Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 6 năm 2017 | 4:3

Dự án Luật thủy sản (sửa đổi): Từng bước thành lập lực lượng kiểm ngư ở 28 tỉnh, thành ven biển

Sáng 20/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật thủy sản (sửa đổi). Vấn đề thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cũng như việc thành lập lực lượng Kiểm ngư được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Đại biểu Quốc hội đề nghị không thành lập quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

Về thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, có 3 loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất là không thành lập Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, mà cần có chính sách, quy định khuyến khích thành lập và phát triển Quỹ cộng đồng

Loại ý kiến thứ hai là thành lập Quỹ trung ương và Quỹ cấp tỉnh

Loại ý kiến thứ ba là thành lập Quỹ trung ương và khuyến khích phát triển Quỹ cộng đồng, không thành lập Quỹ cấp tỉnh 

Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo – tỉnh Nam Định phát biểu tại Hội trường   Ảnh: Đình Nam

Thảo luận về điều này, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo – tỉnh Nam Định phân tích, theo thống kê sơ bộ, quỹ nguồn lực tài chính nhà nước ngoài ngân sách hàng năm ước tính khoảng 300.000 tỷ đồng, tuy nhiên, các quỹ này hoạt động còn kém hiệu quả do cơ chế quản lý lỏng lẻo, nhiều quỹ tồn dư không sử dụng đến, trong khi ngân sách nhà nước phải đi vay để chi. Như vậy, Điều 23 của dự thảo Luật quy định phát sinh thêm quỹ nữa là không hợp lý trong tình hình hiện nay. Hơn nữa, theo đại biểu, tại khoản b Điều 2 Mục 3 Nghị quyết 39 của Ban Chấp hành trung ương đảng đã nêu "Kiên trì thực hiện chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo không tăng tổng biên chế của toàn bộ hệ thống chính trị". Như vậy, việc thành lập quỹ vô tình sẽ làm tăng thêm biên chế và chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 39 này.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc – tỉnh Bình Thuận đồng tình với loại ý kiến không thành lập quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách mà cần có chính sách quy định khuyến khích thành lập và phát triển quỹ cộng đồng vìThủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 22 về tăng cường công tác quản lý đối với quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trong đó quy định giải thể các quỹ hoạt động không hiệu quả. Như vậy đối với quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản quy định tại Luật Thủy sản năm 2003 sau 13 năm thi hành, quỹ hoạt động không hiệu quả thì giải thể là cần thiết.

Đại biểu cho rằng, hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản gắn liền với địa phương, với cộng đồng dân cư. Việc thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cần phải dựa vào địa phương, vào cộng đồng thì mới có thể quản lý hiệu quả. Thực tế một số địa phương đã hình thành quỹ cộng đồng gắn với mô hình đồng quản lý. Vì vậy, để tiếp tục phát triển mô hình thực tế đã có ở các địa phương, việc khuyến khích thành lập và phát triển quỹ cộng đồng để tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia quản lý hoạt động thủy sản là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, để quỹ được thành lập và hoạt động tốt gắn với mô hình đồng quản lý, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về mô hình, về hình thức hoạt động của quỹ ngay trong dự thảo luật.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn – tỉnh Ninh Bình đề nghị Ban soạn thảo cần giải trình rõ nguyên nhân vì sao quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản được quy định trong Luật Thủy sản năm 2003 lại không hoạt động được như trong báo cáo thẩm tra đã nêu. Bên cạnh đó, nếu trong luật sửa đổi vẫn có quy định về quỹ này, dù quỹ này có tên gọi khác là quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thì liệu có khả thi hay không.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ, cụ thể hơn về quỹ của cộng đồng, vì như theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì hiện nay một số địa phương đã hình thành quỹ cộng đồng gắn với mô hình đồng quản lý. Vì vậy, nếu nghiên cứu đánh giá tổng thể về quỹ cộng đồng, có thể đây sẽ là một loại quỹ phù hợp trong phát triển bền vững kinh tế ở địa phương.

Từng bước thành lập lực lượng kiểm ngư ở 28 tỉnh, thành ven biển

 Chương VI của dự án Luật về Lực lượng Kiểm ngư là chương mới so với Luật Thủy sản 2003, quy định cụ thể về chức năng kiểm ngư; nhiệm vụ kiểm ngư; quyền hạn và trách nhiệm của kiểm ngư; phối hợp trong hoạt động của lượng kiểm ngư. 

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy – tỉnh Bến Tre phát biểu tại Hội trường

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy – tỉnh Bến Tre cho rằng, chiến lược biển Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2020 sẽ phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Muốn phát triển kinh tế biển thì biển phải lặng, do đó việc nuôi trồng, khai thác thủy sản phải gắn với an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Thời gian qua, lực lượng thanh tra chuyên ngành chưa đủ ngăn chặn hiệu quả việc sử dụng ngư lưới cụ không đúng quy định. Các dụng cụ khai thác mang tính tận diệt, làm cho nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, nhất là nguồn lợi thủy sản ven bờ, đồng thời tình hình an ninh trên biển có nhiều biến động phức tạp, làm cho ngư dân và các tàu đánh bắt xa bờ được ví như các cột mốc sống trên biển, thiếu an tâm bám biển. Nếu có lực lượng kiểm ngư thường xuyên tuần tra, kiểm soát sẽ góp phần nâng cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và phối hợp với các lực lượng chấp pháp khác như bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ ngư dân phòng, tránh bão và bảo vệ an ninh trên biển. Vì vậy, đại biểu nhất trí với phương án cần có kiểm ngư cấp tỉnh ở một số tỉnh có biển và một số tỉnh biên giới có sông lớn chảy qua nhiều quốc gia, có nguồn lợi thủy sản phong phú để bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp với bảo vệ an ninh quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn – tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho rằng, bên cạnh lực lượng kiểm ngư trung ương, tùy vào tính chất đặc thù của từng địa phương mà cần thiết thành lập kiểm ngư cấp tỉnh trên cơ sở cấu trúc lại lực lượng thanh tra chuyên ngành tại địa phương. Bởi nước ta là quốc gia có đường bờ biển dài, tiếp giáp nhiều quốc gia, có vùng đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km2. Hơn nữa, hoạt động thanh tra chuyên ngành phải tiến hành theo chương trình, kế hoạch trong khi đó yêu cầu công tác đảm bảo thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển đòi hỏi phải được triển khai thường xuyên, liên tục.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay nước ta có 110.000 tàu thuyền trên biển với công suất 16 triệu mã lực, đủ để khai thác 3,5 triệu tấn cá thủy sản một năm với giá trị là 3 tỷ rưỡi đô la. Nếu chúng ta làm tốt, chuỗi giá trị còn tăng lên mặc dù sản lượng vẫn từng đó. Chính lực lượng kiểm ngư sẽ làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát các hoạt động này. Do đó bên cạnh lực lượng kiểm ngư Trung ương tại 5 vùng, 5 khu vực ngư trường lớn như hiện nay; 28 tỉnh, thành ven biển phải từng bước thành lập lực lượng kiểm ngư, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng không kiểm soát được. Việc thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh là cần thiết, giúp Luật Thủy sản (sửa đổi) hướng tới một ngành ngư nghiệp phát triển, đưa Việt nam hướng đến hội nhập.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Chiều 28/3, Tỉnh ủy Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết thực hiện Đề án hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đây là Đề án do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 25/4/2023 (Đề án 09) nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc".

  • Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc để "thổi giá đất" thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

  • Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách của năm 2024 là "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", tại phiên đối thoại, các đoàn viên thanh niên đã đặt nhiều câu hỏi đến các bộ ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xoay quanh chủ đề này.

  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top