Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 2 năm 2018 | 13:58

Đất cằn, công lao động rẻ, hoa Tết vẫn thu nhập cao

Ít ai biết rằng, trồng hoa Tết tận dụng đất vườn tạp, lao động nông nhàn, người cao tuổi… vẫn có thu nhập cao.

 

Phú Thọ: Phất lên từ trồng đào

Từ diện tích vườn tạp kém hiệu quả, nay được phủ kín bởi hàng ngàn cây đào cảnh cho thu nhập cao là mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Bùi Thị Tình ở khu 6, xã Thanh Đình, T.P Việt Trì.

 

pt-1.JPG

 Chị Tình chăm sóc vườn đào cho hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn đào của gia đình, chị Tình cho biết: Trước đây toàn bộ diện tích này trồng sắn, nhưng vì hiệu quả kinh tế thấp, cuộc sống gia đình khó khăn, anh chị suy nghĩ phải tìm hướng chuyển đổi sang hình thức canh tác khác cho thu nhập cao hơn. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ hoa của người dân lớn, đặc biệt là dịp Tết, năm 2007 gia đình chị quyết tâm cải tạo đất và chuyển sang trồng hoa đào cảnh.

Với số vốn ban đầu 50 triệu đồng, chị đầu tư 300 gốc đào, tích cực học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, uốn, tỉa cành. Sau 2 năm vườn đào đã bắt đầu có hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu chơi đào cảnh của nhiều người, chủ yếu là đào phai và đào bích. Chỉ 1.500 cây đào cảnh, trừ chi phí, có thu nhập trên 100 triệu đồng, có điều kiện xây dựng nhà mới kiên cố hơn, mua sắm phương tiện trong gia đình và nuôi các con học hành chu đáo.

Nói về nghề trồng đào, chị Tình chia sẻ: “Ngoài yếu tố thời tiết, hàng năm phải cải tạo và thay đất mới để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây; tùy theo tình hình sinh trưởng của cây để giảm hoặc ngừng lượng phân bón, hạn chế tăng trưởng thân và lá để đào ra hoa vào đúng dịp Tết”. Nhờ tích lũy kinh nghiệm thường xuyên và làm chủ kỹ thuật nên chị Tình năm nào cũng có đào đẹp bán Tết.

Những cây đào đẹp lâu năm được khách đến đặt tại vườn từ rất sớm. Nghề trồng đào của gia đình chị Tình không chỉ giúp cải tạo những vùng đất cằn cỗi mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cuộc sống, và còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương.

 Sa Pa: Địa lan hút khách

Với ưu điểm bông to, dài, cánh dày, thời gian nở lâu, giá bán phải chăng, nên địa lan Trần mộng Sa Pa được nhiều khách hàng lựa chọn. Theo một số nhà vườn, năm nay nhiều vườn lan không đủ hàng phục vụ nhu cầu khách mua. Chỉ còn hơn tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, thời điểm này, các nhà vườn, chủ kinh doanh hoa địa lan Trần Mộng đang tất bật chuẩn bị phục vụ nhu cầu của khách hàng

 

lc-2.jpg

 Địa lan Trần mộng Sa Pa được nhiều khách hàng lựa chọn do cánh dày, bền màu và thời gian nở dài.

 

Hiện, dọc Quốc lộ 4D (thành phố Lào Cai đi Sa Pa), rất nhiều nhà vườn kinh doanh lan Trần mộng đã hết hàng. Năm nay, gia đình anh Trần Văn Hậu, chủ vườn lan Cao Hòa, xã Tòng Sành (Bát Xát) có hơn 500 chậu địa lan, trong đó, hơn 200 chậu đủ tiêu chuẩn xuất bán. “Cách đây hơn 1 tuần, tôi đã bán hết hơn 200 chậu địa lan Trần mộng. Hiện, tôi đang phải đi tìm mua lan để “trả hàng” cho khách quen.

Năm nay, giá hoa lan Trần mộng có phần giảm hơn năm trước nên việc tiêu thụ cũng có phần thuận lợi. Hiện, mỗi bông địa lan Trần mộng có giá từ 200.000 đến hơn 2 triệu đồng, tùy màu bông, thế chậu, lượng bông trên một chậu…”, anh Hậu chia sẻ.

Chỉ tay về phía chậu địa lan Trần mộng cánh xanh, anh Hậu cho biết thêm: “Chậu địa lan này có 30 bông, tôi đã bán cho khách với giá 70 triệu đồng. Giá trị của chậu lan này nằm ở chỗ thế chậu tròn đều, bông to, đều, nở đúng dịp tết, lá xanh, mướt và có mầm lộc non”.

Cẩn thận chằng chậu địa lan lên xe máy để chở ra T.P Lào Cai giao cho khách hàng, anh Hạng A Sang, xã Sa Pả (Sa Pa), cho biết: “Năm nay, tôi trồng hơn 30 chậu địa lan Trần Mộng, trong đó có 13 chậu đạt tiêu chuẩn xuất bán. Đây là chậu cuối cùng trong vườn nhà và đã có người đặt mua. Với 13 chậu địa lan Trần mộng (trung bình mỗi chậu từ 12 - 18 bông), tôi có nguồn thu hơn 30 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình tôi có thể sắm tết tươm tất”.

Còn theo anh Nguyễn Tiến Chinh, chủ ki ốt hoa lan tại chợ hoa Bắc Cường (thành phố Lào Cai), do giá địa lan Trần mộng năm nay không cao, nên lượng tiêu thụ rất tốt. Chỉ tính riêng trong ngày 5/2, anh Chinh đã bán ra thị trường được 50 chậu hoa lan, chậu lan có giá thấp nhất 2 triệu đồng, cao nhất là 25 triệu đồng.

Dịp Tết Nguyên đán 2018, số lượng và chủng loại hoa bày bán tại các chợ hoa trên địa bàn các đô thị khá nhiều, tuy nhiên, địa lan Trần mộng của Sa Pa vẫn được nhiều khách hàng lựa chọn. Anh Phạm Văn Cường, phường Ngọc Thuỵ, quận Gia Lâm (Hà Nội), khách hàng mua địa lan Trần mộng cho biết: “Dù có nhiều loại phong lan, nhưng tôi chọn mua địa lan Trần mộng về trang trí nhà dịp tết vì đây là loài hoa đặc trưng của Sa Pa; cánh hoa dày, bông nở bền, màu đẹp. Giá hoa năm nay cũng rẻ hơn so với mọi năm, phù hợp với thu nhập của tôi”.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Sa Pa, trên địa bàn hiện có 70.000 chậu địa lan các loại, trong đó hơn 10.000 chậu đủ tiêu chuẩn xuất bán ra thị trường dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Năm nay, dù thời tiết gần tết có nhiều bất lợi (mưa nhiều, lạnh giá, băng tuyết), nhưng do các nhà vườn chủ động nắm thông tin thời tiết, kịp thời di chuyển lan về vùng thấp tránh rét nên không có thiệt hại nhiều. Số lượng lan cung ứng ra thị trường nhiều, nên giá bán theo đó cũng không tăng, phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng.

Văn Quán: Triển vọng nghề hoa, cây cảnh Tết…

Nghề trồng hoa, cây cảnh tại xã Văn Quán (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) những năm gần đây đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương... đem lại lợi ích kinh tế, cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân

 

3.jpg
 

         Vườn hoa, cây cảnh hộ  ông  Sơn, xã Văn Quán thu lãi khoảng 60 triệu đồng/năm.

 

Tại xã Văn Quán, việc trồng hoa, cây cảnh đã có từ lâu, song vài năm trở lại đây, nghề này mới thực sự phát triển. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 100 hộ dân trồng hoa, cây cảnh, cho thu nhập trung bình mỗi năm từ 60 - 150 triệu đồng/ hộ, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, trong đó, đối tượng chủ yếu là lao động nông nhàn và người cao tuổi. Loại cây cảnh chính được trồng là: Si, lộc vừng, đa...; hoa trồng chủ yếu là: Hồng cổ Sapa, cẩm tú cầu, mẫu đơn... Sản phẩm hoa, cây cảnh của xã được người dân trong tỉnh và một số khách hàng ở địa phương các tỉnh lân cận tìm đến đặt mua như: Phú Thọ, Hải Phòng, Hà Nội...

Bí thư Đảng ủy xã Văn Quán Vũ Hiền Lương cũng là một thành viên trong Hội Sinh vật cảnh và Làm vườn của xã, chia sẻ: “Văn Quán là địa phương có diện tích đất vườn tương đối rộng, thuận lợi cho việc trồng hoa, cây cảnh. Trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập cao hơn so với trồng cây nông nghiệp, công việc lại nhẹ nhàng, ít vất vả hơn làm ruộng và trồng rau màu.

Tuy nhiên, nghề trồng hoa, cây cảnh đòi hỏi tính nghệ thuật, sự khéo léo của người trồng thì mới có thể làm và sống bằng nghề này. Để phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh, xã thành lập Hội Sinh vật cảnh và Làm vườn với mục đích cho hội viên tham gia giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trồng cây, từ đó, nhân rộng thêm nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn, quảng bá thương hiệu ra thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm”.

Đến thăm vườn hoa cây cảnh của gia đình ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh và Làm vườn của xã, ở thôn Lan Hùng, xã Văn Quán, ông cho hay: “Nhà tôi trồng hoa, cây cảnh đến nay đã gần 30 năm, mới đầu trồng hoa, cây cảnh vì niềm đam mê với nghệ thuật chứ không tính đến chuyện làm kinh tế, song, nhiều năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu chơi cây cảnh, chơi hoa của người dân ngày càng cao, gia đình tôi đã phát triển nghề này.

Trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập trung bình mỗi năm trên dưới 100 triệu, có những năm lãi lớn cho thu nhập tới vài trăm triệu. Gia đình tôi hiện đang trồng các loại cây: Si, lộc vừng… cảnh, tạo thế nghệ thuật theo phong thủy, điển tích lịch sử…, ngoài ra, tôi còn trồng thêm các loại hoa: Hồng cổ Sapa, lan, thược dược…

Loại cây cảnh cho giá trị kinh tế cao của địa phương là cây si, có những cây có giá tới 150 – 360 triệu đồng; loại hoa có giá trị nhất là Hồng cổ Sapa bởi loại hoa này rất hiếm, lại đẹp, người sành chơi mới thưởng thức hết được nét nghệ thuật của nó, giá cho một cây Hồng cổ Sapa dao động từ 5 – 20 triệu đồng/1 cây (tùy thuộc vào tuổi thọ của gốc)”.

Cũng là một hộ trồng hoa, cây cảnh lâu năm của xã, gia đình ông Nguyễn Ngọc Sơn ở thôn Sa Phùng, xã Văn Quán hiện đang trồng si, đào, quất, hồng nhung, hồng bạch... trên diện tích đất vườn rộng hơn 300 m2 song cũng thu lãi khoảng 60 triệu đồng mỗi năm. Theo ông Sơn, trồng hoa ngắn ngày, lại cho thu lãi cao; trồng cây cảnh nghệ thuật thì cần tính kiên nhẫn, khéo léo của người thợ bởi để tạo được thế cây đẹp có khi mất tới 5- 10 năm, song nếu tạo hình thành công 1 cây sẽ cho giá trị từ 15 - 150 triệu đồng (tùy thuộc vào chất lượng nghệ thuật của cây qua cảm nhận của khách hàng).

Để nghề trồng hoa, cây cảnh của xã phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, UBND xã Văn Quán chỉ đạo Hội sinh vật cảnh và Làm vườn xã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tích cực tuyên truyền, khuyến khích và hướng dẫn người dân trồng hoa, cây cảnh để từng bước tạo vùng sản xuất tập trung, gây dựng thương hiệu hoa, cây cảnh của địa phương nhằm tạo đầu ra sản phẩm ổn định trong thời gian tới.

 

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top