Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 9 tháng 9 năm 2017 | 5:44

Gà Việt sang Nhật, xuất khẩu tôm khởi sắc

Lô gà Việt đầu tiên được xuất sang Nhật Bản, tôm đang thắng lớn,... là những tin vui của xuất khẩu nông sản những ngày vừa qua. Trong khi đó, ngành chức năng vẫn đang nỗ lực để từng bước nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.

Tuyên chiến với tôm bơm tạp chất

Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Việt thừa ủy quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT trao bằng khen cho các chiến sỹ.

Sau khi gây tiếng vang trong đấu tranh, phòng chống hành vi sản xuất kinh doanh (SXKD), sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT và Cục Cảnh sát Môi trường (C49, Bộ Công an) tiếp tục “tấn công”, triệt phá các cơ sở bơm tạp chất vào tôm và kinh doanh tôm chứa tạp chất.

Theo Đại tá Trần Trọng Bình, Phó cục trưởng C49, qua 2 năm triển khai thực hiện quy chế phối hợp về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong SXKD, sử dụng vật tư nông nghiệp (VTNN) và VSATTP nông, lâm, thuỷ sản, hai bên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2015, hai bên đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra chuyên ngành theo hình thức thanh tra đột xuất, hiệu quả cao, phát hiện nhiều hành vi vi phạm, với 17 công ty vi phạm, xử phạt 2,6 tỷ đồng. Đối với sự phối hợp của hai lực lượng địa phương, đã kiểm tra 8.400 cuộc với gần 170.000 tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra; phát hiện 32.306 tổ chức, cá nhân vi phạm, xử phạt hành chính 101 tỷ đồng. Còn trong năm 2016, qua thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử lý gần 5.500 tổ chức, cá nhân vi phạm, xử phạt 23,1 tỷ đồng.

Đặc biệt, năm 2017, Thanh tra Bộ NN-PTNT và C49 đã tổ chức 10 đoàn thanh tra, kiểm tra tập trung vào lĩnh vực VSATTP trong chế biến, kinh doanh thuỷ sản, nhất là đưa tạp chất vào tôm và kinh doanh tôm có tạp chất. Đã phát hiện 7 cơ sở bơm tạp chất vào tôm, 1 cơ sở kinh doanh tôm có tạp chất.

Mới đây nhất, ngày 2/8/2017, Thanh tra Bộ NN-PTNT, C49 và Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thuỷ sản đã kiểm tra đột xuất cửa hàng hải sản Long Hằng tại cổng chợ đầu mối phía Nam quận Hoàng Mai phát hiện ông Lê Hoàng Long đang cho 2 nhân công bơm tạp chất (chất Agar) vào tôm nguyên liệu. Tháng 5/2017, các bên đã kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh Bùi Văn Minh có 5 nhân viên đang dùng xylanh để bơm dung dịch Agar vào tôm.

Xuất khẩu khởi sắc, giá tôm nguyên liệu có xu hướng tăng

Xuất khẩu tôm đang có nhiều lợi thế.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá tôm nguyên liệu trong tháng 8/2017 có chiều hướng tăng, nhất là mặt hàng tôm sú. Nguyên nhân giá tôm nguyên liệu tăng vào thời điểm này là do thị trường xuất khẩu đang khởi sắc trở lại với nhu cầu tăng mạnh từ các nhà máy chế biến thủy sản trong vùng trong khi nguồn tôm nguyên liệu thiếu. 

Cụ thể, tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 30 và 40 con/kg tăng trung bình 20.000 đồng/kg so với tháng trước, lên lần lượt các mức 215.000 đồng/kg và 171.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ cũng tăng nhẹ từ 1.000 - 3.000 đồng/kg, dao động ở mức 100.000 - 130.000 đồng/kg tùy loại. 

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thời tiết năm nay thuận lợi hơn rất nhiều so với năm trước nên nuôi tôm nước lợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng khá. Cụ thể, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 8 tháng ước đạt 63.600 ha, tăng 15,43% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt 165.800 tấn, tăng 33,9%. Diện tích tôm sú ước đạt 580.900 ha, tăng 3,6%, sản lượng thu hoạch ước đạt 150.100 tấn, tăng 8,1%.

Hỗ trợ mạnh mẽ để ngư dân yên tâm sản xuất

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ra văn bản yêu cầu các sở, ngành chức năng và địa phương đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu huy động nhiều nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các cảng cá chuyên dụng, khu neo đậu tránh trú bão; khơi thông luồng lạch, bảo đảm tàu thuyền ra vào bến thuận lợi; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua, chế biến hải sản, tạo điều kiện cho ngư dân trong quá trình khai thác, bảo quản và tiêu thụ hải sản, nâng cao giá trị các mặt hàng hải sản. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính liên quan đến nghề cá; giải quyết thủ tục hành chính “một cửa, tại chỗ” cho ngư dân. Điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích nhằm tổ chức lại sản xuất trên biển theo hướng hình thành tổ hợp tác xã, công ty cổ phần, tạo điều kiện để ngư dân tương trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình khai thác hải sản, bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro, giảm chi phí... góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67, nhất là hoạt động của các cơ sở đóng tàu, hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại, hoạt động mua, bán bảo hiểm tàu cá theo hướng ngư dân có đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của chủ đầu tư (quyết định chọn thiết kế, chọn đơn vị đóng tàu), giám sát quá trình đóng và nghiệm thu nhằm đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp với thực tiễn và kinh nghiệm của ngư dân. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc mở lớp đào tạo, bồi dưỡng thuyền trưởng, máy trưởng và vận hành các tàu có công suất lớn, công nghệ mới.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh Quảng Ngãi và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân được vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu thuyền; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước VN xem xét, cơ cấu lại nợ cho ngư dân vay vốn ưu đãi theo hướng giảm trả lãi vay và nợ gốc trong thời gian đầu đưa tàu vào khai thác để ngư dân có điều kiện tiếp thu công nghệ, kỹ thuật mới (thời gian này xem như vận hành chạy thử đối với tài sản cố định).

Xuất lô thịt gà đầu tiên sang thị trường Nhật Bản

Gà Việt Nam đã được xuất khẩu sang Nhật.

Ngày 9/9, lô gà thịt được sản xuất từ chuỗi liên kết sạch đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, thông qua Cảng biển quốc tế Long An (tỉnh Long An). Đây là lần đầu tiên, gà thịt VN đã được một thị trường khó tính như Nhật Bản chấp nhận, sau khi vượt qua hàng loạt rào cản kiểm soát khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Nhơn (Bình Phước), kiêm Phó chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp áp dụng công nghệ cao - cho biết: “Lô gà thịt đã được 4 DN cùng hợp tác sản xuất trong chuỗi liên kết sản xuất thịt gà sạch, gồm: Hùng Nhơn Group (Bình Phước), De Heus, Bel Gà và Koyu & Unitek (VN)”. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu gia cầm rất tiềm năng. Song, để vào được Nhật, gà thịt Việt Nam phải tuân thủ những đòi hỏi rất khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đơn vị nhập khẩu là Cty Sojitz (Nhật Bản).

Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT: “Việc các DN xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên sang thị trường Nhật là thành công lớn của ngành chăn nuôi. Sắp tới, không chỉ có gà, mà cả thịt lợn, các loại nông sản khác cũng phải nỗ lực đạt tiêu chuẩn và tìm đường xuất ngoại. Điều đó sẽ giúp rất nhiều cho các trang trại, người nông dân tiêu thụ được nông sản, thoát khỏi tình trạng hết “giải cứu” này đến “giải cứu” khác, mà thiếu tính bền vững, căn cơ”.

Anh Thơ

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top