Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 3 năm 2018 | 11:16

Gặp những người săn “đại bàng” ở vùng trời H9

H9 - Krông Bông là căn cứ địa cách mạng của tỉnh Đắk Lắk, nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt trong công cuộc bảo vệ đất nước của dân tộc, đặc biệt là phong trào bắn máy bay địch trong kháng chiến chống Mỹ.

Nhân kỷ niệm 43 năm giải phóng Buôn Ma Thuột (10/03/1975 - 10/03/2018) và giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975  30/4/2018), chúng tôi có cuộc trò chuyện với những người săn “đại bàng” ở bầu trời H9.

Một ngày đầu Xuân Mậu Tuất 2018, vượt qua quãng đường dài hơn 90km, chúng tôi đến thăm ông Y Grăng Niê (tên thường gọi Ama Dung), quê ở Krông Bông, hiện sinh sống tại Buôn Hai, xã Cư Mta Mdrăk. Sau cái ôm thân thiết, bắt tay chào hỏi, chúng tôi có dịp hàn huyên và nghe ông kể chuyện thời đánh Mỹ.

 

ng-y-grăng-niê-người-bắn-rơi-máy-bay-năm-1969.JPG
Ông Y Grăng Niê kể chuyện bắn rơi máy.

 

Ông kể: Đầu năm 1968, ông thoát ly vào T47 Đắk Lắk và được chuyển về C23, đơn vị 25. Tuy nhiên, do đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số còn mỏng và ít, ông được đơn vị giao kiêm phụ trách thanh niên buôn Ngô (Hòa Phong) và buôn Dăk Tuôr (nay thuộc xã Cư Pui). Là người hoạt động phong trào sôi nổi, hăng hái trên mọi mặt trận công tác nên Mỹ - Ngụy  tuyên bố nếu bắt được Y Grăng sẽ chặt đầu để ra đường cái. Để đánh lạc hướng kẻ thù, đơn vị quyết định đổi tên ông thành Y Brăng Niê.

Vào khoảng 10 giờ sáng một ngày đầu tháng 5/1969, trong lúc trên đường đưa thanh niên buôn Ngô đi tập văn nghệ chào mừng sinh nhật Bác tại buôn Dăk Tuôr, phát hiện máy bay Dakuta của địch đang bay ở tầm thấp rải chất độc khai quang, trong số 12 người chỉ mình ông có súng, lúc này ông suy nghĩ mình không bắn máy bay mà chạy thì sẽ chết, nếu không thì cũng bị bắt. Nghĩ sao làm vậy, khi máy bay rà thấp cách khoảng vài chục mét, ông dùng súng CKC nhắm thẳng vào máy bay bắn ba phát, thấy máy bay trúng đạn bốc cháy, sau đó rơi xuống vùng đất ở hướng Tây cách mười mấy cây số (địa điểm nay là cơ quan Công an huyện Krông Bông), ông sung sướng hô to: “Máy bay cháy rồi anh em ơi, máy bay cháy rồi anh em ơi”…

Sau chiến công này, ông được thăng quân hàm đại úy, đến năm 1972 được điều động về làm Phó bí thư Huyện đoàn H9 rồi được cử đi học Trường Nguyễn Ái Quốc, Quân khu 5. Sau ngày thống nhất đất nước, ông trải qua nhiều công việc từ Đại đội phó Thanh niên xung phong huyện Krông Păk, rồi đến Phó trưởng phòng Phòng Nông Nghiệp huyện Mdrăk… Năm 1986, ông nghỉ mất sức nhưng đến năm 1988 ông được bầu làm Trưởng ban Kiểm soát HTX Cư Du (một trong những HTX tiêu biểu của huyện Mdrăk). Năm 1991, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã CưMta cho đến năm 1996.

Trong ký ức của ông Y Kriêng Bkrông, 87 tuổi, ở Buôn Ngô (Hòa Phong) vẫn không quên được trận đánh ngày 15/7/1969, sau khi nhận lệnh của Bộ tư lệnh mặt trận B3, Đại tá Ama Phim tham mưu phó tỉnh đội Đắk Lắk đã giao nhiệm vụ cho 4 đồng chí trong lực lượng du kích của xã phục kích đánh địch đi càn vào hậu cứ, khi phát hiện chiếc máy bay C130 bay thấp chỉ cách mặt đất khoảng 300m, ông dùng súng CKC ngắm thẳng bắn trúng tên phi công, khiến máy bay của địch bị rơi.

Phong trào bắn máy bay địch lan tỏa khắp vùng căn cứ, theo lời giới thiệu của ông Trần Tiên, một người dân căn cứ Lễ Giáo, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Hòa Lễ đã nghỉ hưu, tôi đến gặp ông Lỡ Văn Châu, 64 tuổi, thương binh 4/4, hiện ở thôn 1, xã Hòa Lễ. Bằng giọng trầm hùng, ông kể lại: Năm 1971, khi tròn 16 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ vào Huyện đội H9. Do nhỏ tuổi và nhỏ người, ông được biên chế vào trung đội trinh sát kiêm giao bưu. Tháng 3/1973, trong lúc giao tranh với địch tại Buôn Gà (Ea Kar), ông bị thương vào phần mềm, sau khi điều trị ông tiếp tục trở lại đơn vị với công việc của người lính trinh sát, giao bưu. Những tháng năm trong quân ngũ đã để lại cho ông biết bao kỷ niệm, nhưng có một kỷ niệm luôn theo ông trong suốt cuộc đời. Đó là vào tháng 4 năm 1974, ông được đơn vị cử đi từ H9 đến H7 để giao công văn hỏa tốc, khi vừa đi đến cầu Cư Phiăng (Hòa Phong) bị máy bay trực thăng của địch phát hiện, nó chĩa súng bắn thẳng vào, ông suy nghĩ nếu hy sinh cũng phải bảo vệ được công văn mật, nên nhanh trí nhảy xuống gầm cầu tìm vị trí ẩn nấp và độc lập tác chiến.

 

ng-lỡ-văn-châu-đang-kể-lại-trận-bắn-rơi-máy-bay.JPG

Ông Lỡ Văn Châu kể chuyện bắn rơi máy.

 

Thừa cơ hội máy bay hạ thấp, ông  dùng súng AK bắn hết nửa băng đạn khoảng 15 viên thì máy bay bốc cháy, rơi cách đó ba cây số (xác máy bay tìm thấy nằm ở gần cánh đồng thôn 6 Hòa Phong hiện nay).  Năm 1979, ông phục viên với cấp bậc Thượng sỹ, chức vụ A trưởng. Với những thành tích tham gia kháng chiến, ông vinh dự  được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Ba.

Chia tay ông Châu, tôi vẫn còn canh cánh bên lòng, là hiện nay với phụ cấp thương binh ít ỏi, ông chắt chiu nuôi con cái ăn học, nên mặc dù ngôi nhà gỗ đã xuống cấp nhưng vẫn chưa có điều kiện để cải thiện nơi ăn chốn ở.

Qua những câu chuyện bắn rơi máy bay ở vùng căn cứ H9 (Krông Bông) và những nhân chứng sống, một lần nữa khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập – tự do” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

 

 

 

Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top