Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2019 | 14:35

Độc đáo Tết Té nước của dân tộc Lào

Tết Té nước (Bun huột nặm) ở bản Na Sang 1, xã Núa Ngam (Điện Biên) không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh của dân tộc Lào tại Điện Biên mà còn có ý nghĩa bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần phát triển du lịch địa phương.

tr8.JPG
Thầy mo cùng người dân xin nước tại một số gia đình làm ăn phát đạt để cầu cho mưa thuận gió hòa.

 

Để thuận tiện về thời gian cho con cháu đi học, người lớn đi làm hay đi công tác xa về đoàn tụ với gia đình, những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, đồng bào dân tộc Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam tổ chức Lễ Bun huột nặm vào đúng dịp Tết cổ truyền (Tết Nguyên đán).

Nhưng để lưu giữ, tái hiện yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc Lào, từ năm 2015, Bun huột nặm được cộng đồng dân tộc Lào chuyển sang tổ chức vào thời điểm Tết truyền thống của dân tộc mình, thường từ ngày 14 đến 16/4 dương lịch.

 

tr8a.JPG
Người dân cầu thần nước tại dòng sông Nậm Núa.

 

Bun huột nặm gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được bắt đầu bằng các nghi lễ cổ truyền với ý nghĩa cầu may mắn, cầu sức khỏe và thường được những người phụ nữ lớn tuổi, có uy tín, kinh nghiệm trong bản chủ trì, thực hiện như: lễ xin nước các gia đình trong bản; khấn đồng dao mời thần linh chứng giám cho mưa thuận gió hòa, cây cối sinh sôi, nảy nở.

Sau lễ khấn, mọi người tham dự thường được những người chủ trì đeo chỉ vào cổ tay để chúc một năm mới an lành, hạnh phúc, mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn.

 

tr8b.JPG
Những sợi chỉ màu đỏ, đen được người dân buộc vào tay những vị khách để cầu chúc sức khỏe, bình an.

 

Phần hội thường diễn ra với các trò chơi dân gian của dân tộc Lào, thu hút  đông đảo người xem, không kể già, trẻ, gái trai tham gia như: trò Táu lasa (rùa ấp trứng), Sưa khốp mu (hổ bắt lợn), Ngù kin khiết (rắn bắt ngóe),  Phăn viêng (múa bắt chân bắt đầu), Pít mắc tanh (hái dưa chín)… cùng những điệu múa Lăm vông truyền thống, uyển chuyển của dân tộc Lào.

Khi mặt trời đứng bóng, du khách và người dân sẽ nối bước chân nhau, đổ dồn ra con suối chạy dọc sau lưng bản để thực hiện nghi thức dâng tế lễ vật, cúng mời thần suối hưởng lễ cùng bản làng. Sau hoạt động hưởng lễ, hàng trăm người dân bản và du khách sẽ cùng nhau ào xuống suối, té nước lên nhau, múc nước té vào nhà cửa, vật nuôi và công cụ sản xuất với một niềm tin nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới may mắn, sạch sẽ, mạnh khỏe, bởi vậy, ai càng ướt nhiều thì càng được nhiều may mắn và hạnh phúc.

 

tr8c.JPG
Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian thu hút được đông đảo bà con nhân dân tới tham gia. Trong ảnh: trò chơi Rùa ấp trứng.

 

Tết té nước của người Lào ở Na Sang 1 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tại Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL, ngày 11/9/2017.

Bà Nguyễn Minh Châu, Trưởng phòng Văn hóa huyện Điện Biên, cho biết, Tết Té nước  của dân tộc Lào nơi đây là niềm tự hào của tỉnh Điện Biên nói chung và huyện Điện Biên nói riêng trong việc bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Thời gian tới, rất mong các cấp chính quyền, nhà quản lý văn hóa tiếp tục quan tâm để phục dựng, bảo tồn nhiều hoạt động văn hóa các dân tộc truyền thống tại  Điện Biên để huyện phát triển tiềm năng du lịch tại địa phương.

 

tr8d.JPG
Nhân dân các dân tộc bản Na Sang 1 trong Tết Té nước tại dòng sông Nậm Núa.

 

Còn bà Lường Sao May, người phụ nữ uy tín, được bà con trong bản tin tưởng, lựa chọn để chủ trì lễ Bun huột nặm, tâm sự: “Chúng tôi quyết tâm cùng nhau bảo tồn, lưu giữ và phát huy hơn nữa những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Không chỉ truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay mà còn nỗ lực quảng bá để làm sao thu hút được ngày càng nhiều khách du lịch đến với Điện Biên, đến với Na Sang 1 vào những dịp lễ cổ truyền ý nghĩa như thế này”.

 


 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top