Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 8 tháng 4 năm 2018 | 19:4

Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, cá lồng trên sông

Hiện, nhiều địa phương trên cả nước đang đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, cá lồng trên sông, thả cá giống để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Quảng Bình: Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản

Những năm qua, người dân xã Võ Ninh đã mạnh dạn đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương.

qb-11.jpg

Nông dân xã Võ Ninh chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản

Hơn chục năm trở lại đây, nhiều người dân trên địa bàn xã Võ Ninh đã tận dụng những lợi thế về tự nhiên, địa hình để chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp trũng thấp sang nuôi trồng thủy sản. Thời gian đầu khi mới triển khai, do chạy theo lợi nhuận, nhiều hộ gia đình ở xã Võ Ninh nuôi trồng ồ ạt, chưa chú trọng đến yếu tố kỹ thuật và vấn đề xử lý môi trường. Vì thế, lợi nhuận tuy cao nhưng rủi ro cũng nhiều; không ít hộ nuôi rơi vào cảnh trắng tay.

Trước thực trạng đó, xã Võ Ninh định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Đây cũng chính là một trong những nội dung quan trọng của nghị quyết HĐND xã đề ra về phát triển kinh tế, gắn sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp với nhu cầu thị trường, trong đó xác định nuôi trồng và khai thác thủy hải sản là hướng đột phá quan trọng.

Để người dân phát triển nuôi trồng thủy sản một cách bền vững, bên cạnh việc tạo điều kiện về con giống, nguồn vốn, xã Võ Ninh còn tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn trên địa bàn quan tâm hỗ trợ cho người dân về mặt kỹ thuật.

Anh Trần Quang Định, thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, một trong những hộ gia đình có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất xã cho biết, bình quân mỗi năm, gia đình anh nuôi trên 1ha, chủ yếu là các loại tôm sú, thẻ chân trắng. Được sự hỗ trợ của xã, nhiều nông dân như anh đã được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn phổ biến kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, được trang bị các kiến thức về vệ sinh ao hồ, phòng chống dịch bệnh, chọn giống..., nhờ đó, góp phần nâng cao sản lượng và thu nhập.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh cho biết, năm 2017, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn xã là 167,4ha, tăng 0,7% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi nước ngọt 120,8ha, tăng 3,6ha so với kế hoạch; diện tích nuôi nước lợ 46,6ha, đạt 94% do một số diện tích cao không nuôi.

Do ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết, nắng nóng gay gắt và mưa nhiều, bệnh đốm trắng ở tôm và dịch bệnh trên cá nước ngọt phát sinh mạnh, nên nhìn chung giá trị nuôi trồng thủy sản của xã vẫn không đạt được như kỳ vọng. Chính vì vậy, bước vào vụ nuôi trồng mới năm nay, xã đề ra nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế trong quá trình sản xuất.

Trong đó, xã tập trung hướng dẫn người dân chú trọng vào việc tiến hành cải tạo và vệ sinh ao đầm, chuẩn bị các điều kiện nuôi thả vụ mới. Đồng thời, xã cũng huy động kinh phí, nhân lực để tu sửa các cống đầu mối, nạo vét kênh mương phục vụ cho nuôi trồng thủy sản của người dân.

Nhờ đó, quý I năm 2018, diện tích nuôi trồng cá nước ngọt đạt 100% kế hoạch. Sản lượng đánh bắt, nuôi trồng ước đạt 129/532 tấn, đạt 24,3% kế hoạch và tăng so với cùng kỳ. Riêng các hộ nuôi trồng nước lợ đang tiếp tục tu sửa, vệ sinh ao hồ để đưa vào nuôi.

Với sự chỉ đạo và quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương, người dân xã Võ Ninh đang nỗ lực phát triển hơn nữa nghề nuôi trồng thủy sản, qua đó, từng bước hoàn thành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phú Thọ: Hiệu quả mô hình nuôi cá lồng trên sông Lô

Những năm gần đây, một số hộ dân sinh sống ở khu 1, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì đã biết tận dụng, khai thác các ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng như nguồn nước sạch, đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi cá lồng trên sông Lô, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mỗi bè cá lồng có chiều rộng từ 4-5m, dài từ 25-30m tùy vào quy mô đầu tư chăn nuôi của mỗi gia đình. Trong một bè cá được ngăn làm nhiều lồng, nuôi nhiều loại cá khác nhau, như: Lăng, trắm, chép, rô phi... Để nuôi cá hiệu quả, các hộ dân sống dọc bờ sông luôn cùng nhau bảo vệ, giữ gìn môi trường nước. Giống và thức ăn cho cá được các hộ nuôi cá chọn mua ở các cơ sở nuôi trồng thủy sản uy tín của tỉnh; cỏ, rau, lá sắn... tận dụng từ cây trồng dọc bên bờ sông, vườn nhà. Nếu thả cá giống nặng từ 0,2-0,3kg/con, chỉ sau một năm đã đạt 2,5-3kg/con, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Trừ chi phí, mỗi bè cá (có từ 4-5 lồng) cho thu lãi từ 200-250 triệu đồng/năm.

Ông Trần Huy Tân – khu 1, xã Phượng Lâu là một trong số những hộ có số lượng lồng bè nhiều nhất với 21 lồng chủ yếu nuôi cá lăng, cá trắm tâm sự: "Trước đây gia đình tôi chăn nuôi lợn, gà là chính nhưng kinh tế gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2014, tôi quyết định đầu tư làm bè nuôi cá lồng. Hai năm đầu chưa có lãi, còn đọng vốn, nhưng đến hai năm tiếp theo, cá xuất bán bắt đầu thu hồi vốn và sinh lãi, kinh tế gia đình dần ổn định, phát triển. Riêng cá lăng phải nuôi 2 năm mới đủ độ lớn và có giá cao”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch Hội nông dân xã Phượng Lâu cho biết: "Đến thời điểm hiện nay, toàn xã có hơn 21 gia đình nuôi cá lồng với gần 60 lồng cá. Đây là một nghề mới, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống và tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương"

ThừaThiên Huế: Thả 46.000 cá giống xuống sông Hương

Đây là hoạt động nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng, xã hội có trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung và môi trường thủy sản nói riêng.

 

ca-3.JPG

Thả 46.000 con cá giống tạo điều kiện giúp các loài thủy sản sinh trưởng và phát triển tốt hơn.

 

Tuần qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ tái tạo nguồn lợi thủy sản nước ngọt trên sông Hương, góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

46.000 con cá giống gồm, cá lóc, trê, trắm, mè được thả xuống thủy vực sông Hương. Trong đó, ngân sách Nhà nước cấp 18.000 con, phần còn lại do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tài trợ.

Hoạt động này cũng nhằm bổ sung các giống loài thủy sản tại các sông, hồ đang suy giảm; tạo điều kiện cho các loài thủy sản sinh trưởng và phát triển, làm cân bằng môi trường hệ sinh thái đang bị ảnh hưởng.

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top