Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 12 năm 2018 | 10:21

Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế

“Năm 2016, chúng ta trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ thì hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, nông nghiệp nước ta đã xuất khẩu hơn 40 tỷ USD”.

ttg.jpg

Thủ tướng vui mừng phát biểu như vậy về thành tự kinh tế - xã hội trong năm 2018 tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra sáng nay (28/12). Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, con đường chúng ta chọn là đúng, tư duy của chúng ta không lỗi nhịp. “Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ mọi thành quả và khó khăn của năm 2018 sẽ tác động quan trọng tới tinh thần và quyết tâm của năm 2019, năm chúng ta bắt đầu tiệm cận giai đoạn chuẩn bị tích cực cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Với ý nghĩa đó, năm 2019 càng trở nên quan trọng về mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội.

Theo Thủ tướng, mỗi một thành quả đạt được của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ tới nay là kết quả của sự lãnh đạo sâu sắc, quyết liệt của Ban chấp hành Trung ương, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự đồng thuận của Quốc hội, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị cùng với nhiều nỗ lực vượt bậc của các tỉnh, thành trong cả nước. Tất cả điều đó đã tiếp thêm sức mạnh lớn lao cho Chính phủ kể từ ngày đầu nhận trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. “Tôi muốn nhấn mạnh điều này bởi lẽ có những hoàn cảnh và thời điểm, chúng ta đã thực sự đứng trước những khó khăn rất lớn, không nằm trong mọi kịch bản hay dự đoán”, Thủ tướng nói. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua một hành trình gian truân nhưng vô cùng có ý nghĩa. Nếu năm 2016, chúng ta trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ thì hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, nông nghiệp nước ta đã xuất khẩu hơn 40 tỷ USD.

Kể từ năm 2008 đến nay, lần đầu trong 10 năm, nền kinh tế chúng ta đã không chỉ đạt mà còn vượt mức tăng trưởng 0,38 điểm phần trăm, từ 6,7% đã lên mức 7,08% trong năm 2018. Nếu năm 2017, chúng ta xuất siêu đạt mức kỷ lục 2,1 tỷ USD thì năm 2018, chúng ta dự kiến đạt mức xuất siêu kỷ lục, lên đến trên 7 tỷ USD, gấp hơn 3 lần kỷ lục mà chúng ta đã xác lập được.

Đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước đạt 17%, cao hơn khu vực FDI 14%. Điều càng có ý nghĩa trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung thì Việt Nam chúng ta có 2 năm “vàng son” liên tiếp về kỷ lục xuất khẩu. Trong khi Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á thì chất lượng tăng trưởng của chúng ta lại có sự cải thiện rõ nét, thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Và đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục trong 10 năm nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so với 17-18% của các năm trước, công nghiệp khai khoáng giảm gần 4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên trên 12%.

“Rõ ràng chúng ta đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị”, Thủ tướng khẳng định. Và điều rất đáng mừng là Nghị quyết của Trung ương về kinh tế tư nhân đang thực sự đi vào cuộc sống. Chưa có thời điểm nào trước đây chúng ta được chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm vươn ra biển lớn của khu vực kinh tế tư nhân như 2 năm vừa qua.

Đó là chưa kể tới con số trên 130.000 doanh nghiệp mới thành lập và trên 34.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại trong năm 2018. Trước đây, chúng ta lo lắng, sợ sập đổ tài khóa quốc gia thì lần đầu tiên, đến hôm qua, chúng ta đã có vượt thu ngân sách so với dự toán khoảng 3,5 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục. Nợ xấu giảm rất sâu. Những nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội, chính sách người có công và giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường đều thực hiện tốt. Nhiều kết quả tích cực về văn hóa, xã hội, đặc biệt là những thành tích thể thao rất ấn tượng và nhiều cuộc thi quốc tế, đoàn Việt Nam luôn đạt giải cao, nhiều tiến bộ trong lĩnh vực y tế… Đặc biệt, nhiều vụ án tham nhũng lớn được thanh tra, điều tra nghiêm túc, đưa ra xét xử nghiêm minh.

“Điều mà tôi muốn nhấn mạnh chính là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm của tất cả chúng ta trong việc giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, từ công cuộc chống tham nhũng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, miền núi, dân tộc… chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này”, Thủ tướng bày tỏ.

 

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần Hội nghị hôm nay sẽ không chỉ là sự tổng kết tình hình kinh tế - xã hội 2018 nhằm đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019 mà chúng ta cần soi chiếu lại tất cả hành trình từ đầu nhiệm kỳ đến nay bởi lẽ những thành quả đạt được của năm 2018 chính là kết quả của những chính sách, những hành động đã được thực hiện ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, kế thừa cả những thành quả đã đạt được trước đó và tương tự những gì chưa đạt được cũng sẽ là sự phản ánh những tồn tại và yếu kém của  toàn bộ quá trình đòi hỏi tất cả chúng ta phải xem xét một cách khách quan, tổng thể và có tính hệ thống.

Thủ tướng gợi ý một số nội dung chính để Hội nghị thảo luận như cần tìm giải pháp mạnh mẽ khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Khắc phục nhanh những chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong xây dựng cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện. “Chúng ta không thể đổ lỗi cho cơ chế, chính sách vì thể chế pháp luật đều do cán bộ, công chức làm ra, do sự hạn chế về tư duy, tầm nhìn, do cách chúng ta thực hiện và quản lý”. Những rào cản làm kinh tế tư nhân không bứt phá được, đặc biệt là kinh tế hộ khó chuyển đổi thành doanh nghiệp, những nút thắt của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và đầu tư vào nông nghiệp. Đào tạo lao động cho năm 2019 và giai đoạn tới trong kỷ nguyên số, tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai những dự án đầu tư công cả ở Trung ương và địa phương và chúng ta cũng lưu ý đến công tác phòng chống thiên tai trong bối cảnh thế giới hiện nay.

Cần phải tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí đi liền với hoàn thiện thể chế pháp luật, có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Phát hiện và sửa ngay những quy định, sơ hở, mâu thuẫn dễ tiêu cực, quan liêu, xa dân.

Thủ tướng đề nghị Hội nghị thảo luận để đi đến thống nhất đề ra triển khai 1 chương trình toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với phương châm 12 chữ của Chính phủ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.

Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta sẽ không đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng mà phải đạt được cả 2, nghĩa là phát triển nhanh và bền vững. Chính phủ luôn kiên trì nguyên tắc “3 trong 1” hay nói cách khác, 3 trụ cột bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Trong khi tiếp tục phát huy tốt nhất những động lực tăng trưởng đã có, chúng ta phải tích cực tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, ví dụ động lực tăng trưởng đến từ tiến trình đô thị hóa, từ ứng dụng công nghệ mới và từ các loại  hình du lịch đa dạng, như du lịch biển và các vùng di sản, du lịch miền núi, du lịch sông nước ĐBSCL.

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ dựa nhiều hơn vào năng suất lao động và thúc đẩy một nền kinh tế số. Chúng ta không chỉ cải thiện các hạ tầng cứng mà sẽ đồng thời phát huy các yếu tố hạ tầng của thế kỷ 21, gắn với mô hình phát triển dựa trên dữ liệu và sức mạnh sáng tạo. Chúng ta thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0 vì dư địa tăng năng suất lao động ở đây là rất lớn. Chúng ta không chỉ phát huy các tài nguyên sẵn có mà quan trọng hơn là tinh thần cảm ứng và khả năng tư duy đóng góp của trên 100 triệu người Việt Nam cả trong và ngoài nước.

Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo 3 nhóm vấn đề năm 2019

Trong năm 2019, Thủ tướng cho biết, ông sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại một số vấn đề. Đó là các tư duy và hình thành chính sách phát triển do Chính phủ đề xuất. Những yếu kém cố hữu của nền kinh tế khó sửa, cách thức khắc phục những dự án thua lỗ kéo dài, trong đó, phải chỉ ra cho được những giá trị kế thừa và những bài học kinh nghiệm lớn cần tiếp tục được nhận thức và chỉnh đốn một cách nghiêm túc.

Thứ hai, những khía cạnh quản trị của Chính phủ, những mục tiêu như Chính phủ điện tử, Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính… khó đi vào  thực tiễn nếu chúng ta không cải cách những nguyên tắc và mô hình quản trị không còn phù hợp với thực tiễn.

Thứ ba, đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển. Ví dụ, riêng ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam năm nay có thể đem lại cho chúng ta kim ngạch tới gần 10 tỉ USD. Đây là lĩnh vực chúng ta nằm trong top 5 các quốc gia xuất khẩu đồ nội thất toàn cầu…

“Mặc dù những con số về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 là đáng khích lệ, song không có bất kỳ con số nào còn thể đo lường và phản ánh đầy đủ mọi cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị trong mục tiêu đưa Việt Nam tiến nhanh trên con đường mang tên độc lập, tự cường và thịnh vượng”, Thủ tướng nêu rõ. “Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không những 2017, 2018 và cả những năm tới đây bởi hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức phía trước và hơn thế nữa nội hàm giá trị cốt lõi và định hướng xuyên suốt của chúng ta trong mọi hành trình, chặng đường phát triển là không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau, từ thành thị tới nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, biên giới, hải đảo”.

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top