Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 6 năm 2016 | 9:47

Công ty TNHH Naria Vina xúc phạm công nhân

Bắt công nhân đến sớm, về muộn 15 phút để dọn nhà vệ sinh; cấm công nhân đi vệ sinh trong giờ làm việc; dán ảnh công nhân bị đuổi việc lên tường trước cổng của công ty… Những việc làm này của Công ty TNHH Naria Vina (xóm 5, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam) đang bị phản đối dữ dội vì xúc phạm đến quyền lợi và nhân phẩm công nhân.

Đơn tố cáo của công nhân Công ty TNHH Naria Vina gửi Báo Kinh tế nông thôn.

Báo Kinh tế nông thôn nhận được nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo của  công nhân Công ty TNHH Naria Vina. Theo đơn, công ty này bắt toàn bộ công nhân phải đến trước giờ làm việc 15 phút và ở lại thêm 15 phút để dọn vệ sinh toilet, bồn cầu. Những ai làm trái quy định sẽ bị đuổi và phạt 100.000 đồng. Trong giờ làm việc không được đi vệ sinh, nếu vi phạm sẽ bị chụp ảnh, lập biên bản và bị trừ tiền chuyên cần 100.000 đồng. Đỉnh điểm là vụ việc lãnh đạo công ty đập bàn và xỉ nhục, không cho công nhân ăn cơm, sau đó sai bảo vệ đuổi ra ngoài; dán ảnh của công nhân bị sa thải lên tường trước cổng công ty, vi phạm nghiêm trọng về nhân phẩm, danh dự, quyền con người.

Đặc biệt, lãnh đạo Công ty TNHH Naria Vina còn sa thải cả công nhân đang ốm phải nằm viện. Theo ông Chu Văn Khải, khi vào làm việc tại công ty, ông đã khám sức khỏe mới được nhận vào làm việc ở phân xưởng đúc. Cuối năm 2013, ông đi khám sức khỏe định kỳ thì cơ quan y tế chẩn đoán ông bị “lao phổi” nên đề nghị cho nghỉ để chữa bệnh; công ty đồng ý nhưng lại sa thải ông trong thời gian ông chữa bệnh. Ông Khải cho biết, công ty đã vi phạm nghiêm trọng Điều 39, Luật Lao động (điều này quy định trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm đứt hợp đồng lao động: 1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền…).

Chị Đinh Thị Ngọc Ánh, một trong số công nhân bị sa thải khẳng định, những việc trình bày trong đơn là hoàn toàn đúng sự thật, Công ty TNHH Naria Vina đã vi phạm nghiêm trọng Luật Lao động, hơn nữa còn xúc phạm công nhân. Chị Ánh bức xúc nói: “Ngày công chỉ được 70.000 đồng, nếu vào nhà vệ sinh trong giờ làm việc bị phạt 100.000 đồng. Bị sa thải, chúng tôi rất khó xin việc vì công ty đã dán ảnh, bêu riếu nên không doanh nghiệp nào muốn nhận”.

Ngày 20/1/2014, Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Nam có Kết luận Thanh tra số 01/KL-TTr xác định: Công ty Naria Vina bắt công nhân có mặt trước 15 phút và ở lại sau 15 phút để dọn vệ sinh không được hưởng thù lao là nội dung tố cáo đúng; việc sa thải người lao động là trái pháp luật, yêu cầu Công ty Naria Vina thông báo và phải nhận người lao động trở lại làm việc trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày ra kết luận thanh tra và phải trả đủ tiền lương cho NLĐ trong thời gian bị sa thải trái pháp luật.

Yêu cầu phía Công ty Naria Vina phải đảm bảo giờ giấc làm việc cho công nhân, không quá 8 tiếng đồng hồ/ngày theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Phạm Linh Lợi, Công ty luật TNHH Nguyễn Đỗ và cộng sự, người đại điện theo ủy quyền của công nhân (nguyên đơn), đồng thời là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, cho biết: Trên thế giới chưa từng có việc cấm đi vệ sinh trong giờ làm việc; việc dán ảnh công nhân trước cổng khiến nhiều người hiểu rằng họ phạm tội nghiêm trọng trong công ty... Chính vì vậy, Công ty TNHH Naria Vina đã vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Việc sa thải công nhân của công ty trái với Luật Lao động.

Cũng theo luật sư Lợi, sự việc này đang đợi phán quyết của Tòa án cấp cao.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục tìm hiểu và thông tin.

Điều 39, Luật Lao động nước CHXNCN Việt Nam quy định: Người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm đứt hợp đồng lao động : 1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền…

Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm đứt hợp đồng lao động trái pháp luật: 1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng lương theo hợp đồng lao động và Nghị định 05/2015/ NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2015.

Công Bằng

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top