Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 9 tháng 12 năm 2018 | 9:10

Chủ động tẩy chay thực phẩm bẩn

"Để phòng chống thực phẩm bẩn, thành phố xây dựng thực phẩm sạch đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP thông qua các hoạt động kết nối với các tỉnh lân cận", bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn Thực phẩm (BQL ATTP) TP.HCM, cho biết.

Theo bà Lan, từ tháng 2/2018, BQL ATTP TP.HCM đã nhận được đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn từ Sở Công thương TP.HCM. Để phòng chống thực phẩm bẩn, thành phố xây dựng thực phẩm sạch đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP thông qua các hoạt động kết nối với các tỉnh lân cận.
15-54-08_b_phong_ln_3.jpg
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP. TP HCM. Ảnh: NNVN
 
Thời gian qua, BQL ATTP TP.HCM đã tổ chức kiểm tra việc ghi chép nguồn gốc hàng hóa tại các chợ truyền thống trên địa bàn đều có thông tin cụ thể mua hàng ở đâu, phải đảm bảo ATVSTP. Dự kiến, năm 2019, Ban sẽ công bố thông tin các chợ đảm bảo ATTP để người tiêu dùng nhận biết và chọn lựa nơi bán thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, để phòng chống thực phẩm bẩn, thành phố xây dựng thực phẩm sạch đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP thông qua các hoạt động kết nối với các tỉnh lân cận và cấp hơn 300 giấy ATVSTP cho các đơn vị liên kết, đơn vị sản xuất.
 
“Để đảm  bảo chất lượng ATTP trên địa bàn thành phố, ngoài việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt lợn, sắp tới thành phố áp dụng truy xuất đối với những mặt hàng khác như thịt gà, rau củ quả”, bà Lan cho biết.
 
Với những biện pháp quyết liệt như thế này trong việc quản lý thực phẩm đang được tiêu thụ trên địa bàn Thành phố trong những tháng cuối năm 2018. Thành phố Hồ Chí Minh chủ động tẩy chay với thực phẩm bẩn bằng mọi hình thức.
 
 
Nhiều tỉnh kiểm tra chéo công tác đảm bảo ATTP
 
Thực hiện theo Quyết định số 967/QĐ-ATTP ngày 23/10/2018 của Cục An toàn thực phẩm (ATTP), thời gian gần đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nhiều tỉnh, thành đã tiến hành kiểm tra chéo công tác đảm bảo ATTP.
 
Ngày 5/12/2018, Chi cục ATVSTP Điện Biên đã kiểm tra công tác thực hiện kế hoạch đảm bảo ATTP năm 2018 tại Chi cục ATVSTP Bình Định. 
 
Kết quả buổi kiểm tra cho thấy, Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Định đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Sở Y tế, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về VSATTP trong công tác chỉ đạo và triển khai kế hoạch đảm bảo ATTP năm 2018.
 
Kết thúc buổi làm việc, 2 đơn vị đã trao đổi, thảo luận, ghi nhận các ưu, khuyết điểm và những vấn đề còn vướng mắc, từ đó, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai tại đơn vị mình, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ATTP tại địa phương.
 
Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh đã làm việc với đoàn công tác Chi cục ATVSTP tỉnh Khánh Hòa về việc thực hiện kiểm tra chéo theo Quyết định số 967/QĐ-ATTP ngày 23-10-2018 của Cục ATTP.
haftinh-khánh-hòa.jpg
Chi Cục ATVSTP hai tỉnh Hà Tĩnh và Khánh Hòa. Ảnh: PLXH
 
Đoàn Công tác Chi cục ATVSTP tỉnh Khánh Hòa tiến hành kiểm tra theo từng lĩnh vực chuyên môn. Hai đơn vị đã có những trao đổi, thảo luận, ghi nhận các ưu điểm đạt được và những khó khăn, vướng mắc của mỗi đơn vị, trao đổi những cách làm hiệu quả để áp dụng tùy vào tình hình thực tế của từng địa phương.
 
Kết luận tại buổi kiểm tra, đoàn kiểm tra của Chi cục ATVSTP tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao công tác triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn của tỉnh Hà Tĩnh trong năm 2018. Đặc biệt là triển khai mô hình điểm bếp ăn tập thể tại các trường mầm non. Kết thúc kiểm tra, Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh đạt 97,5/105 điểm, xếp loại xuất sắc.
 
Chi cục ATVSTP tỉnh An Giang cũng đã làm việc với Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Giang về việc thực hiện kiểm tra chéo công tác đảm bảo ATTP tại tỉnh Hà Giang.
 
Tại buổi làm việc, đoàn nghe báo cáo kết quả thực hiện công tác ATTP của Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Giang năm 2018 gồm: Công tác quản lý hành chính Chi cục ATVSTP; Công tác tham mưu, chỉ đạo và ban hành các văn bản triển khai công tác ATTP; công tác phối hợp liên ngành; triển khai Tháng hành động; công tác thông tin, giáo dục và truyền thông; giám sát ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; công tác kiểm nghiệm; công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý các vi phạm về ATTP; công tác xây dựng mô hình điểm, đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản lý sử dụng kinh phí… trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
 
Đoàn Công tác của Chi cục ATVSTP tỉnh Hưng Yên cũng đã tiến hành kiểm tra chéo công tác đảm bảo ATTP tại tỉnh Đồng Nai. Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra đánh giá cao công tác tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo liên ngành, triển khai tháng hành động, công tác chỉ đạo tuyến, công tác truyền thông…
hưng-yên-đồng-nai.jpg
Chi cục ATVSTP hai tỉnh Hưng Yên và Đồng Nai. Ảnh: internet
 
Hai đơn vị đã có những trao đổi, thảo luận, ghi nhận các ưu điểm đạt được và những khó khăn, vướng mắc của mỗi đơn vị, cũng như kiểm tra thực tế, chia sẻ những vấn đề, tình hình thực tế của từng địa phương. Kết quả, tỉnh Đồng Nam đạt 104,5 điểm - xếp loại xuất sắc.
 
 
TP. HCM: Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm dịp cuối năm
 
Chỉ tính chín tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng trên địa bàn TP. HCM đã phát hiện và xử lý 30.280 kg sản phẩm động vật không bảo đảm ATTP; 470 kg nguyên liệu phụ gia không nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc; 2.104 thùng và 17.001 sản phẩm, thực phẩm chức năng; 214.320 viên thành phẩm và bán thành phẩm thực phẩm chức năng; 15.241 kg và 64.391 hộp/chai sản phẩm thực phẩm không bảo đảm chất lượng, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc...
v_sinh_an_toan_thc_phm.jpg
TP. HCM tăng cường công tác kiểm tra ATVSTP cuối năm. Ảnh: Internet
 
Để bảo đảm chất lượng nguồn cung ứng thực phẩm, nhất là vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm. Có như vậy mới có tác dụng sàng lọc, giúp những cơ sở có chất lượng tồn tại và phát triển; đồng thời buộc những cơ sở sản xuất, kinh doanh thiếu ý thức, không bảo đảm điều kiện ATTP phải dừng hoạt động.
 
Ðối với người tiêu dùng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm ATTP với phương châm vì sự an toàn cho chính bản thân và gia đình mình. Nói "không" với thực phẩm bẩn là cách mà người tiêu dùng góp phần loại bỏ những cơ sở làm ăn gian dối và tự bảo vệ sức khỏe của mình cùng gia đình.
 
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là kết thúc năm 2018, thời gian này là cao điểm của các đối tượng vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ từ các địa phương về để các cơ sở chế biến thực phẩm, sử dụng cho nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Các cơ quan và lực lượng chức năng cần kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển thực phẩm bẩn chế biến thực phẩm dùng cho dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm cho nhân dân đón một cái Tết an toàn về sức khỏe.
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top