Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 3 tháng 2 năm 2019 | 19:26

Đi tìm “nét xưa” trong chợ quê

Mấy năm gần đây tôi có một sở thích đi chợ quê ngày áp Tết, để tìm lại “nét xưa” trong những phiên chợ cuối năm. Nhưng “nét xưa” ấy lại không còn trong những phiên chợ bây giờ, chúng chỉ còn trong ký ức...

“Nét xưa” chỉ còn trong dĩ vãng
 
Chợ quê trong ký ức của tôi những ngày áp Tết thật là đông vui, nhộn nhịp, tấp nập người đi chợ kẻ mua, người bán, chợ được họp ở một khoảng đất rộng đầu làng, nơi có cây đa cổ thụ sum suê.
 
Chợ của làng tôi được họp theo phiên vào các ngày 9, có nghĩa là mùng 9, 19 và 29 trong tháng, nhưng những ngày áp Tết chợ bắt đầu họp từ ngày 27 tháng Chạp. Vào ngày 29 là chính phiên thì chợ đông vô cùng, người đi chợ từ các vùng lân cận cách quê tôi hàng chục cây số cũng tụ tập về đây để mua sắm cho gia đình mình những vật dụng cần thiết.
 
Cuối năm tiết trời căm căm giá rét, ấy vậy mà từ những lúc chưa tỏ mặt người, chợ đã bắt đầu râm ran tiếng nói, tiếng cười. Hàng hóa từ các nơi ùn ùn đổ về chủ yếu là nông sản, nhiều nhất vẫn là những chuyến xe thồ chở dưa cải bẹ Đông Dư, thứ dưa có bẹ to ăn giòn dùng thay thế cho rau xanh sau Tết.
 
Lúc trời bắt đầu tang tảng sáng, trong những chiếc lán xiêu vẹo được dựng bằng những cây tre, mái được lợp bằng rơm là những quán hàng bày bán đủ mọi thứ, quán bán tạp hóa với cơ man nào là đồ, từ những cuộn chỉ xanh đỏ, đến những chiếc khăn len, khăn nhung đội đầu.
 
Hàng vàng hương hay ngồi gần các quán bán hàng bán trầu cau của mấy cụ già làng bên ăn trầu cắn chỉ, miệng lúc nào cũng bỏm bẻm nhau trầu, trên đầu đội chiếc khăn nhung đen để xua đi cái lạnh. Ngay cạnh là quán của những bà bán hàng khô gồm măng, mộc nhĩ, nấm hương, những thứ gia vị không thể thiếu trong chế biến món ăn ngày Tết. Nhìn các bà bán hàng cười với hàng răng đen nhánh, bất giác tôi lại nhớ đến câu thơ “Những cô hàng xén răng đen/Cười như mùa thu tỏa nắng” trong bài thơ “Bên kia Sông Đuống” nổi tiếng của Thi sĩ Hoàng Cầm.
dong-ho1.jpg
Nét xưa trong những phiên chợ quê ngày áp Tết
 
“Nét xưa” trong chơ quê của làng tôi đó là những gian hàng bày bán tranh, thứ trang trí mà tất cả mọi nhà đều không thể không có trong những ngày Tết. Lúc còn nhỏ, mỗi lần theo mẹ đi chợ Tết đến những hàng bày bán tranh Tết này, tôi như bị hút hồn, mê mẩn với những bức tranh sặc sỡ màu sắc.
 
Người bán tranh nghe nói ở tận một ngôi làng cũng nổi tiếng về nghề làm tranh thuộc vùng Kinh Bắc, những bức tranh được bày bán ở đây có đủ loại. Tranh một đàn lợn âm dương đông đúc con, tranh gà mái, gà trống, tranh đám cưới chuột, tranh mâm ngũ quả, màu sắc thì tươi roi rói.
dong-ho.jpg
Những bức tranh Đông Hồ được nhiều người ưu thích trong những phiên chợ Tết xưa.
 
Năm nào cũng vậy, khi đã mua sắm dầy đủ mọi vật dụng để chuẩn bị cho cái Tết, mẹ tôi lại ra chỗ bán tranh của một ông cụ già để mua cho nhà mình một bức tranh ngũ quả, tiện thể nhờ ông viết cho đôi câu đối.
 
Trong bộ áo dài the, khăn đóng ông nhẹ nhàng trải lên mặt chiếc bàn con đôi tơ giấy gió, dưới đôi bàn tay gày guộc của ông, những dòng chữ được ông viết bằng bút lông hiện lên trên mặt giấy như “rồng bay, phượng múa”. Hình ảnh của ông cũng làm tôi liên tưởng đến “Ông đồ già” trên phố, bày mực tàu giấy gió, trên phố đông người qua mỗi khi Tết đến Xuân về.
 
tet-xư.jpg
Những ông Đồ ngồi viết chữ thư pháp. 
Tôi đã đi tìm cái “nét xưa” này trong những phiên chợ quê ngày áp Tết, tìm những cô hàng xén răng đen, tìm những ông đồ già, tìm những gian hàng bán tranh, tìm lại những hình ảnh thân thương của quê hương, làng xóm, của hồn cốt Việt Nam. Nhưng những thứ mà tôi tìm không còn nữa, những hình ảnh đó chỉ còn lại trong dĩ vãng của những người như tôi.
 
Bao giờ mới thấy lại chợ quê?
 
Trong những ngày gần Tết Kỷ Hợi 2109, trên một khoảng sân rộng của một khu tập thể trong nội thành Hà Nội, có một đơn vị đã tổ chức một phiên chợ ngày xưa của thời kỳ bao cấp.
 
Trong phiên chợ này đã tái hiện lại cuộc sống của nhân dân ta trong những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước, tái hiện những ngày tháng áp Tết với những cửa hàng bách hóa bày bán hàng Tết. Những gói mứt, kẹo hoa hồng, những chai rượu chanh vàng, rượu cam đỏ, bánh pháo làm cho người tham quan hồi tường và nhớ lại một thời vô cùng khó khăn nhưng lại vô cùng ấm áp.
 
Đất nước bây giờ đã khác xưa nhiều lắm, cuộc sống của người dân đã cải thiện rất nhiều, không còn cảnh xếp hàng dài dằng dặc trước những cửa hàng bán đồ Tết.
 
Chợ quê bây giờ cũng vậy, với tốc độ đô thị hóa nhanh, khu đất rộng trước làng tôi khi xưa là chợ, nay mọc lên một trung tâm thương mại, hàng hóa nhiều vô kể, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân xung quanh vùng.
 
Cây đa cổ thụ thì vẫn còn, nhưng những cái lán được dựng lên tạm bợ để bán hàng như ngày xưa thì không còn nữa. Những ông đồ áo the, khăn đóng ngồi viết câu đối đỏ và những bức tranh dân gian nổi tiếng làng Đông Hồ có tìm mỏi mắt cũng không thấy ở đây.
 
Nhiều người thuộc thế hệ như chúng tôi đôi khi thường tự hỏi: Bao giờ chợ quê mới trở lại ngày xưa? Dẫu biết rằng sự phát triển đi lên của đất nước là một điều hoàn toàn diễn ra theo một quy luật, sự phát triển đó đã mang những phiên chợ quê của mọi người dân đất Việt, những người nông dân chân lấm tay bùn đi xa để nhường chỗ cho những trung tâm thương mại phong phú hàng hóa.
 
Bao giờ chợ quê mới trở lại?
 
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, niềm tự hào của người dân Hải Phòng

    Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, niềm tự hào của người dân Hải Phòng

    Lễ hội Hoa Phượng Đỏ là sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, là lễ hội truyền thống đặc trưng, niềm tự hào của người dân Hải Phòng được tổ chức thường niên vào tháng 5 gắn với kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng.

  • Hội Sách Hải Phòng 2024: Nơi gặp gỡ giữa những người yêu sách

    Hội Sách Hải Phòng 2024: Nơi gặp gỡ giữa những người yêu sách

    Hội Sách Hải Phòng 2024 với hơn 20 gian hàng và khoảng 12.000 đầu sách, nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng được giới thiệu đến nhân dân thành phố Cảng.

  • Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh (thị xã Cửa Lò), UBND tỉnh Nghệ An, UBND thị xã Cửa Lò tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch Cửa Lò 2024 gắn với sự kiện công bố, đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Đền Yên Lương (phường Nghi Thủy).

Top