Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 5 năm 2019 | 13:54

Đền Ông Hoàng Mười: Điểm du lịch tâm linh

Trong số thập vị quan Hoàng, Thánh ông Hoàng Mười được gắn với các nhân vật có công với nước trong sử sách nhiều nhất.

2.JPG
Đền thờ Đức Hoàng Mười ở Hưng Nguyên - Nghệ An.

 

Do đó, việc nhân dân suy tôn ông là Thánh là điều dễ hiểu. Vì là “Đức Thánh minh” nên nhân dân lập đền thờ để tưởng nhớ.

Đức Thánh Hoàng Mười được biết đến như một nhân vật quan trọng trong hệ thống thần điện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt,  được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cùng với đó, người dân Việt cũng hình thành nét văn hóa du lịch tâm linh hướng về Đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An), nơi đây thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Nổi tiếng linh thiêng

 Ông Hoàng Mười là một “Đức Thánh Minh” trong hàng các ông quan Hoàng của tín ngưỡng Đạo Mẫu, được nhiều người ngưỡng mộ và được thờ ở nhiều địa phương trong nước. Ông được giao cai quản về tâm linh - trấn giữ một vùng non nước dọc sông Lam, nên những nơi thờ Tứ Phủ theo Đạo Mẫu Nghệ An đều thờ ông, nhưng chỉ là phối thờ. Còn đền thờ chính ông Hoàng Mười có tên gọi là đền Xuân Am (hay Mỏ Hạc Linh Từ), tọa lạc ở xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên).

Đền có quy mô bề thế với các công trình kiến trúc như tam quan có voi quỳ, hổ phục; cửa tả - cửa hữu với đôi cột nanh sừng sững; ba tòa hạ điện, trung điện và thượng điện uy nghi. Toàn bộ kiến trúc của đền ông Hoàng Mười mang dáng dấp thời Nguyễn, được chạm trổ công phu, các chi tiết long, lân, quy, phụng được chạm khắc sinh động.

Nhìn từ xa, đền ông Hoàng Mười tọa lac trên vị trí rất uy nghi, tĩnh mặc, phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Trước mặt đền là dòng Lam giang như dải lụa xanh trải rộng, thuyền bè tấp nập ngược xuôi sông Cồn Mộc quanh co, uốn khúc ôm ấp quanh đền; đôi bờ là những đồng lúa bát ngát. Phía sau, bên kia sông Cồn Mộc là núi Kỳ Lân, núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô với những dấu tích lịch sử.

Ngoài cảnh đẹp kỳ thú, từ lâu, đền đã nổi tiếng linh thiêng vì ở đây ngoài thờ quan Hoàng Mười, còn phối thờ các vị Song Đồng Ngọc Nữ; vị Quốc công Thái bảo Phúc Quận Công; Phụ Quốc Thượng tướng quân Nguyễn Duy Lạc.   

Điểm hẹn tâm linh

Du lịch tâm linh là một trong những thế mạnh của du lịch Nghệ An, trong đó Đền Ông Hoàng Mười thực sự là điểm nhấn đặc sắc, hàng năm thu hút hàng vạn du khách và đông đảo nhân dân về tham quan, đặc biệt là vào dịp Lễ hội rước sắc vào ngày 14/3 và Lễ giỗ ông Hoàng Mười vào ngày 10/10 âm lịch. Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười đã vượt phạm vi một làng, một vùng mà thu hút nhiều du khách về tham dự từ trước  ngày diễn ra chính lễ.

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hưng Nguyên Nguyễn Văn Đàn, Đền Ông Hoàng Mười là một biểu tượng về tâm linh, địa chỉ giáo dục tinh thần yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ trẻ. Thường thì đầu năm, du khách thập phương đến đây dâng lễ với mong ước một năm bình an, may mắn và đến cuối năm lại về đền trả lễ tạ ơn. Hàng năm, Đền Ông Hoàng Mười thu hút hàng chục vạn lượt khách thập phương.

Ngày 28/9/2018, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 4339/QĐ-UBND công nhận điểm du lịch văn hóa tâm linh Đền Ông Hoàng Mười, nhằm phát huy giá trị của di tích, thu hút ngày càng đông du khách thập phương đến tham quan, sinh hoạt văn hóa tâm linh. Để phục vụ tốt cho du khách đi lễ, Ban quản lý Đền Ông Hoàng Mười đã tham mưu chính quyền các cấp kiện toàn đội ngũ làm công tác quản lý, huy động nguồn lực nâng cấp, cải tạo một số hạng mục trong và ngoài khu vực đền, tạo không gian thoáng đãng, thanh tịnh. Xung quanh di tích, một số hạng mục như: nhà rửa lễ đã được xây dựng; khu vực dịch vụ tấu, sớ, khu vực người giúp lễ phục vụ khách được bố trí hợp lý, gọn gàng, đảm bảo an ninh trật tự. Các hạng mục hậu cần khác như khu vực nhà vệ sinh, hệ thống đường đi, lối lại, nhà để xe đều được đầu tư nâng cấp, bố trí khoa học.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đàn, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hưng Nguyên, Trưởng Ban quản lý khu di tích, cho biết thêm: “Ban quản lý di tích phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, nhân dân địa phương chuẩn bị chu đáo, tổ chức lễ hội giỗ ông Hoàng Mười năm nay trang trọng, linh thiêng với đầy đủ các nội dung sôi nổi, hấp dẫn nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời cũng là dịp để du khách thập phương hành hương về với Hưng Nguyên - vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử, yêu nước và cách mạng, nơi đã sản sinh, nuôi dưỡng nhiều bậc hiền tài, khoa bảng, nhiều tấm gương kiên trung, nghĩa liệt mà cuộc đời, sự nghiệp của họ đã làm rạng ngời quê hương, đất nước”,

Với sự linh thiêng và đặc sắc về cảnh quan môi trường cũng như giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu, đền Hoàng Mười là điểm đến du lịch hấp dẫn, là điểm hẹn tâm linh của người dân đất Việt.

 

Ông Hoàng Mười còn được gọi là Ông Mười Nghệ An. Theo truyền thuyết, ông là con của Vua cha Bát Hải Động Đình, là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên chốn Đào Nguyên. Theo lệnh, ông giáng trần để giúp dân, giúp nước. Về thân thế của ông khi hạ phàm có nhiều dị bản. Nơi thì ông được coi là Lê Khôi, vị tướng tài, cháu ruột Lê Lợi. Có nơi lại coi ông là Lý Nhật Quảng, con Vua Lý Thái Tổ, cai quản Nghệ An. Có nơi lại cho rằng ông giáng sinh thành Nguyễn Xí, một danh tướng của Lê Lợi,...

 

 

 

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top