Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 2 tháng 10 năm 2017 | 1:59

Dấu ấn 15 năm tín dụng chính sách tại Hà Tĩnh

KTNT - 15 năm qua, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã trở thành địa chỉ tin cậy, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu. Không chỉ trao “cần câu” giúp người dân thoát nghèo mà thông qua việc tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp họ tiếp cận phương thức sản xuất mới, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
 
Địa chỉ “cứu cánh” cho người nghèo
 
Gặp lại anh Trần Văn Hùng, Thôn 5, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên sau 3 năm chúng tôi thấy ngỡ ngàng vì gia cảnh nay của anh nay đã khác: Cuộc sống gia đình từng bước ổn định,con cái được học hành,nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi.
 
 Nhớ lại “hành trình’ thoát nghèo của mình anh chia sẻ, trước đây nguồn thu chính của cả gia đình tôi chủ yếu dựa vào mấy sào suộng khoán, vài con lợn, vài lứa gà hàng năm và công việc phụ hồ của bản thân, vợ trông con nhỏ nên không thể làm việc gì khác. Do đó, cuộc sống của gia đình với 4 miệng ăn luôn trong tình trạng thiếu thốn, từ khi ra ở riêng năm nào gia đình tôi cũng nằm trong danh sách Hộ nghèo hoặc Hộ cận nghèo của xã. Hoàn cảnh càng khó khăn hơn khi con gái lớn chuẩn bị bước vào học cấp 2 và con trai thứ hai chuẩn bị vào lớp 1 với rất nhiều khoản đóng góp cùng với sách vở, quần áo. Có thể nói với điều kiện gia đình tôi vào thời điểm đó thì nguy cơ thất học của hai đứa con là rất cao..
 
Năm 2014, nhờ sự hướng dẫn của Hội Cựu chiến binh xã, ban cán sự thôn cùng ban quản lý Tổ TK&VV thôn 5  tư vấn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, trong một thời gian ngắn anh  đã được kết nạp vào Tổ TK&VV và được bình xét cho vay số tiền 30 triệu đồng vào ngày 24/02/2014, thuộc chương trình Hộ cận nghèo. Có  vốn trong tay, gia đình anh đã đầu tư mua 2 con Bò nái hết 22 triệu đồng, số còn lại chi phí đào ao thả cá và mua một số giống cây ăn quả. Nhờ cần mẫn chăn nuôi, tích cực học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, gia đình anh đã từng bước gây đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi đến nay trang trại của gia đình anh đã có 25 con bò, khoảng 500 con gà thịt thả đồi, 50 con vịt,  2 sào ao thả cá quả, vườn cây ăn quả với  nhiều loại cây đã thu hoạch như cam, ổi....Với tổng thu nhập trung bình hàng năm của gia đình khoảng 200 đến 250 triệu đồng, ai cũng mừng cho hành trình “thoát nghèo” của gia đình anh.
 
 “Mình có sức lao động, có ruộng vườn, nhưng vẫn loay hoay với cái nghèo, cũng bởi không biết xoay xở đồng vốn đâu ra để mở rộng canh tác, chăn nuôi. Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại có cuộc sống như ngày hôm nay cũng may có nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH dành cho Hộ cận nghèo cùng sự giúp đỡ nhiệt tình của các ban ngành của xã mà trực tiếp là Hội Cựu chiến binh là đơn vị quản lý tổ TK&VV thôn 5- xã Cẩm Quan mà gia đình tôi mới có cơ hội thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu; tôi  mong sẽ có  nhiều hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn này sử dụng có hiệu quả để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu như gia đình tôi.”, anh Hùng tâm sự. 
 
“Ngày các con tôi nhận giấy báo đỗ đại học, Vợ chồng tôi vừa mừng vừa tủi. Mừng vì ước mơ của con đã thành hiện thực, tủi vì kinh tế gia đình còn khó khăn, sợ không có đủ tiền cho con theo học. Trong lúc bế tắc, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi cho vay đối với học sinh sinh viên đã đến với gia đình tôi như một chiếc phao cứu sinh. Phải nói, Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về chương trình tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn của Thủ tướng Chính phủ là một quyết định đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân, như đã tiếp thêm sức mạnh để gia đình tôi tiếp tục đặt niềm tin vào sự nghiệp trồng người. 
 
Sau 10 năm được thụ hưởng vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội. Đến nay khi con cái đã tốt nghiệp và có công ăn việc làm, gia đình tôi thầm cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính quyền địa phương, NHCSXH đã giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, giúp các cháu được học hành đầy đủ, tạo hành trang để các cháu phấn đấu tạo chỗ đứng cho mình trong xã hội. Đó là những chia sẻ của chị Lê Thị Như Hà, Thôn Vọng Sơn, xã Tùng Ảnh, Huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
 
Tín dụng chính sách giúp nông dân nghèo ở Hà Tĩnh thoát nghèo
 
Không riêng gia đình anh Hùng, chị Hà mà có 425 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ở HàTĩnh không ít hộ đã coi nguồn vốn vay được như “cứu cánh”, như cái “phao” để họ bơi được, đứng vững và vươn lên thoát nghèo. Từ các nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều thanh niên đã có điều kiện học tập, sản xuất, vững vàng trên con đường lập thân, lập nghiệp,  nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã có điều kiện phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tạo thêm việc làm cho gia đình; nhiều hộ có điều kiện đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Đặc biệt, nhiều hộ nghèo từ làm ăn nhỏ, lẻ đã phát triển trở thành các chủ trang trại có quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, thu hút nhiều lao động và việc làm ổn định và giúp được nhiều hộ khác thoát nghèo.
 
Hành trình 15 hoạt động của NHCSXH Hà Tĩnh
 
Đi với cán bộ NHCSXH Hà Tĩnh mới thấy công việc của họ không chỉ đơn thuần là cho vay và thu nợ, mà đôi khi giống công tác dân vận nhiều hơn. Mang tiền về tận xã, vận động người nghèo và đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi, không phải thế chấp tài sản, thủ tục nhanh gọn; rồi cán bộ NHCSXH còn phối hợp với chính quyền, các hội đoàn thể hướng dẫn hộ vay cách làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Với các hộ chây ì, cán bộ ngân hàng lại phải kiên trì tuyên truyền, thuyết phục để người vay hiểu rằng việc trả nợ đúng hạn sẽ giúp cho nhiều hộ nghèo khác có cơ hội được vay vốn để thoát nghèo.
 
Vì thế, những dấu chân không mỏi mệt của cán bộ NHCSXH đến các làng quê, từng hộ dân ... đã giúp cho chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn không ngừng nâng cao.
 
15 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ có sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể, chính trị xã hội nhận ủy thác cho vay tại mỗi địa phương. Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH từ tỉnh đến huyện đã thực hiện việc thực thi, giám sát công tác tín dụng chính sách của chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn. Nhờ đó, hoạt động tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã không ngừng được mở rộng và hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu mới về phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
 
Từ 2 chương trình tín dụng là cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm khi mới thành lập, đến nay đã triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng (trong đó: có 13 chương trình cho vay theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 chương trình cho vay theo Quy chế ủy thác của UBND tỉnh). Doanh số cho vay trong 15 năm đạt 10.365 tỷ đồng với hơn 425 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, doanh số thu nợ là 6.542 tỷ đồng, tổng dư nợ đến 31/8/2017 là 4.046 tỷ đồng, tăng 3.812 tỷ đồng so với khi mới thành lập (tăng 17,3 lần), với hơn 154 ngàn khách hàng.
 
Từ nguồn vốn này tạo việc làm cho gần 113 ngàn lao động; có gần 102 ngàn hộ thoát ngưỡng đói nghèo, trên 41 ngàn hộ cải thiện đời sống; gần 45 ngàn hộ có chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn; 5.519 lao động đi làm việc ở nước ngoài; trên 125 ngàn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 155 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; xây dựng, sửa chữa trên 10 ngàn căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 800 ngôi nhà cho hộ nghèo tránh lũ…
 
Ông Lưu Văn Minh, Giám đốc NHCSXH Tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: Các chương trình tín dụng ưu đãi NHCSXH Hà Tĩnh triển khai trong thời gian qua đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực, đúng đối tượng thụ hưởng, giúp nhiều vùng quê, nhiều gia đình bớt đi cảnh nghèo khó, cải thiện cuộc sống; đồng thời góp phần đẩy nhanh phong trào xây dựng nông thôn mới tại các vùng quê, làm cho bộ mặt nông thôn Hà Tĩnh thêm khởi sắc.Từ nay đến năm 2020, chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh đề ra mục tiêu bảo đảm 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện có nhu cầu đều được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng chính sách xã hội; thực hiện tốt chỉ tiêu huy động vốn Ngân hàng chính sách xã hội giao; nâng cao chất lượng tín dụng bảo đảm nợ quá hạn dưới 0,1% tổng dư nợ…
 
Anh Bình - Trà Giang
 
 
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top