Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 6 năm 2018 | 14:44

Công ty Sơn Hà xây dựng không phép nhà kho lấn sang đất dự án khác!?

Công ty TNHH MTV Sơn Hà, trụ sở tại KCN Nam Cấm, xã Nghi Long (Nghi Lộc - Nghệ An), ngang nhiên xây dựng nhà kho không phép lấn sang phần đất của Dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Mercury.

Tuy nhiên, chính quyền, ngành chức năng tỉnh Nghệ An chưa có động thái xử lý dứt điểm vi phạm.

sh1.jpg
Khu nhà kho Công ty Sơn Hà xây dựng không phép lấn sang phần đất dự án Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Mercury Việt Nam.

 

Nhận được phản ánh của bạn đọc, nhóm phóng viên trực tiếp “mục sở thị” dự án có khu nhà được xây dựng sai phép của Công ty TNHH MTV Sơn Hà Nghệ An. 

Tại đây, quan sát bằng mắt thường thấy, nằm ngay sát Tỉnh lộ 538, cách ngã ba Nam Cấm theo hướng đi thị xã Cửa Lò khoảng 400m, một lô đất rộng hàng chục nghìn mét vuông cỏ mọc um tùm đang “thi gan cùng tuế nguyệt”. Phía trong khu vực tiếp giáp với khu Dự án nhà máy Sơn Hà thuộc Công ty TNHH MTV Sơn Hà Nghệ An, khu nhà xưởng rộng đến hàng trăm mét vuông đang được xây dựng, mà theo phản ánh, đó là công trình xây dựng không phép lấn sang đất dự án khác. Một nửa khu nhà xưởng nằm bên phần đất của Công ty Sơn Hà Nghệ An, nửa còn lại nằm gọn trên đất thuộc dự án của Công ty CP PJ Mercury Việt Nam. Phía ngoài đường của dự án, một công trình kênh mương đang được thi công dở dang. Máy múc vẫn đang được nhóm công nhân miệt mài làm việc, dù rằng theo phản ánh của người dân, trước đó công trình kênh mương và xây dựng cổng vào đã bị lực lượng chức năng lập biên bản và đình chỉ thi công. 

sh2.jpgDù bị cơ quan chức năng đình chỉ thi công nhưng sau 1 tuần, máy múc vẫn hoạt động bình thường.

Trao đổi với nhóm phóng viên về khu đất thuộc quyền sở hữu của Công ty CP PJ Mercury Việt Nam và khu nhà kho của Công ty Sơn Hà Nghệ An được xây dựng lấn sang phần đất của Công ty CP PJ Mercury, ông Đặng Quang Tuấn, Trưởng phòng Thẩm định và Quản lý xây dựng Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An, cho biết: Khu đất mà Công ty CP PJ Mercury Việt Nam được Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho thuê đất trước đó, nay được chuyển giao lại cho Sơn Hà (Công ty Sơn Hà Nghệ An). Tuy nhiên, để triển khai xây dựng nhà xưởng trên đất của Mercury (Công ty CP PJ Mercury Việt Nam), cần phải điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết và mục đích sử dụng đất. Khu nhà kho được Công ty Sơn Hà cho xây dựng nói trên đúng là chưa có giấy phép xây dựng theo quy định, sắp tới Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam sẽ tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra cụ thể đến từng hạng mục xây dựng thuộc Công ty Sơn Hà quản lý. Công trình sai phạm chúng tôi sẽ lập biên bản và yêu cầu đình chỉ thi công, từ đó hoàn thiện hồ sơ đề xuất đến các cấp, ngành hướng xử lý và xử phạt theo quy định vì Ban quản lý Khu kinh tế không có thẩm quyền xử lý và xử phạt. 

Ông Tuấn cho biết thêm: Trước đó, vào đầu tháng 8/2018, Đoàn kiểm tra của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm, yêu cầu dừng thi công đối với công trình kênh mương, cống thoát nước và xây dựng cổng vào khu đất dự án Công ty CP PJ Mercury Việt Nam (khu đất đã được Công ty Sơn Hà mua lại) vì chủ đầu tư đã có hành vi vi phạm trật tự xây dựng, triển khai thi công không đúng với thiết kế quy hoạch ban đầu được phê duyệt.

Nhóm phóng viên liên lạc qua điện thoại, được ông Nguyễn Văn Lương, Giám đốc Cty TNHH MTV Sơn Hà Nghệ An, cho biết: “Các công trình sai phạm trên là của Công ty CP PJ Mercury Việt Nam, cụ thể như tại khu vực thi công mương và cống thoát nước bên phía cổng vào khu đất thuộc về Công ty CP PJ Mercury Việt Nam chứ không phải của Sơn Hà. Còn Công ty CP PJ Mercury Việt Nam có bán cổ phần dự án thì bên khác mua chứ Sơn Hà không tham gia cổ phần của Mercury”.

Đặc biệt, khi nhóm phóng viên có trao đổi việc vì sao phía Công ty Sơn Hà cho sửa chữa, xây dựng nhà xưởng mà không có giấy phép xây dựng cũng như chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết đối với nhà xưởng mới, ông Lương cho rằng: Việc sửa chữa xây dựng nhà kho của mình thì cần gì phải có giấy phép xây dựng!?

sh3.jpgGiấy CNQSDĐ cấp cho Công ty Mercury với mục đích sử dụng đất Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.

 

Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, trước đó, UBND tỉnh Nghệ An, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đã có văn bản chấp thuận đầu tư cũng như ký kết hợp đồng cho thuê đất số 20/HĐ-KKT ngày 07/10/2015 đồng ý cho Công ty CP PJ Mercury Việt Nam thuê đất với thời hạn 50 năm. Tiếp đó, ngày 08/10/2015, UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho Công ty CP PJ Mercury Việt Nam. Trong giấy CNQSDĐ này ghi rõ: “Việc sử dụng đất phải đúng mục đích làm Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi”.

Tuy nhiên, khi các giấy tờ thủ tục liên quan đến dự án Nhà máy thức ăn chăn nuôi cơ bản được hoàn thiện thì việc triển khai dự án đã không được Công ty CP PJ Mercury Việt Nam tiến hành như dự kiến. Và dự án Nhà máy thức ăn chăn nuôi không hiểu vì lý do gì mà cho đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy, để rồi bỗng dưng vào đầu tháng 05/2018, một khu nhà kho của Công ty Sơn Hà Nghệ An lại được cho xây dựng ngay trên khu đất dự án mà cách đây gần 3 năm, UBND tỉnh Nghệ An trải “thảm đỏ” cho Công ty CP PJ Mercury Việt Nam vào đầu tư. Thế nhưng, phía Công ty Sơn Hà Nghệ An lại ngang nhiên xây dựng không phép khu nhà xưởng, trong đó có một nửa khu nhà nằm gọn trên phần đất của Mercury Việt Nam, dù khu nhà kho này không hề liên quan đến dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi trước đó.

sh4.jpgTrích lục đo vẽ bản đồ địa chính khu đất có thể hiện phần đất của Công ty Sơn Hà và Công ty Mercury.

Dư luận đặt ra câu hỏi: Việc Công ty TNHH MTV Sơn Hà Nghệ An ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trên đất thuộc dự án khác, với mục đích sử dụng đất khác mà không hề có giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền; chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết cũng như chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự án, liệu có đúng với quy định hiện hành và pháp luật xây dựng?

Một diễn biến khác, ngày 25/6/2018, nhóm phóng viên trở lại hiện trường Dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Mercury, thấy nhà kho được xây dựng không phép vẫn nằm “chềnh ềnh” trên phần đất của dự án. 

Được biết, ngày 15/6/2018, Sở Xây dựng Nghệ An đã có Văn bản số 1265/SXD-TTr về việc kiểm tra xử lý nội dung phản ánh của báo chí. Theo đó, Sở Xây dựng Nghệ An đề nghị UBND huyện Nghi Lộc chủ trì, chỉ đạo UBND xã Nghi Long phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An tổ chức kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng (nếu có) theo đúng quy định tại Quyết định số 84/2016/QĐ-UBND ngày 27/12/2016 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành quy chế về cấp phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, Sở Xây dựng Nghệ An, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An sớm vào cuộc kiểm tra rà soát lại mục đích sử dụng đất dự án Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Mercury Việt Nam, nay bị Công ty Sơn Hà Nghệ An ngang nhiên cho xây dựng không phép trên đất dự án nói trên. Đồng thời làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra sai phạm.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc về sự việc trên.

 

 

Nhóm PVĐT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top