Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 8 năm 2018 | 13:42

Chống úng ngập ở các KĐT mới của Hà Nội: Đâu là giải pháp?

Nhiều tuyến đường Hà Nội bị ngập nặng, ùn tắc giao thông nghiêm trọng sau những cơn mưa lớn. Mặc dù, các khu đô thị mới được đầu tư hạ tầng đầy đủ, thậm chí từng được quảng cáo chuẩn châu Âu, nhưng cứ mưa là… ngập.

tr10.jpg
Khu vực xung quanh tòa nhà Keangnam (quận Cầu Giấy) thường xuyên ngập sâu sau mưa lớn. Ảnh: Quang Quyết -TTXVN.

 

Ngán ngẩm, mưa là ngập

Ngập úng cục bộ sau những trận mưa là một vấn đề nhức nhối nhất đối với người dân Thủ đô mỗi khi được nhắc tới. Trong khi, những tuyến phố cũ quá tải hạ tầng ngập lụt đã đành, nhưng ngay cả khu đô thị mới trên những tuyến đường hiện đại cũng ngập lụt thì quả là... ngán ngẩm.

Mưa lớn làm nhiều khu đô thị mới tại Hà Nội ngập trong nước. Cuộc sống người dân bị đảo lộn. Điển hình như, dự án đường vành đai 3 từ khi được mở, các khu đô thị mọc lên như nấm hai bên đường.

Trong khi hệ thống thoát nước chưa được xây dựng hoàn chỉnh nên cứ mỗi khi có mưa lớn là đường Nguyễn Xiển - Nghiêm Xuân Yêm lại ngập sâu. Bên cạnh đó là vấn đề phát triển hạ tầng, do các khu đô thị ở đây “mọc” lên “như nấm”, dọc hai bên là những dự án khu đô thị như Housinco Grand Tower, khu đô thị The Mannor Central Park, khu liền kề Athena Fulland Đại Kim (Nguyễn Xiển)… với những quảng cáo hấp dẫn từ các chủ đầu tư: là đô thị cao cấp, thiết kế hiện đại, vị trí đắc địa, thuận tiện đi lại. Thế nhưng, thực tế là khi có mưa, một cảnh tượng hàng loạt xe máy, ô tô chết máy, giao thông tê liệt nhiều giờ đồng hồ trên trục đường Nguyễn Xiển đã cho thấy điều ngược lại với những nội dung môi giới, quảng cáo, mời chào!?

Tòa T1, T2 Thăng Long Victory (Khu đô thị An Khánh, Hoài Đức) được giới thiệu là kết nối thuận tiện với trung tâm thành phố bởi những tuyến đường thông thoáng của Đại lộ Thăng Long, Lê Trọng Tấn... Nhờ ưu thế huyết mạch kết nối giao thông Thủ đô nên các dự án bất động sản dọc các tuyến đường này rất đắt giá và “bán chạy”. Tuy nhiên, có lẽ các cư dân không thể ngờ là mình đã mua nhà tại rốn ngập của Hà Nội.

Có thể thấy, dù được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng tuyến vành đai 3 Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn (Hà Đông), Tố Hữu, đại lộ Thăng Long... nhưng nay đều trở thành “điểm đen” ngập lụt.

Quy hoạch chắp nối

Cảnh tượng sinh sống tại các khu đô thị mới, hiện đại bị cô lập trong biển nước, buộc phải di chuyển bằng… thuyền, xuồng đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Mật độ xây dựng nhà tại các khu chung cư, đô thị mới quá cao.

2.jpg

Nhiều dự án chỉ chú trọng xây xong nhà để bán, các hạng mục hạ tầng khác, trong đó có thoát nước, hầu như không được quan tâm... là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Giải thích việc hàng loạt các khu đô thị mới vừa đưa vào sử dụng nhưng đã bị ngập lụt, các chuyên gia xây dựng cho rằng, các chủ đầu tư đã chỉ quan tâm xây dựng nhà ở dự án để bán mà lơ là việc xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong các yếu tố hạ tầng thiết yếu của một dự án nhà ở thì cấp thoát nước quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, quy hoạch xây dựng manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể đã dẫn tới hậu quả cho việc tiêu thoát nước.

Cụ thể, hầu hết các khu chung cư, khu đô thị mới đều nằm ở phía Tây, Tây Nam của Hà Nội, trước đây khu vực này là các hồ ao, ruộng lúa, không có cốt nền chuẩn, cũng không có hệ thống thoát nước hiện đại mà chủ yếu là hệ thống tiêu thoát nước thủy lợi cũ, thông qua các kênh mương. Nhiều khu đô thị mới xây không có hồ điều hòa để giảm tải lưu lượng nước khi mưa to, dẫn đến ngập úng càng nghiêm trọng.

Có thể thấy những năm qua, thị trường bất động sản khu vực phía Tây và Tây Nam Hà Nội phát triển rất “nóng”. Hàng loạt dự án mọc lên như nấm dọc theo các tuyến đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông, Đại lộ Thăng Long, Tố Hữu. Trong khi những bất cập về hạ tầng chưa kịp được xử lý thì mật độ người càng ngày càng đông, bê tông hóa càng ngày càng mạnh. Do đó, tình trạng ngập úng được dự báo sẽ rất nan giải.

Ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội, cho biết, các khu phố mới mở bị ngập đều nằm trong lưu vực hệ thống thoát nước chưa được cải tạo. Chẳng hạn như các khu đô thị Văn Quán, Dương Nội, Văn Phú tại quận Hà Đông, thuộc lưu vực hữu Nhuệ.

Theo ông Võ Tiến Hùng, sau khi đi kiểm tra các khu đô thị trên địa bàn quận Hà Đông, đặc biệt các khu đô thị từng bị ngập nặng năm ngoái, công ty phát hiện một số khu đô thị chưa đấu nối hệ thống thoát nước vào hệ thống chung của thành phố, trong khi đây là trách nhiệm của chủ đầu tư. Khi phê duyệt dự án, cơ quan có thẩm quyền đã xem xét các phương án đấu nối hạ tầng. Để được phê duyệt thì phải có thỏa thuận đấu nối cấp thoát nước, điện, viễn thông...

“Chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy định của Nghị định 80/2014/NĐ - CP về thoát nước và xử lý nước thải tại đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư nông thôn tập trung. Thực tế kiểm tra phát hiện chủ đầu tư không thực hiện đúng quy định, chúng tôi đều lập biên bản yêu cầu khắc phục”, đại diện ngành thoát nước cho hay.

Tuân thủ nghiêm quy định về cốt nền

Thực tế, thời gian qua, TP. Hà Nội đã có những đầu tư lớn vào hệ thống thoát nước, tuy nhiên, úng ngập cục bộ tại các khu đô thị mới vẫn còn tồn tại bởi những khu đô thị này được phân bố rải rác trên một diện tích rất rộng và mỗi khu đô thị chỉ lo thoát nước cho bản thân khu vực đó, còn thiếu sự kết nối đường thoát nước giữa các khu vực với nhau.

1.jpg

Ngoài ra, còn có nguyên nhân dòng nước bị ảnh hưởng tới rác thải mà công tác kiểm tra, đảm bảo còn hạn chế khiến hiệu quả sử dụng của việc thoát nước cho đô thị bị hạn chế.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nêu ý kiến về sự cần thiết phải nâng cao năng lực hệ thống thoát nước, trước sự phát triển nhanh chóng của đô thị: “Thứ nhất, phải cập nhật quy hoạch thoát nước với việc thực hiện quy hoạch đô thị hiện nay. Quy hoạch thoát nước phải được thực hiện và kết nối với quy hoạch chung. Thứ hai, dùng các biện pháp hiện đại hơn trong việc quản lý hệ thống cống thoát nước của đô thị. Thành phố cần quan tâm và đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực này, bởi đây là vấn đề dân sinh bức xúc trong nhiều năm qua”.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn cho rằng, các dự án cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước Hà Nội trong thời gian qua chưa giải quyết một cách tổng thể vấn đề thoát nước thành phố. Các dự án mới dừng lại ở mức cải tạo hệ thống thoát nước mưa cho vùng trung tâm nội thành. Hệ thống thoát nước vẫn là hệ thống thoát nước chung, chưa tách ra nước thải để xử lý.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, ngập úng xảy ra tại nhiều khu đô thị mới là do các chủ đầu tư, nhà quản lý đô thị không tuân thủ nguyên tắc chuẩn cốt nền chung. Các dự án, khu đô thị mới cứ đua nhau mọc lên trong khi mỗi nơi lại áp dụng một kiểu cốt nền, nơi cao nơi thấp, gây khó khăn trong tiêu thoát nước.

“Hà Nội thiếu quy hoạch cốt xây dựng thống nhất trên toàn thành phố, phát triển đô thị tuỳ tiện. Trong khi hệ thống sông hồ lại bị san lấp khá nhiều. Vì thế, những nơi chưa có kết nối hệ thống thoát nước như phía Tây, quận Hà Đông thì sẽ còn ngập úng”, ông Liêm phân tích.

Các giải pháp khơi thông luồng lạch, cống rãnh, lắp đặt máy bơm tiêu thoát chỉ mang tính tình thế. Về lâu dài, các khu đô thị xây mới sau này cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về cốt nền, có hệ thống tiêu thoát nước riêng, đồng bộ và đấu nối vào hệ thống chung của toàn thành phố.

Để giải quyết triệt để ngập úng ở Hà Nội, ngoài đầu tư hệ thống cống hóa, mở rộng kênh mương, nạo vét những hồ hiện có, cần đào thêm hồ điều hòa, kết nối đồng bộ hạ tầng thoát nước để nâng cao năng lực tiêu thoát. Đồng thời khuyến khích người dân cùng tham gia xây dựng các không gian xanh, các bể chứa nước mưa.

Như vậy, để giải quyết bài toán ngập lụt cho các khu đô thị của Hà Nội, cần nhiều nguồn lực và giải pháp đồng bộ, có tầm nhìn lâu dài. Theo ý kiến của các chuyên gia, về giải pháp lâu dài, lời giải cho bài toán úng ngập ở các khu đô thị nằm ở việc thành phố cần xây dựng bản đồ nền, quy hoạch cao độ nền (cốt nền) làm cơ sở triển khai số hóa toàn bộ hệ thống thoát nước, đáp ứng công tác quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch. Đồng thời, các nhà quản lý cần sớm khắc phục tình trạng phát triển đô thị tùy tiện, thiếu quy hoạch như hiện nay trong việc tăng cường cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước trên địa bàn Thủ đô.

 

Ông Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) chỉ rõ, hiện tình trạng loạn chuẩn cốt nền xây dựng công trình vẫn đang diễn ra khá phổ biến và không bị kiểm soát.

Bởi vậy, cần có quy hoạch, quy định cũng như sự giám sát thực hiện nghiêm ngặt về cao độ nền khống chế của thành phố Hà Nội đối với các tòa nhà, khu phố để đảm bảo hài hòa không gian kiến trúc và góp phần giải quyết ngập úng trên địa bàn.


 

 

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top