Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 30 tháng 12 năm 2018 | 9:52

Chính quyền Lâm Hà (Lâm Đồng) chỉ đạo làm lại không đúng hồ sơ?

Tại Báo cáo số 47/BC-UBND ngày 9/8/2012 của UBND thị trấn Nam Ban xác nhận, cửa hàng ăn uống số 1 là tài sản của Công ty Thương nghiệp huyện Lâm Hà bán nhà trên đất cho ông Nguyễn Đức Vinh là đúng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh An, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà,  lại chỉ đạo cấp dưới lập lại?
 
Đất đang tranh chấp không phải là đất công!
 
Ngày 20/12, Báo Kinh tế nông thôn có bài "Lâm Hà (Lâm Đồng): Chính quyền hỗ trợ hay hủy hoại tài sản của dân?", phản ánh việc chính quyền huyện Lâm Hà hủy hoại tài sản của gia đình ông Nguyễn Đức Vinh ở tổ dân phố Ba Đình 2, thị trấn Nam Ban chứ không phải hỗ trợ tháo dỡ.

Theo ông Vinh, năm 1989, ông có nhờ ông Vũ Hoa Khôi mua lại một ngôi nhà là cửa hàng ăn uống của Công ty Thương nghiệp Lâm Hà.
 
Sau khi mua lại được cửa hàng, gia đình ông Vinh thành lập một cơ sở chế biến đồ gỗ mang tên Vinh Quang; đào ao thả cá và ươm giống tằm tơ để phát triển kinh tế. 
20181230_094234.jpg
Ông Nguyễn Đức Vinh khẳng định đất của ông có chủ
 
Năm 1992, do bị bệnh nên ông Vinh phải ra Hà Nội điều trị. Trong thời gian đi chữa bệnh,  ông cho vợ chồng bà Trần Văn Quý và Vũ Thị Hoa mượn nhà và đất để làm nơi chứa củi. Nhưng khi ông quay lại đòi thì gia đình bà Hoa không trả cho ông ngôi nhà và đất trước kia. Thửa đất này hiện nay có số thửa là 231 và 232.
 
Ông Vinh đã làm đơn gửi chính quyền các cấp đề nghị giải quyết, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
 
Trong Đơn đề nghị của mình, ông Vũ Hoa Khôi, nguyên là cán bộ của Công ty Thương nghiệp Lâm Hà cho biết: Ngôi nhà trước đây là của hàng ăn uống số 1 đã được công ty thanh lý cho gia đình  sau khi  tôi nghỉ chế độ, nhưng do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên tôi đã mua hộ ông Nguyễn Đức Vinh ngôi nhà này.
 
Ông Nguyễn Đình Thủy, ở Quang Trung 1, trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn: Tôi làm với ông Vinh từ năm 1987 tại tổ hợp sản xuất chế biến đồ gỗ Vinh Quang. Năm 1989, ông Vinh có nhờ ông Vũ Hoa Khôi mua lại của hàng ăn uống của Công ty Thương nghiệp Lâm Hà, sau khi mua lại ông Vinh đã chuyển tổ hợp sản xuất chế biến gỗ Vinh Quang về đây. Khi về đây, ông Vinh có đào ao thả cá và nuôi tằm ươm tơ.
20181220_152526.jpg
Ông Nguyễn Đình Thủy ở Quang Trung 1.
 
Việc cho gia đình bà Vũ Thị Hoa mượn nhà trong thời gian ông Vinh ra Hà Nội chữa bệnh như thế nào thì tôi không biết, nhưng tôi khẳng định việc ông Vinh có nhờ ông Vũ Hoa Khôi mua lại cửa hàng ăn uống này của Công ty Thương nghiệp Lâm Hà là chính xác.
 
Tại Báo cáo số 47/BC-UBND ngày 9/8/2012 của UBND thị trấn Nam Ban xác nhận liên quan đến việc tranh chấp đất đai chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông Thái Văn Mai, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban gửi UBND huyện Lâm Hà ghi rõ:
 
Sau khi nghe các bên trình bày, UBND thị trấn kết luận:
 
1 "Cửa hàng thanh niên làm theo lời Bác" là tài sản của Công ty Thương nghiệp huyện Lâm Hà bán nhà trên đất cho ông Vũ Hoa Khôi là đúng. Ông Khôi đã bán cho các hộ khác hiện nay đang sử dụng ổn định.
 
2. "Cửa hàng ăn uống số 1" là tài sản của Công ty Thương nghiệp huyện Lâm Hà bán nhà trên đất cho ông Nguyễn Đức Vinh là đúng. Hiện nay nằm trên thửa đất số 231, 232. Ông bà Trần Văn Quý, Vũ Thị Hoa đang sử dụng diện tích đất nhưng chưa có giấy tờ hợp pháp, chưa được cấp giấy chứng nhận QSD đất.
 
3. Ông Quý không có các giấy tờ chứng minh việc mua đất của ông Vũ Hoa Khôi.
 
Như vậy, có thể khẳng định, việc mua bán nhà trên đất của ông Nguyễn Đức Vinh hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật tại thời điểm đó. Công ty Thương nghiệp Lâm Hà cũng đã có Biên bản bàn giao nhà cho ông Vũ Hoa Khôi và ông Khôi cũng đã khẳng định trong Đơn đề nghị của mình là mua hộ nhà cho ông Vinh.
 
Ông Nguyễn Đình Thủy bức xúc cho biết thêm, thời điểm đó, Công ty Thương nghiệp Lâm Hà cũng đã bán nhà trên đất cho một số gia đình, hiện nay họ đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng gia đình ông Vinh thì lại không. Hoàn cảnh gia đình ông Vinh khó khăn, là gia đình liệt sỹ, bản thân lại mắc bệnh nên thường xuyên phải ra Hà Nội để điều trị.
 
Như vậy, việc mua bán giữa Công ty Thương nghiệp Lâm Hà và Nguyễn Đức Vinh từ năm 1989 là có thật, mặc dù ông Vinh không phải là người trực tiếp mua và nhận nhà. Do vậy, việc chính quyền huyện Lâm Hà cho rằng, đây là đất công là hoàn toàn không có cơ sở.
 
Huyện chỉ đạo làm lại hồ sơ không đúng?
 
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Khương, cán bộ địa chính thị trấn Nam Ban, cho biết: Năm 2005, khi chính quyền tiến hành đo đạc lại đất để thiết lập bản đồ, thửa đất mà ông Nguyễn Đức Vinh và gia đình bà Vũ Thị Hoa tranh chấp được đánh dấu thửa số 231, 232 và mang tên bà Vũ Thị Hoa.
 
Trao đổi với ông Khương và các cán bộ UBND thị trấn Nam Ban trong buổi làm việc được biết, trước đây việc quản lý đất đai chưa được chặt chẽ như bây giờ, bởi đây là vùng kinh tế mới của Hà Nội.
 
Chỉ đến khi chính quyền tiến hành đo đạc lại đất đai để xây dựng hệ thống quản lý bằng bản đồ, khi đo đạc đến khu vực đất nhà ai đang quản lý thì đánh số thửa và điền tên hộ đó vào. Năm 2005, thửa đất 231, 232 được ghi tên bà Vũ Thị Hoa là như vậy.  
 
Xác nhận với chúng tôi, các cán bộ thị trấn đều khẳng định: việc Công ty Thương nghiệp Lâm Hà có bán nhà cho ông Nguyễn Đức Vinh thông qua ông Vũ Hoa Khôi là đúng.
 
Sau nhiều lần gửi đơn đến chính quyền các cấp, đề nghị được giải quyết dứt điểm việc gia đình bà Hoa chiếm đất nhưng chưa có kết quả, năm 2014, do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, không có nơi ăn chốn ở và thờ phụng liệt sỹ,  ông Vinh đã dựng tạm một ngôi nhà gỗ. Năm 2015, ông được nhà nước hỗ trợ cho vay từ Quỹ xóa đói giảm nghèo, nên dựng một quán bằng sắt lợp tôn để làm nơi sinh sống và kinh doanh.
20181218_142527.jpg
Chính quyền huyện Lâm Hà đã chỉ đạo làm lại hồ sơ?
 
Ngay sau khi ông xây dựng căn nhà bằng sắt lợp mái tôn, chính quyền các cấp huyện Lâm Hà đã kiểm tra, tiến hành lập các biên bản và ban hành các quyết định liên quan đến việc xây dựng nhà của ông. Tuy nhiên, các văn bản này đều chưa đúng trình tự, nội dung, thủ tục theo quy định. Sau đó, UBND huyện Lâm Hà đã ban hành văn bản để thu hồi các quyết định này.
 
Ngày 15/5/2018 UBND huyện Lâm Hà Ban hành Quyết định số 1734/QĐ-HBXPVPHC về việc Hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính, do Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà  Nguyễn Đức Tài ký.
 
Nội dung Quyết định nêu rõ: Hủy các quyết định của UBND huyện Lâm Hà: Quyết định số 1735/QĐXPVPHC ngày 22/5/2017, Quyết định 3894/QĐ-KPHQ ngày 15/11/2017, Quyết định 3895/QĐ-CC ngày 15/11/2017, Quyết định 4269/QĐ-CC ngày 15/12/2017, Quyết định 50/QĐ-UBND ngày 15/8/2017, Quyết định 118/QĐ-UBND với lý do UBND thị trấn Nam Ban lập Biên bản số 07/BB-VPHC đã áp dụng sai điều khoản xử lý, dẫn đến việc UBND huyện Lâm Hà ban hành các quyết định không đúng với các quy định của pháp luật.
 
Trước đó, ông Nguyễn Minh An, Phó chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng lập lại hồ sơ vi phạm với hành vi xây dựng nhà ở trong đô thị không có giấy phép và hành vi lấn chiếm đất công.
 
Ban hành Quyết định xử phạt hành chính số 2403/QĐ-XPVPHC; Quyết định số 3269/QĐ-CCXP cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình xây dựng của gia đình ông Vinh.
 
Không đồng tình với các quyết định trên, ông Vinh đã có đơn gửi các cấp đề nghị giải quyết.
 
Tại buổi làm việc với ông Nguyễn Minh An, Phó chủ tịch UBND huyện Lâm Hà chiều n 18/12/2018, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã đặt câu hỏi: Nguồn gốc thửa đất số 231, 232 do ai quản lý? Ông An cho biết đó là đất công, chính quyền chúng tôi đã xác minh rõ ràng và đã có trả lời bằng văn bản.
 
Nhưng khi phóng viên đặt tiếp câu hỏi: UBND thị trấn Nam Ban đã có báo cáo gửi UBND huyện “Cửa hàng ăn uống số 1” là tài sản của Công ty Thương nghiệp huyện Lâm Hà bán nhà trên đất cho ông Nguyễn Đức Vinh là đúng. Hiện nay nằm trên thửa đất số 231,232. Vậy không lẽ UBND thị trấn Nam Ban báo cáo sai? Câu hỏi này phóng viên không nhận được câu trả lời của ông An.
 
Khi được hỏi các gia đình khác cũng mua nhà tương tự như gia đình ông Vinh từ Công ty Thương nghiệp Lâm Hà tại sao lại được cấp giấy chứng nhận quyền sử đất? Ông An nói ông Vinh chỉ mua nhà chứ không có đất, nếu ông Vinh mua nhà có đất thì chúng tôi cấp giấy chứng nhận ngay.
 
Ông An cũng từ chối trả lời những câu hỏi tiếp theo và đề nghị phóng viên có văn bản nội dung làm việc gửi cho huyện.
 
Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hải Chi, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết: Việc mua bán nhà trên đất của ông Nguyễn Đức Vinh những năm 1989 là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật tại thời điểm đó. Ông Vinh phải được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 
Việc UBND huyện Lâm Hà không công nhận thửa đất số 231, 232 là đất có chủ từ những năm 1989, thậm chí không tôn trọng ý kiến của chính quyền cấp cơ sở khi giải quyết tranh chấp đất đai là không đúng. Hơn nữa, khi đo đạc lại thửa đất này, đã được ghi tên bà Vũ Thị Hoa thì càng không thể nói là đất công được.
 
Qua tìm hiểu, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn được biết, tại thị trấn Nam Ban có nhiều gia đình lấn chiếm đất công xây dựng nhà kiên cố, nhưng chính quyền không tiến hành xử lý. Việc này gây bức xúc cho nhân dân đang sinh sống tại đây.
 
Để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân và việc quản lý nhà nước về đất đai được nghiêm minh, đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng sớm vào cuộc kiểm tra, xem xét và chỉ đạo UBND huyện Lâm Hà giải quyết dứt điểm vụ việc đối với gia đình ông Nguyễn Đức Vinh, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp lấn chiếm đất công nhưng chưa được xử lý.
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top