Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 13 tháng 10 năm 2018 | 19:52

Chuyện làm VAC ở Võ Ninh

Người dân đổi đời nhờ làm VAC; trồng hoa lan Mokara lãi 2 tỷ đồng/năm; nỗi niềm người trồng quất cảnh, là tin tuần tại nhiều địa phương.

Những năm gần đây, đời sống của người dân xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) có nhiều khởi sắc. Theo chủ trương của địa phương, bà con đã chuyển đổi đất xấu, lầy thụt, sang sản xuất VAC trang trại, gia trại.

vac-q-binh-311.jpg

Ao cá của anh Lời  thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa

 

Ông Lê Thế Lực, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Võ Ninh, cho biết, Thôn Tây trước đây toàn đất ruộng xấu, nhiều khi  bỏ hoang vì thu nhập thấp. Sau khi có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXV nhiệm kỳ 2015- 2020, bà con tích cực chuyển đổi sang mô hình kinh tế VAC.

 Vợ chồng anh Lê Văn Lời, chủ trang trại tổng hợp thôn Tây cho biết: “Trước đây, với gần 1 ha đất xấu, chuyên trồng lúa, gia đình tôi rất vất vả, cây lúa thu nhập thấp, lại có nhiều rủi ro, được mùa rớt giá, tiêu thụ chật vật. Mới đây, tôi mạnh dạn chuyển sang mô hình trang trại VAC; kinh doanh lúa-cá-gà-vịt. Thu nhập tăng gấp nhiều lần so với trước”.

 Làm kinh tế VAC, chúng tôi được chính quyền, hội nông dân, ngành nông nghiệp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, tư vấn vật nuôi, cây trồng. Khuyến cáo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, tuyệt đối không dùng các loại thuốc tăng trọng, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục khuyến cáo.

Không riêng anh Lời, hầu hết các trang trại xã Võ Ninh đều có ý thức giữ gìn thương hiệu nông sản của vùng. Anh Lê Văn Tuyên, chủ trang trại VAC ở Võ Ninh, cho hay: “Việc Đảng bộ xã ra nghị quyết chuyển đổi mô hình sản xuất, từ chỗ độc canh cây lúa, sang mô hình VAC đã được bà con đồng thuận cao.Từ khi chuyển sang làm VAC đến nay, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, tăng gấp 3 lần so thời kỳ chưa chuyển đổi”.

Ông Phạm Văn Dần, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Võ Ninh là xã phía nam huyện Quảng Ninh. Kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Nhờ giao thông thuận lợi, xã đã tạo nên một vùng cung cấp nông sản sạch, nhất là rau, cá, tôm, đầu ra là thành phố du lịch Đồng Hới”.
Đặc biệt, từ năm 2014 - 2016, Võ Ninh đã chuyển đổi 48 ha đất xấu, kém hiệu quả sang mô hình V.A.C, tạo nên bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp. Người dân đồng thuận cao. Bước đầu đã có hơn 100 trang trại, gia trại ra đời. Riêng nuôi trồng thủy sản nước lợ đã thu hút trên 70 hộ. Hơn 30 hộ thực hiện mô hình trang trại, gia trại tổng hợp.

Tùy từng điều kiện cụ thể, bà con có thể thực hiện mô hình lúa-cá; lúa- rau- gia súc, gia cầm…Hàng trăm lao động có việc làm ổn định; nhiều trang trại có hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: hộ ông Trương Hoằng, Lê Long (thôn Tiền); hộ ông Nguyễn Thụ (thôn Thượng); hộ ông Lê Tuyên (thôn Tây)…

“Kinh tế V.A.C đã góp phần làm cho nông thôn mới Võ Ninh ngày càng xanh-sạch-đẹp: “Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ cho các hộ có mô hình trang trại, gia trại. Đồng thời, rà soát lại diện tích đất xấu, hoang hóa để tuyên truyền người dân tiếp tục làm kinh tế VAC”- Ông Dần chia sẻ.

Hội An: Nỗi niềm người trồng quất cảnh

“Trồng quất phải có phân, thuốc quả mới đạt. Biết là độc hại nhưng không làm không được. Rồi thời tiết mưa gió, giá cả đầu ra, cả năm cứ nhấp nhỏm. Khổ, nhưng không trồng quất thì biết làm gì” - ông Võ Văn Đội tâm sự. Đó cũng là nỗi niềm chung của người trồng quất cảnh T.p Hội An (Quảng Nam).

 

q-nam-quat-_111991.jpg

 Nghề trồng quất cảnh ở xã Cẩm Hà, Hội An

 

Gần 20 năm trồng quật, ông Võ Văn Đội, xã Cẩm Hà, cho biết: “Từ tháng 11 âm lịch năm trước, khi những chậu quất cảnh Tết chuẩn bị xuất vườn, cũng là lúc người dân tất bật bứng vào chậu chuẩn bị cho mùa Tết năm sau”.

“Nghề này làm quanh năm, cả ngày lui cui ngoài vườn, không cắt tỉa thì vô phân, bơm thuốc, giữ trái, giữ cây. Cả ngày bám cây nhưng cũng không yên tâm vì còn lo sâu bệnh, nấm mốc, mưa bão…” - ông Đội tâm sự.

Dù vậy, không phải năm nào cây trái cũng như ý. Bình quân mỗi năm ông trồng khoảng 600 chậu quật Tết, nếu được giá, trừ chi phí cũng kiếm được 100 triệu đồng, chia đều cho cả nhà thì  xem như bỏ công làm lời.

Xã Cẩm Hà có hơn 500/1.600 hộ dân thuộc 6/7 thôn làm nghề trồng hoa, quất cảnh. Từ lâu, nơi đây đã được ví như “vựa” hoa, quật cảnh của Quảng Nam, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn chậu quất.

 Riêng năm 2017, có hơn 65 nghìn chậu quất cảnh các loại được bán ra thị trường, tổng doanh thu khoảng 37,5 tỷ đồng. Những ngày này về Cẩm Hà qua các vườn quất đều bắt gặp không khí tất bật; chỗ đúc chậu, bón phân, người tỉa cành, tỉa trái.

Ông Nguyễn Trúc chia sẻ, nghề trồng quất vui buồn lẫn lộn, dù có năm được giá, có năm mất mùa nhưng cái khổ, cái lo vẫn luôn hiện hữu. “Nói khó khăn thì lúc nào cũng có, lo từ giống thoái hóa đến thời tiết, sâu bệnh”…

 Như năm nay, nhiều vườn cây xuất hiện rễ củ vón cục (rể đậu), nứt ra là thúi. Xã có hướng dẫn nhưng cũng sơ sài, cuối cùng bà con phải tự mày mò mua thuốc, nhưng bệnh không hết” - ông Trúc nói.

Vườn nhà ông Trúc trồng khoảng 500 chậu quật, chi phí phân thuốc mỗi năm tốn chừng 70 - 80 triệu đồng, chủ yếu thuốc rầy, nấm, tăng trưởng. Một số giai đoạn chính cần bơm thuốc là khi chồi mới nứt; khi cây có hoa, trái, bơm thuốc để giữ không cho sâu rầy chích.

Tiếp đến, sẽ bơm tùy thời điểm để nuôi, giữ quả. “Khi rễ quất lên không nổi, thì mình phải bơm thuốc nuôi lá, để từ lá xuống thân rễ. Sử dụng thuốc nhiều cũng sợ nhiễm độc nhưng không thể không làm. Với lại, cũng chẳng có ai cảnh báo, nên cứ làm, vì quất phải có thuốc mới phát triển được” - ông Trúc cho biết thêm.

Thật ra, rất khó thống kê, mỗi năm người dân Cẩm Hà sử dụng bao nhiêu thuốc hóa học chăm sóc cây. Bất cứ khi nào, thấy cây  hư hại, hoặc cần kích thích thì bơm thuốc, không theo quy định liều lượng nào, tùy từng vườn và kinh nghiệm mỗi nhà.

Ông Mai Kim Phương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, cho biết: “Trong số 613ha đất tự nhiên của xã, thì diện tích trồng quất khoảng 220ha, phần lớn xen kẽ trong khu dân cư, do đó ô nhiễm môi trường do sử dụng thuốc trừ sâu là không tránh khỏi.

“Địa phương cũng chỉ vận động người dân hạn chế bơm thuốc, bơm những giờ ít có người ở nhà, hoặc giãn liều lượng, còn đánh giá tác động thì chưa có cơ quan nào làm, riêng tỷ lệ bệnh tật, xã cũng không thể thống kê được”.

Ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế Hội An nói, dù chưa có khảo sát, điều tra khoa học nào về môi trường và những tác động của việc sử dụng thuốc hóa học nhưng chắc chắn có ảnh hưởng.

Phòng Kinh tế cũng chỉ khuyến cáo người dân nên sử dụng thuốc nằm trong danh mục cho phép, đặc biệt là phân bón vi sinh. Song, trên thị trường các loại thuốc, phân vi sinh còn ít, giá lại cao, chất lượng chưa được đánh giá; trong khi đó vẫn phải phòng trừ sâu bệnh, nên nhiều hộ vẫn sử dụng thuốc hóa học.

Đà Nẵng: Trồng hoa lan Mokara lãi 2 tỷ đồng/năm

 Những năm gần đây, T.p Đà Nẵng, ngày càng có nhiều thanh niên khởi nghiệp để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho cộng đồng.

 

a-nag-hoa-lan-9999.jpg

 Trồng hoa lan Mokara lãi 2 tỷ đồng/năm

 

Tốt nghiệp đại học, anh Lê Thành Trung, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, (T.p Đà Nẵng) xin vào làm kế toán cho nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở TP Đà Nẵng và Hội An, tỉnh Quảng Nam. Trong những năm làm việc ở đây, anh Trung nhận thấy các khách sạn đặt hoa lan Mokara với số lượng lớn, thị trường không đủ nguồn cung. Năm 2015, anh xin nghỉ việc để vào T.p Hồ Chí Minh học nghề trồng lan Mokara. Sau 2 tháng, với kinh nghiệm tích lũy, anh quyết định trở về, đầu tư trại trồng hoa lan ngay tại quê nhà.

Buổi đầu, với số vốn 100 triệu đồng, anh đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới, tưới phun sương, và mua giống hoa lan từ Thái Lan về trồng. Sau 2 tháng, thấy lan phát triển tốt, Trung mạnh dạn vay vốn ngân hàng 500 triệu đồng, để mở rộng quy mô trồng lan. Hiện, Trung đã có gần 26.000 cây hoa lan Mokara.

Anh Trung cho biết, trồng lan Mokara chi phí ít, lợi nhuận cao. Hiện, trang trại hoa lan của anh đã mở rộng hơn 3.500 m2, cung cấp cho các shop hoa, khu resort, khách sạn... Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi hơn 2 tỷ đồng/năm.

“Các shop hoa nhu cầu rất cao, có shop tới tận vườn mua trực tiếp. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng mô hình, tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi địa phương, và cung cấp thêm nguồn giống. Ngoài làm kinh tế, tôi còn làm công tác xã hội, hướng dẫn cho thanh niên lập nghiệp; giúp họ có nghề nghiệp ổn định hơn”, anh Trung chia sẻ.

Hiện, trang trại hoa lan Mokara của Trung tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động; chủ yếu là người nghèo và thanh niên hoàn cảnh khó khăn, với mức lương từ 6 -  7 triệu đồng/người tháng.

“Tôi làm việc ở đây lâu rồi. Anh Trung tạo điều kiện làm việc tốt,  đồng lương cũng khá nên cuộc sống khá giả hơn trước. Lương tháng 7 triệu đồng cũng đủ trang trải cho cuộc sống của gia đình”-  Bạn Lê Thị Hương  (phường Hòa Xuân, T. p Đà Nẵng), cho biết.

Anh Nguyễn Tiến Lâm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên T.p Đà Nẵng cho biết, hiện có hơn 350 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, hiệu quả cao. Mô hình trồng lan của anh Trung là một trong những số đó, tạo việc làm cho nhiều lao động, chủ yếu là thanh niên, với mức thu nhập ổn định.

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top