Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 22 tháng 7 năm 2017 | 9:0

Dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng: Chớ nên xem nhẹ

Chưa năm nào dịch sốt xuất huyết (SXH) “nóng” như năm nay, và mặc dù bệnh không hề mới, không có diễn biến phức tạp, không quá nguy hiểm nhưng số người mắc liên tục tăng trong cả nước. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này chính là sự thờ ơ của cả chính quyền lẫn người dân trong công tác phòng chống dịch.


Thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bình Dương. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Mùa dịch nhiều bất thường

Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống SXH, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết số người mắc bệnh trên cả nước đã tăng kỷ lục với gần 5.000 bệnh nhân.  Cụ thể là 57.492 ca, trong đó có 15 người đã tử vong, tăng khoảng gần 10% so với cùng kỳ năm 2016. 

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng cũng lưu ý, các ca bị SXH ở các tỉnh miền Bắc năm nay tăng 763% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù đây chưa phải là con số cao nhất trong 6 tháng đầu năm so với các địa phương khác, nhưng với tốc độ tăng nhanh kỷ lục như vậy của miền Bắc khiến các chuyên gia y tế vô cùng lo ngại và đánh giá là bất thường.

Riêng tại Hà Nội, một số nơi có người mắc bệnh SXH tăng gấp 10 lần so với năm 2016. Với con số này, các chuyên gia y tế cho rằng, Hà Nội đang ở đỉnh của dịch SXH, dù bệnh này vẫn chưa vào mùa.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, số người mắc bệnh SXH đang dẫn đầu cả nước với với 9.538 ca, tiếp theo là các tỉnh: Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, An Giang. Ở các tỉnh miền Trung, số ca SXH giảm 10% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng lại tăng mạnh ở các tỉnh Đà Nẵng, Quang Nam, Bình Thuận, Quảng Ngãi. 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, số bệnh nhân SXH tăng nhanh từ tháng 5. Đến thời điểm đã có gần 400 bệnh nhân trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 14 trường hợp. Hiện tại bệnh nhân SXH đang điều trị tại bệnh viện có cả người lớn và trẻ em, trong đó bệnh nhân độ tuổi trung niên là nhiều nhất. Bệnh viện đã dành 9 phòng khám chỉ chuyên khám bệnh nhân SXH để bệnh nhân không phải chờ đợi khi đến khám. Đồng thời, thành lập 3 đội cấp cứu phòng chống dịch ngoại viện sẵn sàng tham gia công tác phòng chống dịch hỗ trợ cho tuyến dưới. PGS.TS Nguyễn Văn Kính cho hay: “Chúng tôi triển khai hết sức, căng mình chống dịch tuy nhiên hiện nay bệnh viện chỉ có 280 cán bộ nên phải tận dụng thêm lực lượng bác sĩ nội trú, chuyên khoa 1 hỗ trợ thêm trong công tác chống dịch”.

Theo TS. Kính, mặc dù đến thời điểm này hầu hết bệnh nhân SXH đều mắc các tuýp cũ. Tuy nhiên đa số các bệnh nhân nặng SXH nhập viện ở độ tuổi trung niên đều có nền bệnh sẵn như đái tháo đường và tăng huyết áp. Một số trường hợp bệnh nhân SXH đã bị biến chứng xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa.

TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: “Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân SXH đến khám, trong đó khoảng 20 bệnh nhân SXH nặng phải nhập viện điều trị nội trú. Biến chứng của SXH năm nay chúng tôi hay gặp là bệnh nhân có tổn thương thận và tổn thương gan, xét nghiệm có creatinin máu tăng và tăng men gan.

Thờ ơ trong công tác phòng chống dịch

Lý giải về số lượng các ca mắc SXH tăng cao ở khu vực miền Trung, TS Viên Quang Mai, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết, hiện nay công tác phòng chống dịch vô cùng nan giải. “Không phải người dân không biết cách diệt lăng quăng, bọ gậy nhưng họ không chủ động. Có người kêu gọi thì ra làm; còn không thì mặc kệ. Chúng tôi đã “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” nhưng đoàn đi qua rồi thì đâu lại vào đó”.

Trong khi đó, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ, Sở đã làm đầy đủ các khâu nhưng tình hình không có chiều hướng giảm mà lại còn tăng cao. “Chúng ta không nên đổ lỗi do thời tiết, môi trường mà cần nhìn nhận trách nhiệm từ các cấp chính quyền. Tại sao ngay từ giai đoạn đầu, nhiều cấp chính quyền không vào cuộc ngay mà chờ vào giai đoạn dịch mới quyết liệt từ chỉ đạo đến kinh phí? Đội ngũ cộng tác viên cũng chưa hiệu quả, trong khi khối đoàn thể chưa được nhắc đến nhiều”.

Diệt loăng quăng, muỗi; giữ gìn vệ sinh môi trường sống là cách hữu hiệu nhất phòng ngừa SXH.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã kiểm tra các quận huyện có số ca mắc SXH tăng nhanh tại TPHCM. Ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ quận Bình Tân) bày tỏ: “Không biết có ai đến tuyên truyền diệt muỗi không, chứ tui thì chưa gặp ai bao giờ. Thỉnh thoảng tui ở cũng thường có xe phun xịt thuốc diệt muỗi; nhưng xịt rồi thì vẫn có người mắc bệnh. Khi có chiến dịch hoặc dịch bùng phát thì mới có xe xịt thuốc, mà toàn đi vào giờ ăn cơm, người dân sợ thuốc có độc nên đóng cửa kín mít”.

Lãnh đạo UBND quận Bình Tân cho rằng, trên địa bàn có nhiều khu đất trống bỏ hoang do quy hoạch treo, dân cư chủ yếu là dân nhập cư với đặc thù nửa nông thôn nửa thành thị, nhận thức chưa cao nên công tác quản lý dịch bệnh gặp không ít khó khăn. Còn UBND quận 8 “đổ lỗi” do quá nhiều dân nhập cư sống không ổn định, là dân nghèo buôn bán nhỏ nên họ không quan tâm đến việc phòng chống dịch bệnh. Đại diện huyện Bình Chánh, một trong những điểm nóng về sốt xuất huyết của TPHCM cho biết, trên địa bàn có nhiều công trình xây dựng bị cưỡng chế phá dỡ trở thành các khu đọng nước gây nên ổ dịch. Thêm vào đó, dân nhập cư nhiều nên rất khó trong công tác tuyên truyền. Hai điểm nóng của huyện Bình Chánh là xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B hiện có số ca sốt xuất huyết chiếm hơn 50% số ca bệnh của toàn huyện.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:

Cần tiêu diệt bọ gậy để loại trừ muỗi vằn, đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không thể đẻ trứng. 

Thau rửa các dụng cụ chứa nước định kỳ hàng tuần. Thu gom, tiêu hủy các loại chất thải, lau dọn các loại chai lọ, mảnh chai, ống bơ,... quanh nhà để giữ vệ sinh môi trường.

Bỏ muối vào bát nước đặt ở chân tủ đựng bát, thay nước bình hoa thường xuyên.

Nên ngủ trong màn, dùng rèm che, màn tẩm hóa chất để tiêu diệt muỗi.

Khi có biểu hiện sốt, đau đầu, vùng trán, phát ban... cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời sốt xuất huyết.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc TT Y tế Dự phòng TPHCM thừa nhận có một phần lỗi từ việc tuyên truyền ở địa phương. “Truyền thông của ngành y tế và cộng đồng cũng chưa cảnh báo hết được nguy cơ của dịch bệnh, vì vậy người dân còn chủ quan với dịch SXH", bác sĩ Dũng nói.

Theo bác sĩ Dũng khi người dân phát hiện có người mắc SXH hoặc các nơi có điều kiện phát sinh muỗi, lăng quăng thì phải báo ngay cho địa phương. Mỗi người chỉ cần dành 15 phút mỗi ngày để vệ sinh nhà cửa, quét dọn những nơi nước đọng. Bên cạnh đó, phải hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phun hóa chất diệt muỗi, như mở cửa để hóa chất bay vào nhà…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định trong những tháng cuối năm, tình hình dịch sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong các tháng 7, 8, 9. Một vấn đề đặt ra: các địa phương đều báo cáo cố gắng nhưng tại sao vẫn để các con số mắc gia tăng?

Ông Long cho rằng chính quyền địa phương nhiều nơi chưa có chỉ đạo, hoặc có chỉ đạo nhưng chưa sát sao. Ông đề nghị trong thời gian tới các địa phương cần tập trung quyết liệt trong công tác phòng chống SXH. Hội đồng nhân dân và chính quyền địa phương ở các tỉnh, huyện, xã phải có biện pháp phòng chống và cần phải tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy…

Thứ trưởng cho rằng việc huy động ban ngành, tổ chức, đoàn thể cùng toàn thể người thân tham gia rất quan trọng vì sẽ quyết định được việc phòng chống bệnh SXH có thành công hay không, chứ một mình ngành y tế không thể làm được.

Ông Long cũng đề nghị các địa phương tăng cường giám sát những trường hợp nghi ngờ để xử lý ổ dịch sớm. Ngoài ra, cần truyền thông để người dân tăng cường diệt lăng quăng, khi sốt đến cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị.

Danh Hùng (tổng hợp)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top