Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 9 năm 2017 | 2:38

Để phát triển chợ đầu mối nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư

Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, chợ đầu mối nông sản là kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối được sản xuất với phân phối và tiêu dùng nông sản đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, hệ thống chợ đầu mối nông sản của Việt Nam còn yếu, chưa có chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp nên rất cần có giải pháp đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư và quản lý theo hình thức xã hội hóa.

Nhiều loại nông sản bày bán tại chợ nông sản Dầu Giây (Đồng Nai). Ảnh: TPO.

Số lượng còn khiêm tốn

Theo Báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tính đến 31/12/2016, cả nước có 8.513 chợ, trong đó chợ hạng I là 238, chợ hạng II là 902, chợ hạng III là 7.373. Trong số 8.513 chợ, có 94 chợ đầu mối bán buôn trên cả nước (chiếm 1,1%).

Các mặt hàng được bày bán trong chợ khá đa dạng, phần lớn là các mặt hàng thủy – hải sản tươi sống, rau củ quả tươi. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hội, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng thừa nhận một thực tế, hầu hết các sản phẩm trong chợ đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các mặt hàng rau, quả, gia súc, gia cầm. Thương lái chủ yếu gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc trang trại; việc mua bán còn mang tính cổ điển, không có hợp đồng mua bán cũng không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Dù là thị trường tiêu thụ khối lượng nông sản lớn nhất nhì cả nước nhưng đến nay, trên địa bàn TP.Hà Nội mới chỉ có 2 chợ đầu mối (chợ đầu mối phía Nam – khu đô thị Đền Lừ - Hoàng Mai và chợ đầu mối Minh Khai - xã Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) và 6 chợ hoạt động mang tính đầu mối gồm: Đồng Xuân, Long Biên, chợ gia cầm Hà Vĩ, chợ hoa Quảng An, chợ cá Yên Sở.

Ông Đàm Chiến Thắng, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.Hà Nội, đánh giá, do quy mô nhỏ nên các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối chưa đảm nhận được chức năng đầu mối để tập trung các mối hàng cung cấp cho thị trường Hà Nội. Tổng lượng hàng hóa lưu thông qua 2 chợ đầu mối để phân phối cho thị trường thành phố chỉ chiếm chưa đến 30%. Đó là chưa kể việc kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ còn nhiều bất cập. Một lượng không nhỏ hàng hóa kinh doanh tại chợ được các hộ dân tự sản xuất và mang đến chợ kinh doanh, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc trong các trường hợp cần thiết.

Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), người tiêu dùng vẫn có thói quen mua thực phẩm, rau quả ở các chợ truyền thống. Đơn cử như tại Hà Nội, rau được phân phối qua hệ thống 8 chợ đầu mối bán buôn rau (trong đó chỉ có 1 chợ có ngăn khu vực giao dịch rau an toàn), 395 chợ dân sinh và một số siêu thị, trung tâm thương mại. Vì vậy, việc hình thành các chợ đầu mối nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là một đòi hỏi tất yếu.

Còn nhiều khó khăn

Với 231km đường biên tiếp giáp Trung Quốc, 12 cửa khẩu các loại, Lạng Sơn đã và đang trở thành một trong những cửa ngõ quan trọng trong xuất - nhập khẩu hàng hóa với thị trường Trung Quốc. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cũng tạo điều kiện cho tỉnh này có nhiều loại nông sản đặc trưng như: quýt Bắc Sơn, na Chi Lăng, hồng Bảo Lâm, hoa hồi, nhựa thông,... Vì vậy, việc hình thành chợ đầu mối nông sản là hết sức cần thiết.

Theo quy hoạch, Lạng Sơn sẽ có một trung tâm bán buôn, giao dịch chợ đầu mối nông, lâm sản tổng hợp, tiến đến phát triển thành sàn giao dịch nông sản tại ngoại vi thành phố Lạng Sơn. Tuy nhiên, cho đến nay, việc xây dựng chợ vẫn chưa được triển khai do thiếu nguồn lực. Bên cạnh đó, công tác thực hiện xã hội hóa đầu tư còn hạn chế do chưa thu hút được doanh nghiệp có đủ năng lực để thực hiện.

Tại Hà Nội, việc cung cấp các loại giấy tờ về an toàn thực phẩm tại các chợ hạng 2 và chợ hoạt động có tính chất đầu mối hầu như chưa được thực hiện quyết liệt. Theo báo cáo sơ bộ của các quận, huyện, thị xã, tỷ lệ cấp các loại giấy tờ về an toàn thực phẩm tại chợ trên địa bàn thành phố mới đạt khoảng 30%. Nguyên nhân một mặt do các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại chợ chưa rõ ràng, chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ ngỏ; công tác chỉ đạo, điều hành của địa phương chưa quyết liệt,...

Theo ông Nguyễn Văn Hội, việc phát triển các chợ đầu mối nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm tại các địa phương hiện nay còn một số hạn chế như: Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, tiến độ chậm, ảnh hưởng đến việc thu hút các nguồn lực đầu tư. Công tác đào tạo đội ngũ thương nhân chuyên nghiệp, nhân viên thương mại nghiệp vụ có trình độ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản. Các tỉnh, thành phố đều quan tâm đến tính liên kết phát triển hàng hóa nhưng trên thực tế, việc gắn kết giữa các địa phương trong triển khai thực hiện quy hoạch phát triển chợ còn hạn chế.

Liên kết đầu tư

Cuối năm 2015, tỉnh Đồng Nai triển khai xây dựng chợ đầu mối nông sản Dầu Giây (thuộc huyện Thống Nhất). Chợ do Công ty CP Bất động sản Thống Nhất và Công ty TNHH MTV Proton đầu tư với diện tích 19.670m2, được bố trí sắp xếp thành 216 ô vựa với diện tích từ 16-32m2/ô vựa, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 28/6/2017. Hơn 3 tháng qua, đã có 75 ô vựa hoạt động, chiếm 35%. Lượng hàng hóa nông sản ra - vào chợ hiện nay trung bình 200 tấn/ngày đêm.

Từ thành công bước đầu trong hoạt động của chợ đầu mối nông sản Dầu Giây, đại diện Sở Công Thương Đồng Nai, cho rằng, muốn chợ hoạt động hiệu quả, phải huy động các nguồn lực đầu tư theo hình thức xã hội hóa; đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và chợ đầu mối được coi là nơi tập kết để thực hiện khâu phân phối trong chuỗi liên kết; có thể xây dựng các điểm dừng chân và kết nối các tour du lịch để khách tham quan mua sắm; xây dựng thương hiệu cho chợ để thu hút khách và thương nhân.

Còn theo đại diện Sở Công Thương Tiền Giang, quá trình hiện đại hóa chợ bán buôn nông sản có thể theo từng giai đoạn, từ chợ bán buôn nông sản mở rộng thành đầu mối xuất nhập khẩu nông sản, rồi phát triển thành trung tâm giao dịch nông sản đa sản phẩm của tỉnh, của vùng.

Từ thực tế triển khai tại các địa phương, ông Nguyễn Văn Hội cho rằng, đối với  tỉnh nghèo, nguồn thu ngân sách khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, có nhu cầu bức xúc về chợ nhưng không có khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và vốn của cư dân trên địa bàn để đầu tư phát triển chợ thì Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ vốn đầu tư chợ nông thôn và chợ đầu mối nông sản.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi giao vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước hàng năm cho các địa phương cần tách nguồn vốn đầu tư phát triển chợ thành mục riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ.

UBND các tỉnh, thành phố ban hành cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, vận hành chợ; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng chợ; tiếp tục chú trọng tới yếu tố văn minh, hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường nhưng vẫn giữ được bản sắc, văn hóa chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản truyền thống.

Anh Thơ

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top