sẻ, việc tổ chức các chương trình đào tạo nhân sự nội bộ chính là cách gỡ “nút thắt” và tạo nội lực mạnh mẽ để doanh nghiệp phát triển bền vững. Xu hướng đào tạo trong doanh nghiệp đang chuyển dịch dần từ đào tạo truyền thống sang đào tạo trực tuyến bởi rút ngắn khoảng cách địa lý, rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm chi phí tổ chức các lớp học... Việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) vào hoạt động đào tạo trực tuyến được xem là một trong những giải pháp hiệu quả.

Tuy nhiên, việc ứng dụng đào tạo trực tuyến vẫn chỉ là cuộc chơi của các tập đoàn lớn, bởi đầu tư xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến tốn kém và thường xuyên, như phần mềm quản lý đào tạo, hạ tầng máy móc thiết bị, sản xuất nội dung, duy trì đội ngũ vận hành. Để ứng dụng công nghệ vào đào tạo nhân lực thành công còn phụ thuộc sự sẵn sàng đổi mới, thái độ quyết tâm của các doanh nghiệp để chủ động cải thiện, thay vì trông chờ một cách bị động.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của hội nhập, bà Lê Kim Dung đề xuất,  quá trình đào tạo nghề cần có sự liên kết với doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng như những tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn nguồn nhân lực mà doanh nghiệp hướng tới…

 

 

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top