Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 1 năm 2019 | 15:36

Chính sách tín dụng khơi mạch nguồn phát triển KT-XH Mường Khương

Chính sách hỗ trợ giảm nghèo, hướng tới phát triển sản xuất hàng hóa cần phải có những “động lực” kích thích riêng biệt. Sau 10 năm thực hiện chính sách tín dụng đặc thù tại huyện Mường Khương (Lào Cai) càng thấm thêm ý nghĩa của các chương trình này.

1.jpg
Nông dân xã Bản Lầu sử dụng vốn vay ưu đãi trồng dứa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Nhiều khó khăn

Mường Khương là huyện nghèo với 14 dân tộc sinh sống, trong đó 90% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 37,36%; cận nghèo 18,56%. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, thiên tai thường xuyên xảy ra khiến nhiều gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Trước khó khăn trên, những năm qua, NHCSXH huyện Mường Khương đã đưa nguồn vốn đến từng làng bản, đặc biệt, ưu tiên cho những vùng khó khăn.

Bản Lầu là xã đầu tiên cán đích nông thôn mới của huyện Mường Khương (năm 2015), đến nay vẫn chưa bị tụt lùi tiêu chí nào trong 19 tiêu chí. Nhưng ít ai biết, nơi đây trước kia từng là vùng đất bỏ hoang, lau lách ngút đầu người, không có đường giao thông chứ đừng nói đến điện, trường học, trạm y tế khang trang như bây giờ.

Cấp ủy và chính quyền huyện Mường Khương đưa các hộ dân người Mông ở vùng núi đá Dìn Chin, Pha Long, Tả Gia Khâu “hạ sơn” xuống Bản Lầu lập nghiệp từ năm 1989 - 1990. Tỉnh và huyện hỗ trợ phương tiện di chuyển nhà ở, trợ cấp tiền, gạo và giống cây trồng, phân bón để sản xuất. Nhà nước giao đất, giao rừng cho bà con canh tác, chăm sóc, bảo vệ rừng, “lấy ngắn nuôi dài”, tạo sinh kế bền vững. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn bấp bênh nên bà con thường xuyên bỏ nhà sang Trung Quốc làm thuê.

Rồi con đường xuyên xã và điện lưới quốc gia đến từng nhà mở cánh cửa thông thương, tiếp cận thị trường. Các cấp chính quyền đã vận động bà con cải tạo vườn đổi trồng chuối, dứa cao sản; hỗ trợ giống, vốn, hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa nước hai vụ cho năng suất cao. Những động lực chuyển đổi kinh tế thêm lực đẩy cùng với nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH đã hỗ trợ bà con phát triển sản xuất hiệu quả.

Nhiều mô hình thoát nghèo

Đưa chúng tôi đến thăm đồi dứa của mình tại thôn Na Lốc III, chị Giàng Thị Chu, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, kể: Nếu không tiếp cận được nguồn vốn cho vay 8 triệu đồng từ NHCSXH, thì hôm nay tôi chẳng thể có đồi dứa 5 vạn gốc và 2.000 cây chuối. Giá chuối và dứa vài năm nay bấp bênh, song những năm trước được giá, mỗi năm cho thu 120-140 triệu đồng.

 

2.jpg
Vay vốn chính sách, đồng bào DTTS ở Bản Lầu trồng chuối xuất khẩu, phủ xanh đất trống và xoá nghèo, làm giàu.

 

Năm 2017, gia đình đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, chị cũng đã dựng được căn nhà gỗ mới khang trang, cho ba người con ăn học đến nơi đến chốn. Được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, chị dự kiến trong mùa tới nâng đồi dứa lên 10 vạn gốc.

Với anh Giàng Sình, dứa, chuối là nguồn thu nhập chính của gia đình. Bằng nguồn vốn vay hộ nghèo, anh đầu tư khai hoang trồng ngô, chuối và dứa. Sau 10 năm, gia đình anh đã bước qua ngưỡng hộ nghèo. Vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn năm 2017, anh mở rộng diện tích trồng dứa từ 1 vạn cây lên 6 vạn cây và 2.000 cây chuối. Giờ đây gia đình anh đã làm được nhà từ tiền trồng mía, dứa…

Bà Nông Thị Nghì, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Lầu, cho biết, toàn xã có 1.500 hộ với 6.300 nhân khẩu, tổng dư nợ vốn chính sách trên 28 tỷ đồng, riêng Hội Phụ nữ là 10,6 tỷ đồng với 247 hộ vay, trong đó có 148 hộ nghèo. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp bà con chuyển đổi cây trồng cho năng suất cao thay vì phương thức truyền thống. Hiện, toàn xã có 263ha chè, 800ha chuối, hơn 1.000ha dứa. Nhiều cháu bước vào giảng đường đại học, cao đẳng nghề cũng nhờ nguồn vốn cho vay học sinh - sinh viên của NHCSXH.

Những mầm xanh no ấm ấy không chỉ được vun đắp ở Bản Lầu của Mường Khương. Đâu có đồng bào định canh, định cư, nơi đó có mạch nguồn chảy của dòng vốn tín dụng chính sách. Dù nguồn vốn các chương trình tín dụng dành riêng cho đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn mỏng, chỉ phủ được một phần nhu cầu, song các chương trình tín dụng chính sách với lãi suất thấp và không phải có tài sản thế chấp đã góp phần phủ những khoảng trống nhu cầu còn lại của bà con.

Tại Thanh Bình, nguồn vốn chính sách cho đồng bào DTTS đang trở thành điểm tựa để xã có thể vượt qua một trong những tiêu chí khó nhất về đích nông thôn mới vào cuối năm 2018 là tiêu chí hộ nghèo. Cùng với nguồn vốn tín dụng chính sách có mặt trên địa bàn hơn 15 năm nay, những vùng cây nông nghiệp tập trung theo quy hoạch của xã như chè, lúa, ngô lai hàng hóa, vùng mía đang ngày một lan rộng ra địa bàn xã.

Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng tạo nền tảng cho việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng và cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường. Sản xuất nông nghiệp của xã đã có bước phát triển bền vững, thu nhập và đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Hiện, mức thu nhập bình quân của xã đạt trên 21,5 triệu đồng/người/năm.

Như anh Tráng Quáng Trương, ở thôn Văn Đẹt, khởi đầu với 10 triệu đồng vốn vay chương trình phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015, từ năm 2014, cùng với nguồn vốn tích lũy của gia đình, đã đầu tư nuôi bò sinh sản.

Năm 2016, gia đình thoát nghèo, anh được vay vốn cận nghèo 30 triệu đồng để tiếp tục mở rộng chăn nuôi gia súc, đến nay anh đã gây dựng được đàn bò 5 con và 2 con ngựa, chăn nuôi hơn chục con lợn. Khai khẩn đất trồng ngô, lúa, đến nay, mỗi năm anh thu hoạch được 6 - 7 tấn ngô và 50 bao thóc/vụ, dư dả ăn và chăn nuôi.

Anh chỉ ngôi nhà vách đất đã hở hoác nhiều mảng tường bên cạnh để cho chúng tôi thêm cảm nhận về cuộc sống khốn khó trước kia và nay khi anh vừa chuyển sang ngôi nhà mới vừa hoàn thiện với tổng chi phí 300 triệu đồng. “Nếu không có nguồn vốn lãi suất thấp thì chúng tôi cũng chẳng dám mạnh dạn vay để chăn nuôi dần dần mở rộng sản xuất như ngày hôm nay”, anh kể.

Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo

Với độ phủ tín dụng chiếm hơn 62% số hộ dân trên địa bàn, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH huyện Mường Khương đã góp phần giúp kinh tế - xã hội huyện  phát triển toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh, đúng hướng. Sản xuất nông nghiệp có sự chuyển biến mạnh mẽ, công nghệ cao từng bước được ứng dụng vào sản xuất, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, hình thành vùng hàng hóa gắn với thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng bởi yếu tố vượt trội về chất lượng.

Điển hình như: Vùng sản xuất chè 2.686ha, vùng sản xuất dứa 785ha, vùng sản xuất chuối  1.078ha, vùng sản xuất quýt  400ha, lúa đặc sản Séng Cù, ớt Mường Khương. Chăn nuôi phát triển khá, duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng 5%/năm; tổng đàn gia súc đạt 48.000 con/năm, sản lượng thịt hơi đạt 2.000 tấn/năm.

Sản xuất phát triển có hiệu quả đã góp phấn đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 56% (năm 2008) xuống còn xuống còn 37,36% (cuối năm 2017); tỷ lệ giảm nghèo bình quân năm đạt trên 9%/năm. Thu nhập bình quân/người từ 2,85 triệu đồng (năm 2008) tăng lên 22,7 triệu đồng (năm 2017),  năm 2018 ước đạt 27 triệu đồng/năm.

Chương trình tín dụng chính sách cũng góp phần giúp 97% số dân cư nông thôn toàn huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh. Cùng với hiệu quả các chương trình giảm nghèo, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo trong những năm qua góp phần đưa tổng số tiêu chí nông thôn mới hoàn thành đạt 173/304 lượt tiêu chí, trung bình đạt 10,8 tiêu chí/xã; 03/16 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới. Những kết quả này sẽ góp phần không nhỏ vào việc đưa huyện Mường Khương sớm thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Tuy nhiên, để có thể tăng tốc hơn nữa trong công cuộc giảm nghèo của huyện, việc triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách cho đồng bào DTTS cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa. Nhìn lại trong toàn cảnh tín dụng của huyện với 90% là đồng bào DTTS và 37,67% hộ nghèo, song nguồn vốn tín dụng chính sách dành riêng cho đồng bào còn ít.

Nhiều nhất là chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS nghèo đời sống khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn chỉ phân bổ đến được 395 hộ với dư nợ 5,88 tỷ đồng.

Chẳng phải vì thời hạn của các chương trình cũ đã hết, mà ngay cả Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS miền núi giai đoạn 2017- 2020 tiếp nối đã có hiệu lực được 2 năm nay, song dòng vốn còn ít và trở thành cá biệt trong dòng chảy tín dụng chính sách với 104 hộ được vay vốn có dư nợ 5,2 tỷ đồng.

Vì vậy, chưa kích thích và hỗ trợ được các hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn mạnh dạn phát triển sản xuất. Đây là bài toán cần sớm được giải để tạo cơ hội cho đồng bào DTTS không chỉ có “chiếc cần câu” mà còn phải đủ lực để câu những “con cá lớn” có giá trị hàng hóa.

 

 

 

Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Top