Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 10 tháng 6 năm 2017 | 11:3

Du lịch miền Trung – Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu

Sáng 10/6, tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Diễn đàn Du lịch miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề: “Du lịch miền Trung – Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu”.

Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI - 2017. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo.

Quang cảnh diễn đàn

Quang cảnh diễn đàn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn

Diễn đàn thu hút sự tham dự của gần 200 đại biểu đại diện cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và 19 địa phương, tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên, các doanh nghiệp du lịch, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, một số tổ chức quốc tế và các chuyên gia, các nhà nghiên cứu.

Tại diễn đàn, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận những đóng góp tích cực của du lịch miền Trung - Tây Nguyên đối với sự phát triển chung của cả nước. Trong những năm gần đây, du lịch của một số địa phương trong khu vực đã có sự chuyển mình đáng khích lệ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và tái cơ cấu kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch miền Trung - Tây Nguyên thực sự chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng, chưa tạo dựng được những thương hiệu đẳng cấp quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu tham dự thảo luận, đối thoại về các giải pháp phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên theo hướng chất lượng, có thương hiệu, đẳng cấp quốc tế, đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, diễn đàn lần này bàn đến vấn đề đầu tư đẳng cấp của du lịch, phát huy lợi thế như thế nào? Kinh doanh du lịch của chúng ta còn “ăn xổi ở thì”. Những vấn đề trụ cột để phát triển du lịch là nền tản văn hóa phải tốt, hạ tầng kết nối phải tốt, chủ thể du lịch (đặc biệt là các nhà đầu tư) phải liên kết lại.

Theo TS. Trần Du Lịch, Trưởng Nhóm Du lịch miền Trung, du lịch của chúng ta còn nghiệp dự, chưa chuyên nghiệp. Làm du lịch phải có quy hoạch, Nhà nước phải cung cấp đầy đủ hạ tầng, phải bảo đảm an ninh trật tự. TS. Trần Du Lịch kiến nghị phải có đầu tư tập trung, cần xem lại việc phân biệt đối xử giá thuê đất của ngành du lịch với các ngành khác, tính toán để đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch…

Trao đổi với các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại Hội nghị về du lịch do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại Hội An tháng 8/2016 với quan điểm “xắn tay áo vào việc”, tiếp đó là Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn ngày 16/1/2017. Đây là “mệnh lệnh” cho các cấp uỷ đảng, chính quyền phải thực sự vào việc và phải bằng những hành động cụ thể để du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thực sự.

“Đầu tư vào sân bay, đường cao tốc, vào văn hoá hay làm thị thực (visa) điện tử cũng là phục vụ du lịch chứ không chỉ là đầu tư vào khách sạn, vào các khu du lịch”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh tinh thần đó cần được đưa vào trong phát triển du lịch nói chung, trong đó có khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng nêu một số điểm cốt lõi làm nên đẳng cấp, thương hiệu của điểm đến, khu du lịch, đó là sự độc đáo, kết nối và khả năng huy động cộng đồng cùng làm du lịch.

Về kết nối các điểm đến, Phó Thủ tướng hoan nghênh Quảng Nam đã nắm vững tinh thần này và lễ khai mạc Festival Di sản Quảng Nam 2017 tối 9/6 cũng không chỉ giới thiệu những nét đặc sắc của tỉnh mà còn của các địa phương khác trong vùng.

 “Chúng ta phải kết nối thực sự thì sẽ khắc phục được tình trạng có nhiều sản phẩm du lịch na ná nhau. Ở Quảng Nam có phong trào mỗi xã một sản phẩm, thì từng địa phương có lợi thế riêng về tự nhiên, văn hoá, xã hội cũng phải tìm ra nét độc đáo”, Phó Thủ tướng gợi mở và phân tích thêm về đẳng cấp của một điểm đến, một khu du lịch không hẳn là những cơ sở lưu trú, khách sạn 5-6 sao mà phải tìm được những nét thật độc đáo của điểm đến đó.

“Đến một mức nào đấy, khách du lịch không sang Việt Nam để nằm ở khách sạn 5-6 sao mà họ muốn tìm những thứ rất độc đáo không có ở nơi khác. Và khu vực miền Trung-Tây Nguyên, ngoài lợi thế tự nhiên, có rất nhiều nét văn hoá độc đáo. Chúng ta phải cùng nhau tìm ra và kết nối, bổ trợ cho nhau thành những sản phẩm du lịch đẳng cấp, có thương hiệu”, Phó Thủ tướng nhận xét và đề cập đến vai trò cộng đồng làm du lịch từ kinh nghiệm thành công từ Hội An.

“Cộng đồng làm du lịch thì đầu tiên là đời sống của người dân được cải thiện, đó là cái được lớn nhất. Và vì thế chúng ta phải tháo bỏ tất cả những vướng mắc hiện nay đang hạn chế du lịch cộng đồng. Đây chính là giá trị độc đáo của từng điểm đến. Để có được Hội An ngày hôm nay không phải một lúc làm được”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh những người trực tiếp làm du lịch từ hướng dẫn viên đến phục vụ khách sạn, lễ tân… góp phần quyết định đẳng cấp của một điểm đến, một cơ sở lưu trú.

“Đương nhiên chúng ta cần có những thay đổi để đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao, ngoại ngữ tốt nhưng cũng có những thứ rất đơn giản như thái độ phục vụ tôn trọng người khác, tác phong nhanh nhẹn, sạch sẽ đem lại cho du khách cảm giác ấm áp, được chăm sóc thực sự thay vì chỉ cần xây khách sạn to đẹp, hoành tráng”, Phó Thủ tướng trao đổi và cho rằng về lâu dài cần đổi mới hoạt động đào tạo nhân lực du lịch theo hướng linh hoạt gắn doanh nghiệp và nhà trường, “vừa học, vừa làm” và kể cả một người làm quản lý lễ tân, quản lý buồng, phòng nếu có kinh nghiệm hoàn toàn có thể được mời giảng dạy.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý vai trò quan trọng của Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong tham gia xây dựng thương hiệu, đẳng cấp của du lịch Việt Nam từ chấm sao, xếp hạng khách sạn, cấp chứng chỉ hành nghề du lịch đến xúc tiến du lịch, đào tạo nhân lực, kết nối doanh nghiệp với cộng đồng, chính quyền địa phương…

“Tôi rất tin du lịch khu vực miền Trung-Tây Nguyên thời gian tới sẽ có bước tiến bộ nếu chúng ta huy động được cộng đồng, mỗi nơi tìm điểm độc đáo của mình và cùng nhau kết nối lại”, Phó Thủ tướng bày tỏ./.

                                                                                     Hải Yến 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top