Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 20 tháng 2 năm 2016 | 10:33

Doanh nghiệp nông nghiệp: Đã yếu còn bị làm khó

Theo điều tra hàng năm của Tổng cục Thống kê, tính đến 31/12/2014, trong ngành nông nghiệp có 3.844 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ trực tiếp trong lĩnh vực nông lâm thủy sản (DN NLTS), chiếm dưới 1% tổng số 420.251 DN được điều tra. Cơ cấu của các DN NLTS chủ yếu là DN vừa và nhỏ (DNVVN), chiếm 96,53% tổng số DN nông nghiệp. Không chỉ nhỏ bé, DN NLTS còn đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Trong ngành nông nghiệp, số các DN có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động) luôn chiếm tỷ lệ khoảng 50%. Trong đó, DN nông nghiệp chiếm tỷ lệ 55,52%, DN lâm nghiệp chiếm 19,33% và DN thủy sản chiếm tỷ lệ 25,15%. Các DN FDI ít đầu tư vào lĩnh vực NLTS. Năm 2014, các DN NLTS FDI chỉ chiếm 3,12% về số lượng, 3,72% về lao động và 5,2% về nguồn vốn của tổng các DN NLTS. Đáng chú ý là tỷ trọng của các DN FDI trong lĩnh vực NLTS dường như không hề thay đổi trong giai đoạn 2010-2014. Tính đến năm 2014, chỉ có 109 DN FDI trong lĩnh vực NLTS, chiếm 1,09% tổng số DN FDI trong nền kinh tế, trong đó có 95 DN 100% vốn nước ngoài và 14 công ty liên doanh.

Phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có quy mô vừa và nhỏ.

Giai đoạn 2010 – 2014, tốc độ tăng trưởng DN NLTS đạt mức bình quân là 10,6%/năm, thấp hơn so với mức tăng trưởng DN nói chung là 10,9%/năm. Đồng thời, tỷ trọng DN NLTS so với DN cả nước cũng giảm đi, từ mức từ mức 1,61% năm 2007 xuống 1,01% năm 2010 và chỉ còn 0,96% năm 2014.

Trong 10 tháng đầu năm 2015, số DN NLTS thành lập mới là 1.814 DN, tăng 47,19% so với tổng số DN NLTS đang hoạt động đến cuối năm 2014 và tăng 69,37% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, số DN NLTS ngừng hoạt động và giải thể cũng khá lớn 2.019 DN, chiếm 52,52% so với tổng số DN NLTS đang hoạt động đến cuối năm 2014 và tăng 77,11% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, số DN NLTS đến tháng 10/2015 giảm 5,33% so với cuối năm 2014. DN NLTS đang có xu hướng ngừng hoạt động và giải thể nhiều nhất so với DN chung cả nước.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD), thủ tục và các quy định đặt ra cho DNNLTS đang là một trong những hạn chế đáng quan ngại. Khảo sát của IPSARD năm 2014 cho thấy, 79,2% DN NLTS được điều tra mong muốn Nhà nước tiếp tục cải cách hành chính để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho DN phát triển.

Báo cáo Tạo thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp 2016 của Ngân hàng Thế giới dựa trên điều tra 40 nước trên thế giới cho thấy môi trường kinh doanh nông nghiệp Việt Nam ở dưới mức trung bình chung của các nước. Trong khu vực Đông Nam Á, xếp hạng của Việt Nam chỉ trên Lào, Cambodia và Myanmar. Việt Nam có điểm số thấp về quản lý giống cây trồng, máy móc nông nghiệp và vận tải. Cụ thể, môi trường cho kinh doanh giống cây trồng của Việt Nam được đánh giá ở mức 62,5/100 điểm, thấp hơn cả Cambodia (68,8), Bangladesh (70,8) và Philipines (83,0). Nguyên nhân chính là do tại Việt Nam, cơ chế bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ phát triển làm khá tốt nhưng việc đăng ký kinh doanh giống cây trồng có nhiều điều kiện nghiêm ngặt, thời gian cấp giấy chứng nhận cho giống mới lâu (ước tính mất 901 ngày so với Philippines và Myanmar lần lượt chỉ là 571 và 306 ngày), chi phí để đăng kí giống mới còn cao (bằng 426% GNI bình quân đầu người) so với thế giới cũng như với các nước trong nhóm thu nhập trung bình thấp (Myanmar 35,1%, Cambodia 18,5% GNI bình quân đầu người, ở Bangladesh chi phí này gần như bằng 0). Thủ tục nhập khẩu giống cây trồng còn khó khăn, yêu cầu phức tạp, cấp phép chậm chạp.

Việt Nam xếp hạng rất thấp (thứ 37/40 quốc gia được đánh giá) về môi trường cho kinh doanh máy móc nông nghiệp (chỉ đạt 24,4/100), chỉ hơn Lào, Nepal và Myanmar. Mặc dù Việt Nam cho phép nhập khẩu máy móc với các điều kiện khá thuận lợi (66,7/100 điểm) nhưng yếu kém trong khâu quản lý kinh doanh máy móc nông nghiệp và quản lý tiêu chuẩn an toàn sử dụng máy móc nông nghiệp đã khiến cho điểm số của hai tiêu chí còn lại thấp, đạt lần lượt 0 điểm và 6,7/100 điểm ngang bằng với các nước như Lào, Cambodia và Myanmar nhưng thấp hơn hẳn Philipines (53,8 và 72,2 điểm). Một điểm còn yếu trong quản lý kinh doanh máy móc của Việt Nam là còn thiếu các quy định chặt chẽ về chất lượng trong nhập khẩu máy móc nông nghiệp, cũng như kiểm soát chất lượng trước khi xuất khẩu máy móc nông nghiệp.

Bên cạnh đó, thủ tục và quy định cho phép DN được hưởng các ưu đãi về thuế, phí cũng còn nhiều bất cập. Ví dụ như các DN xuất khẩu cà phê được miễn thuế VAT xuất khẩu nhưng thủ tục kiểm tra, quyết toán hoàn thuế rất chậm làm ảnh hưởng đến dòng vốn của DN. Việc hoàn trả thuế thu nhập DN (nếu nộp thừa) cũng không được hoàn trả ngay bằng tiền mặt mà chỉ được khấu trừ dần. Các DN cung cấp nông sản (ví dụ gạo) có thương hiệu, chất lượng trên thị trường nội địa phải nộp thuế VAT 5%, trong khi các DN xuất khẩu gạo không phải chịu thuế  hoặc thương lái gạo thông thường không phải nộp thuế này.

Các khó khăn về đất đai thường gặp đối với DN nông nghiệp là thiếu đất cho vùng nguyên liệu, thiếu đất xây dựng trụ sở, khu chế biến, giá thuê đất cao, … Có 50% số DN được điều tra kêu ca việc thiếu đất và mặt bằng là cản trở chính yếu nhất để họ đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông nghiệp nông thôn.

Trong khi đó các chính sách hỗ trợ DN về đất đai còn được đánh giá là chưa hợp lý và khó tiếp cận. Theo điều tra của IPSARD (2014), có 67,7% DN nông nghiệp đánh giá chính sách đất đai không thuận lợi gây cản trở hoạt động SXKD của DN. Chỉ có 17,1% số DN khảo sát được hưởng chính sách miễn giảm tiền thuê đất. Đến nay vẫn chưa có chính sách tạo quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho cho các công đoạn sau thu hoạch như phơi sấy, chế biến, kho,…

Điều tra của IPSARD (2014) cho thấy, DNNLTS còn khó tiếp cận vốn tín dụng gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh sản xuất (65,5% đánh giá việc tiếp cận vốn tín dụng khó khăn là yếu tố cản trở hoạt động SXKD của DN, trong đó có 20,9% đánh giá là cản trở, 29,6% đánh giá là cản trở nghiêm trọng và 14,9% đánh giá là cản trở rất nghiêm trọng). Có đến 40% DN nông nghiệp nông thôn trả lời là đối với họ việc “loại bỏ hoặc hạn chế thủ tục quan liêu” trong đối xử đối với DN là quan trọng nhất để giúp họ phát triển sản xuất kinh doanh. 76% DN nông nghiệp nông thôn cho rằng thủ tục phức tạp là trở ngại cho khả năng phát triển của DN trong 5 năm tới, trong đó 33% cho là đặc biệt trở ngại. 

Trên cơ sở kết quả khảo sát, ông Tuấn cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, cần xây dựng quy trình đánh giá và cấp phép cho giống mới một cách minh bạch và hiệu quả thông qua cơ chế ủy ban cấp phép gồm đại diện cả khối quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Xây dựng và hoàn thiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ trong chọn tạo giống, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp chọn tạo giống. Rà soát điều chỉnh các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho vận chuyển xuyên biên giới, đặc biệt với các nước trong khối ASEAN. Xây dựng hệ thống xử lý điện tử cho cấp phép và gia hạn giấy phép vận tải.

Có chính sách ưu đãi cho DN đối với diện tích đất cho xây dựng cơ sở hạ tầng chế biến nông nghiệp như: đất cho phơi sấy, đất xây dựng cơ sở chế biến, đất kho chứa,… Tăng cường khả năng tập trung ruộng đất của người dân và tổ chức kinh tế thông qua cơ chế tín dụng ưu đãi cho việc thuê và mua đất và cho phép sử dụng đất nông nghiệp linh hoạt.  Trong trường hợp nhà nước thu hồi đền bù đất, việc đền bù không nên chỉ là đền bù một lần mà người dân bị thu hồi đất nên được hưởng một tỷ lệ đáng kể trong giá trị thị trường của đất của họ.

Trong chính sách cho vay đối với nông nghiệp nông thôn cần nghiên cứu làm rõ vai trò trung tâm trong chuỗi giá trị của DN để áp dụng các phương thức cho vay và cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp. Ví dụ cho vay trước thu hoạch thì không nhất thiết ngân hàng phải đưa vốn trực tiếp cho người nông dân mà có thể thông qua DN ứng trước vật tư hàng hóa đầu vào và sẽ khấu trừ khi thu mua sản phẩm. Xây dựng một cách bài bản hệ thống thông tin, dự báo phân tích, giám sát thị trường nông sản và công bố thông tin rộng rãi đối với các mặt hàng nông sản và vật tư nông nghiệp chính. Rà soát, hoàn thiện lại hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp trên cả nước một cách đồng bộ, thống nhất; cần cam kết ổn định về chính sách, cam kết không thay đổi chính sách trong khoảng thời gian đủ cho vòng đời đầu tư nông nghiệp (từ 10-20 năm).

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top