Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 5 tháng 8 năm 2017 | 7:30

Doanh nghiệp coi thường pháp luật, người dân bị đầu độc!

KTNT - Theo UBND huyện Mê Linh (Hà Nội), Công ty TNHH Thương mại Phúc An Phương chuyên sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ không đúng với mục đích sử dụng đất, gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn... Tuy nhiên, gần 2 năm nay, doanh nghiệp không bị xử lý theo quy định, chính quyền thờ ơ chưa giải quyết, còn người dân thì bị đầu độc…

Theo quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thì Công ty TNHH Thương mại Phúc An Phương thuê 6.930m2 để xây dựng Nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử.

Người dân bị đầu độc

Sau khi nhận được phản ánh về tình trạng một số công ty sản xuất gỗ tại xã Thanh Lâm gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, phóng viên Kinh tế nông thôn đã vào cuộc tìm hiểu. Theo ông Ngô Văn Toản, Phó bí thư Chi bộ thôn Đường 23 (Thanh Lâm), thôn có 220 hộ thì có tới 72 hộ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, khói bụi từ 2 nhà máy sản xuất gỗ là Công ty CP VietDutch Quốc tế hoạt động hơn 4 năm nay và Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Q­uốc tế TMC hoạt động 2 năm.

Nhà máy của Công ty CP VietDutch Quốc tế dùng máy móc chế biến gỗ công suất lớn, hoạt động từ 14 - 23 giờ, phát ra tiếng ồn lớn. Đặc biệt, hàng ngày vào khoảng 14 giờ và tầm 23 giờ, công ty tận dụng sấy các loại gỗ thừa có dính keo dán gỗ nên tạo ra khói có mùi khét như mùi cao su cháy. Trước khi vào sấy mẻ gỗ khác, họ dùng máy công suất lớn thổi bụi ra ngoài khiến các nhà dân xung quanh bị ảnh hưởng.

Đầu năm 2016, Công ty TNHH Thương mại Phúc An Phương tự ý chuyển sang sản xuất gỗ, các sản phẩm từ gỗ gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho nhân dân.

Ông Vũ Văn Bính, nhà gần Công ty CP VietDutch Quốc tế bức xúc nói: “Trước đây, công ty này sản xuất linh kiện điện tử, họ chuyển sang sản xuất gỗ được gần 5 năm. Từ khi sản xuất gỗ, công ty này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngày nào cũng vậy, từ 14-15 giờ chiều đến khuya, công ty thải khói với mùi khét như cao su cháy, kèm theo là bụi đen bao trùm cả khu vực. Nhà máy đi vào hoạt động cũng là lúc vợ tôi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và mới mất cách đây hơn 1 tháng, con gái tôi cũng bị viêm phế quản hơn 1 năm nay. Tôi tha thiết đề nghị di dời nhà máy khỏi khu dân cư càng sớm càng tốt”.

Bà Nguyễn Thị Thúy ở thôn Phú Hữu (Thanh Lâm), nhà ngay cổng Công ty CP VietDutch Quốc tế cũng bức xúc không kém: “Nhà máy hoạt động suốt ngày, có hôm 3 giờ sáng vẫn cắt gỗ ầm ầm, chồng tôi phải ra nhắc nhở mấy lần họ mới thôi. Gia đình bị ô nhiễm bụi đã 4 năm nay, tôi đề nghị giải thể công ty để cứu lấy dân”.

Công ty TNHH Thương mại Phúc An Phương gây ô nhiễm môi trường, người dân kiến nghị các cấp, ngành chức năng nhưng đến nay vẫn chưa bị xử lý.

Xin dự án này, sản xuất mặt hàng khác

Theo ông Đỗ Văn Nhon, Phó chủ  tịch UBND xã Thanh Lâm, đầu năm 2016, trong buổi tiếp xúc cử tri, người dân thôn Đường 23 có phản ánh về việc Công ty TNHH Thương mại Phúc An Phương khi sản xuất gỗ gây ô nhiễm môi trường. Sau khi tiếp nhận ý kiến, xã đã báo cáo huyện, huyện thành lập đoàn xuống thanh tra nhưng đến nay chưa thấy công bố kết quả.

Đến cuối năm 2016, cử tri tiếp tục có ý kiến, xã lại báo cáo lên huyện, cùng thời gian này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xuống thanh tra nhưng đến nay cũng chưa thấy thông báo kết quả. Theo ông Nhon, trước đây, Công ty TNHH Thương mại Phúc An Phương được thuê đất xây dựng nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử, đầu năm 2016, công ty này có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư và UBND thành phố được thực hiện dự án đầu tư nhà máy sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Dù chưa được Kế hoạch - Đầu tư và UBND thành phố cho phép thực hiện dự án nhưng công ty này đã phối hợp với Công ty CP VietDutch Quốc tế sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Việc Công ty TNHH Thương mại Phúc An Phương tự ý chuyển sang sản xuất gỗ, các sản phẩm từ gỗ là không đúng với mục đích sử dụng đất.

Được biết, ngày 18/3/2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định cho phép Công ty TNHH Thương mại Phúc An Phương chuyển mục đích sử dụng 6.930m2 đất đã thỏa thuận bồi thường, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại xã Thanh Lâm (Mê Linh), bao gồm 6.539,9m2 đất nông nghiệp; 390,1m2 đất giao thông; giao cho công ty xây dựng nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử theo giấy phép đầu tư đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận, thời gian thuê 49 năm.

Tháng 1/2016, công ty này có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thực hiện dự án đầu tư nhà máy sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Diện tích sử dụng đất là 6.217.1m2; công suất năm thứ nhất đạt 81.000m3 gỗ thành phẩm và các sản phẩm từ gỗ/năm; năm thứ hai đạt 99.000m3/năm; tổng vốn đầu tư 24 tỷ đồng.

Người dân ở thôn Đường 23 đề nghị TP. Hà Nội di dời Công ty TNHH Thương mại Phúc An Phương đi nơi khác để cứu lấy môi trường.

Ngày 3/3/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội có văn bản gửi các sở có liên quan về việc thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ mà Công ty TNHH thương mại Phúc An Phương đề nghị.

Ngày 22/3/2016, UBND huyện Mê Linh có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt địa điểm và chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất cho Công ty TNHH Thương mại Phúc An Phương xây dựng nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử.

Dự án đã thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao cho công ty. Tuy nhiên, hiện nay trên thực tế công ty không thực hiện dự án xây dựng nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử theo phê duyệt của UBND tỉnh Vĩnh Phúc mà đang sản xuất gỗ, các sản phẩm từ gỗ, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho nhân dân.

Tại Công ty TNHH Thương mại An Phúc Phương, bên ngoài cổng không ghi bất cứ thông tin gì, bên trong nhà máy lại giới thiệu là Công ty CP VietDutch Quốc tế.

Mặt khác, tại quyết định của UBND TP. Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng huyện Mê Linh thì vị trí trên có chức năng là đất nông nghiệp, không phù hợp để xây dựng dự án. UBND huyện Mê Linh đề nghị Công ty TNHH thương mại Phúc An Phương thực hiện dự án theo đúng quy định; đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thành lập đoàn thanh tra kiểm tra việc thực hiện dự án của chủ đầu tư, giải quyết bức xúc của nhân dân địa phương.

Đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm tại Công ty TNHH Thương mại Phúc An Phương; xem xét di dời công ty đi nơi khác nếu không đủ điều kiện về khoảng cách theo quy định. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng và cá nhân liên quan khi không kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Hoàng Văn

 

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top