Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 12 năm 2015 | 12:57

Cô gái trẻ mê nuôi chim trĩ

Đang là sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Huyền, sinh năm 1988, ở thị trấn Quảng Phú (CưMgar - Đắk Lắk) quyết định xin bảo lưu kết quả học tập rồi về quê lập nghiệp.

Cơ sở nuôi chim trĩ của Huyền ở thị trấn Quảng Phú.

Tự tin với niềm đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ, Huyền quyết định làm giàu trên quê hương mình từ nghề chăn nuôi. Khởi nghiệp với 5 triệu đồng từ khoản vay vốn hộ nghèo để làm chuồng nuôi 1 con heo, sau 3 tháng, Huyền bán được 3,8 triệu đồng. Thấy nuôi heo có hiệu quả, Huyền quyết định tăng dần đàn heo lên 25 con. Nghĩ rằng như vậy đã tạm ổn, cô tin tưởng giao cho mẹ ở nhà trông nom giúp.

Năm 2010, Huyền trở lại giảng đường đại học. Dù miệt mài sách vở nhưng trong lòng cô vẫn còn nhiều khắc khoải về niềm đam mê của mình. Tình cờ trong một lần nhà trường tổ chức chuyến tham quan dành cho các sinh viên tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Thủ đô, Huyền thấy một hộ dân nuôi chim trĩ để phục vụ thú chơi chim cảnh. Với ý chí ham học hỏi, Huyền bắt đầu tìm hiểu về loài chim này thông qua sách báo, internet và kinh nghiệm thực tiễn ở nhiều nơi. Một lần nữa, niềm đam mê làm giàu đã lấn át tấm bằng cử nhân đang chờ đợi phía trước. Bỏ qua những lời can ngăn, phản đối quyết liệt từ phía gia đình và bạn bè, Huyền quyết định nghỉ học, trở về quê hương thực hiện ước mơ xây dựng kinh tế trang trại VAC.

Nghỉ học, nhà nghèo không có đất sản xuất nhưng với số vốn ít ỏi từ việc nuôi heo, Huyền bắt đầu tìm kiếm và thuê 1ha đất rẫy với giá 12 triệu đồng/năm để lập nghiệp. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên cô chỉ nuôi thử nghiệm 200 con chim trĩ đỏ khoang cổ. Sau 9 tháng nuôi, đàn chim sinh trưởng, phát triển tốt. Huyền lựa chọn 100 con chim mái để đẻ trứng, số còn lại đem bán thu hồi vốn. Nhận thấy tín hiệu khả quan từ chim trĩ, Huyền đã nhân đàn để phát triển kinh tế. Ngoài ra, cô còn mở rộng quy mô đàn heo lên 130 con. Nhưng may mắn đã không mỉm cười với Huyền khi giá heo quá bấp bênh.

Huyền cho biết: “Năm 2012, do giá bán heo quá thấp cộng thêm chi phí đầu tư cao nên đợt nuôi heo đó em bị thua lỗ gần 200 triệu đồng. Thất bại nhưng em không nản vì vẫn còn một niềm hy vọng, đó là chim trĩ”.

Trắng tay với đàn heo, Huyền quyết không gục ngã. Huyền bắt đầu tập trung vào việc gây dựng kinh tế từ loài chim trĩ. Mục tiêu của trang trại là cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và hạn chế rủi ro trong chăn nuôi nên đã áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Mỗi năm, trang trại nuôi khoảng 12.000 con chim trĩ đỏ khoang cổ, 2.000 con chim trĩ xanh, trong đó có 500 con chim nuôi sinh sản để cung ứng con giống ra thị trường.

Huyền chia sẻ: “Chim trĩ dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, loài chim này thường bay xa nên phải làm chuồng và rào lưới kín. Thức ăn của chúng là bắp, lúa, cám gạo, phối trộn theo tỷ lệ khác nhau phù hợp với từng giai đoạn nuôi để giảm chi phí đầu tư”.

Là người tiên phong nuôi chim trĩ tại địa phương nên bước đầu Huyền gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Bằng việc kiên trì mang chim trĩ đến các nhà hàng trong và ngoài tỉnh giới thiệu về chất lượng sản phẩm, cuối cùng, các thị trường khó tính đã chấp nhận mua chim trĩ với giá trung bình 180.000 đồng/kg. Vì vậy, mỗi năm trang trại thu được khoảng 500-700 triệu đồng.

Thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi chim trĩ của Huyền, nhiều bà con trong vùng đã tìm đến học hỏi bí quyết chăn nuôi chim trĩ. Huyền đã giúp đỡ nhiều gia đình cùng phát triển chăn nuôi và “nhóm hộ chăn nuôi chim trĩ” được thành lập với 20 hộ gia đình. Trong quá trình tham gia nhóm, các thành viên được Huyền hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm thị trường. Hiện nay, nhóm xây dựng thành công chuỗi liên kết sản xuất giữa nhà chăn nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm, mỗi tháng xuất bán ra thị trường khoảng 1.000 con chim thương phẩm, kinh tế của hội viên đã ổn định với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/hộ/tháng.

Ước mơ của Huyền là thành lập được hợp tác xã chăn nuôi chim trĩ để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững.

Cao Phúc

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Top