Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 12 năm 2015 | 2:32

Cuối năm, gia tăng nỗi lo thực phẩm bẩn

Những ngày gần đây, lực lượng quản lý thị trường liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc xuất xứ. Càng gần đến Tết Nguyên đán, nỗi lo thực phẩm bẩn “tung hoành” càng trở nên hiện hữu.

Chỉ trong tháng 12/2015, đã có hàng chục vụ vận chuyển, sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn bị phát hiện, thu giữ, gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng bởi số vụ bị bắt giữ chỉ là phần nổi của “tảng băng thực phẩm bẩn”.

Lực lượng chức năng kiểm tra lượng mỡ bẩn tại cơ sở của ông Kim Văn Tuyến ở Ngọc Hồi (Thường Tín - Hà Nội).

Đơn cử như ngày 5/12, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an Hà Nội phát hiện 1 tấn thịt lợn đã phân hủy, bốc mùi, cùng hàng chục túi nội tạng lợn đang trong giai đoạn phân hủy tại chợ Phùng Khoang. Ngày 16/12, PC49, Công an Hà Nội phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra kho đông lạnh của Công ty TNHH thực phẩm Hoàng Dương tại phố Minh Khai, phát hiện hàng tạ xương lợn và xương gà không có hóa đơn chứng từ ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy kiểm dịch.

Ngày 17/12, Đội Quản lý thị trường số 11, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra bắt giữ hơn 4 tấn ruốc gà trộn bột mỳ không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Chủ hàng Nguyễn Văn Thịnh (sinh năm 1983) hộ khẩu thường trú tại TP. Hồ Chí Minh khai nhận, số hàng trên được vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội đưa cho các đầu nậu ở Thường Tín (Hà Nội). Thịt gà được chủ hàng mua tại các lò giết mổ với giá 40.000 đồng/kg và chế biến thành ruốc bán với giá 55.000 đồng/kg, rẻ bằng 1/10 so với giá ruốc thịt bán trên thị trường.

Qua khai nhận, Thịnh cho biết, gà sau khi mua của các cơ sở giết mổ được đưa vào lọc thịt và luộc, sau đó đem quay cho tơi thành sợi ruốc và phơi nắng khoảng nửa tiếng, sau đó mới cho vào xào với nước mắm. Với phương pháp làm như thế này, Thịnh khẳng định ruốc gà có thể để 3 năm không mốc? Ngoài ra, da và xương gà bán cho các công ty làm bột nêm với giá 8.000 đồng/kg, nước luộc gà bán cho các hộ mua về làm nước phở, hủ tiếu... với giá 40.000 đồng 1 can 20 lít.

Ông Lê Mạnh Hùng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 11, cho biết: Qua kiểm tra bước đầu phát hiện toàn bộ số ruốc trên làm từ thịt gà không có công bố chỉ tiêu chất lượng cần thiết, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn mác. Lực lượng chức năng sẽ mang mẫu ruốc đi giám định xem có ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng hay không.

Tiếp đó, ngày 18/12, Công an Hà Nội đã phát hiện một xe ô tô tải tại địa bàn huyện Thường Tín đang chở 1 tấn da trâu, da bò và nội tạng trâu, bò thối. Mật phục tại 5 điểm trên thành phố, cơ quan chức năng Hà Nội đã phát hiện hơn một chục xe tải mang BKS của Hưng Yên chuyên chở thực phẩm bẩn vào các chợ của thành phố…

Ngày 21/12, Công an huyện Phú Xuyên (Hà Nội) bắt quả tang cơ sở của Nguyễn Văn Hưởng (39 tuổi, ở thôn Bái Đô, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên) đang sản xuất mỡ bẩn, thu giữ 1 tấn mỡ chưa qua sơ chế và hơn 8 tấn mỡ thành phẩm.

Ngày 22/12, PC49, Công an TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh bắt quả tang một hộ dân ở phường Đông Hưng Thuận (quận 12) tàng trữ 40 thùng xốp chứa nầm heo (khoảng 2,2 tấn). Số hàng trên không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối. Chủ lô hàng là Cao Chí Đông (quê Bến Tre) thừa nhận chuẩn bị bán cho các quán nhậu để chế biến món "nầm dê nướng". Kiểm tra ban đầu, cơ quan chức năng nhận định 2,2 tấn nầm heo đã được tẩm ướp chất bảo quản, được nhập lậu từ Trung Quốc rồi vận chuyển bằng đường bộ vào TP Hồ Chí Minh.

Trên đây chỉ là vài trong số hàng chục vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) được phát hiện trong thời gian gần đây. Theo đại diện Ban chỉ đạo 389, TP.Hà Nội, sở dĩ tình hình vi phạm ATTP vẫn diễn biến phức tạp là do sức mua ở mức thấp, hàng hóa không tiêu thụ được, hàng hóa hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng tồn kho nhiều nên dẫn tới hành vi sửa hạn sử dụng có dấu hiệu tăng. Do tình trạng suy thoái kinh tế, người dân có xu hướng lựa chọn nhưng mặt hàng giá rẻ, các đối tượng đã vận chuyển các mặt hàng ế thừa, quá hạn sử dụng, mầm dịch từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ làm cho tình hình ATTP ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, tâm lý người tiêu dùng.

Thiếu tá Ngô Anh Thuấn, Đội phó Đội 5, PC49, Công an TP Hà Nội, cho biết: Chưa bao giờ vấn đề thực phẩm bẩn lại nóng như hiện nay với hàng loạt các vụ vi phạm như dùng chất vàng ô, Salbutamol trong chăn nuôi; dùng chất bảo quản trong chế biến, thực phẩm bẩn tràn lan và số lượng cực lớn… Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng lâu dài tới cả một thế hệ nhưng chế tài xử lý vẫn chỉ dừng ở mức thu giữ tang vật và xử phạt hành chính thì không đủ sức răn đe. Ông Thuấn kiến nghị, Quốc hội cần bổ sung hành vi sử dụng chất cấm là một tội ác, cần phải truy tố theo Bộ luật Hình sự.

Trước thực trạng này, ông Trần Việt Hùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội khuyến cáo người dân cần phải lựa chọn và mua sản phẩm ở các cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị có tên tuổi rõ ràng, đảm bảo và đặc biệt phải rõ nguồn gốc hàng hóa. Từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường sẽ phối hợp với lực lượng Công an TP. Hà Nội tập trung toàn lực vào các mặt hàng liên quan đến bánh kẹo, nước giải khát và đặc biệt là vấn đề liên quan đến ATTP để người dân có được hàng hóa an toàn trong dịp Tết sắp tới.

Trên diễn đàn Quốc hội, một vị đại biểu đã phải thốt lên rằng: “Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại ngắn đến thế?”, còn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát phải “rùng mình, ớn lạnh” khi nghĩ đến hành vi đưa chất cấm vào thức ăn chăn nuôi hay dùng hóa chất làm chín, bảo quản thực phẩm. Rõ ràng vấn đề vi phạm ATTP đã đến hồi báo động, nếu ngành chức năng, hệ thống luật pháp không có những giải pháp đủ mạnh thì hậu quả thật khôn lường.

Trong năm 2015, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP.Hà Nội đã tổ chức thanh, kiểm tra 62.674 vụ (tăng 20.921 vụ so với năm 2014); tổng số vụ xử lý là 20.621 (tăng 1.410 vụ so với năm 2014); đã khởi tố hình sự 72 vụ đối với 98 bị can. Tổng số tiền phạt hành chính, thu ngân sách, tịch thu hàng hóa 2.694,6 tỷ đồng (năm 2014 là 3.034,4 tỷ đồng).

Khánh Nguyên

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Chiều 28/3, Tỉnh ủy Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết thực hiện Đề án hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đây là Đề án do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 25/4/2023 (Đề án 09) nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc".

  • Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc để "thổi giá đất" thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

  • Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách của năm 2024 là "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", tại phiên đối thoại, các đoàn viên thanh niên đã đặt nhiều câu hỏi đến các bộ ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xoay quanh chủ đề này.

  • Hành trình đưa cam ruột đỏ về Điện Biên

    Hành trình đưa cam ruột đỏ về Điện Biên

    Về Điện Biên những ngày đầu tháng 3, chủ ý đi ngắm hoa ban trắng và tham quan vùng đất anh hùng, nhưng đi loanh quanh thế nào lại gặp nhân duyên, đó là bà chủ farm Nguyễn Thị Lan Hương, người sáng lập Cara Farm ở bản Bồ Hóng, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

Top