Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 2 tháng 12 năm 2015 | 9:9

Dân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, huyện Thanh Trì liệu có xử lý?

Mặc dù pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, bà Đặng Thị Hồng dẫu biết rõ điều đó nhưng vẫn cố tình thuê đất và sau đó mở dịch vụ kinh doanh chụp ảnh cưới, thu phí làm giàu bất hợp pháp. Chủ đầu tư mắc sai phạm, chính quyền xã Thanh Liệt liệu có vô can?

Sự việc trên đang xảy ra tại Khu cánh đồng Ang – Đìa Kính (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội). Phản ánh đến Báo Kinh tế nông thôn, người dân bày tỏ sự bức xúc, yêu cầu giới chức TP. Hà Nội vào cuộc kiểm tra xử lý sai phạm, đưa diện tích đất nông nghiệp này về quỹ đạo sử dụng đúng mục đích.

Nhìn qua thấy các hạng mục khu chụp ảnh đơn sơ nhưng chủ đầu tư Đặng Thị Hồng ngày ngày bỏ túi hàng chục triệu đồng.

Chủ đầu tư khu đất sai phạm này là Đặng Thị Hồng (trú tại phòng 504, Nơ 22, Khu đô thị Pháp Vân Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội).

Theo tìm hiểu của phóng viên, lô đất này vốn là dự án tự chuyển đổi của các hộ dân. Do không trồng trọt được nên chính quyền cho phép sử dụng vào mục đích nuôi cá, chỉ được phép xây các hạng mục chính như nhà bảo vệ, kho thức ăn, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm…Nằm giáp ranh xã Tân Triều, cánh đồng Ang – Đìa Kính xưa kia vốn được xem là khu màu mỡ phục vụ phát triển nông nghiệp, giải quyết công ăn việc làm và đem lại thu nhập cho người dân. Thế nhưng gần đây, diện mạo làng quê dần thay đổi khi một số cá nhân ở địa phương khác đến thuê lại rồi mở dịch vụ chụp ảnh cưới.

Tuy nhiên, sau đó, bà Hồng đã đến thuê lại toàn bộ diện tích này rồi “hô biến” trở thành địa điểm kinh doanh chụp ảnh cưới trái phép, đem lại nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi ngày.

Nhiều hạng mục công trình được bà Hồng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Trước sự việc trên, ngày 8/10/2015, Thanh tra Xây dựng huyện Thanh Trì đã vào cuộc kiểm tra và kết luận: Chủ đầu tư khu dịch vụ phục vụ chụp ảnh cưới này có các hành vi vi phạm như: “Xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng; Hiện trạng đang thi công khung cột thép, mái lợp tôn, chiều dài 11,2m, chiều rộng 9,3m; tổng diện tích là 104m2; Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp…”.

Một ngày sau đó, UBND xã Thanh Liệt ban hành Quyết định số 152/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với công trình tại khu chuyển đổi đồng Ang (xã Thanh Liệt) do bà Đặng Thị Hồng làm chủ đầu tư.

Quyết định trên cũng nêu rõ, trong thời hạn ba ngày (kể cả ngày nghỉ) kể từ ngày ban hành quyết định này, nếu chủ đầu tư không tự tháo dỡ công trình thì sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ.

Trước việc chủ đầu tư hết thời hạn nhưng vẫn ngoan cố không chấp hành tự tháo dỡ các hạng mục sai phạm, giới chức xã Thanh Liệt sau đó đã tiến hành cưỡng chế công trình. Tuy nhiên, theo ghi nhận, đoàn công tác chỉ phá bỏ những phần công trình “bề nổi” lẻ tẻ và được cho là nhằm đối phó dư luận. Nhiều hạng mục vốn sai phạm sau đó vẫn ngang nhiên tồn tại cho đến nay.

Khảo sát tại khu đất này ngày 28/11, phóng viên ghi nhận chủ đầu tư không chỉ lập hàng chục hạng mục trang trí phục vụ chụp ảnh mà còn xây dựng mới thêm nhiều công trình kiên cố ngay trên đất nông nghiệp.

Thời gian này đang là cao điểm mùa cưới. Mỗi ngày khu dịch vụ chụp ảnh cưới này thu hút hàng chục cặp tình nhân đến thuê địa điểm. Điều đáng nói là, chủ đầu tư Đặng Thị Hồng đã ngang nhiên đứng ra thu 50.000 đồng/mỗi lượt khách ra vào thăm quan, chụp ảnh.

Sau khi bị cưỡng chế các hạng mục sai phạm, chủ đầu tư dự án này vẫn ngoan cố chống đối, tiếp tục xây thêm nhiều công trình sai phạm mới.

"Dù chụp ảnh hay chỉ đi thăm quan, mỗi người khi bước chân vào đều phải nộp 50.000 đồng mà không xuất vé kiểm soát. Vé gửi xe là 10.000 đồng/xe. Với lượng khách đông như vậy, chủ đầu tư mỗi ngày chắc phải đút túi cả trăm triệu đồng từ hoạt động kinh doanh không phép”, một vị khách đến đây chụp ảnh tiết lộ.

Mặc dù trách nhiệm chính để xảy ra sai phạm trên thuộc chính quyền xã Thanh Liệt nhưng ông Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch UBND xã này lại đùn đẩy trách nhiệm trả lời báo chí cho cấp dưới. Sau nhiều lần được liên hệ, người đứng đầu xã Thanh Liệt mới hồi đáp ngắn gọn rồi cúp máy: “Tôi bận họp. Nhà báo hãy liên hệ làm việc với đồng chí phó chủ tịch phụ trách kinh tế”.

Trả lời phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Đặng Đình Anh, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Liệt, thừa nhận việc chủ đầu tư Đặng Thị Hồng đang xây dựng, kinh doanh không phép trên đất nông nghiệp. Chính quyền địa phương đã nhiều lần cảnh cáo, nhắc nhở nhưng bà Hồng vẫn tỏ thái độ ngoan cố, chống đối, không chấp hành pháp luật. Trước việc chủ đầu tư khu dịch vụ này tự ý thu phí cao, vị phó chủ tịch phụ trách kinh tế xã Thanh Liệt tỏ ra bất ngờ bởi bà Hồng chưa tham gia đóng thuế thu nhập cho nhà nước. 

“Chúng tôi quản lý địa bàn cơ sở gặp nhiều khó khăn nên chưa thể giải quyết triệt để sai phạm tại hộ nhà bà Hồng được. Rất cần sự vào cuộc của lãnh đạo huyện Thanh Trì”, người phụ trách mảng kinh tế xã Thanh Liệt đề xuất.

Mặc dù sai phạm tồn tại trong một thời gian dài nhưng chưa bị xử lý, dư luận  hoài nghi rằng, phải chăng UBND xã Thanh Liệt dung túng, bao che hành vi sai phạm của chủ đầu tư Đăng Thị Hồng? Đề nghị UBND huyện Thanh Trì sớm vào cuộc thanh kiểm tra, xử lý sai phạm trên.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin về vụ việc.

Duy Cảnh

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top